Lời Chúa: Lc 9,43-45
43 Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ. 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Suy niệm:
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Người. Tin mừng thuật lại: “Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giêsu làm, Người nói với các môn đệ: Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Người, Tin mừng cũng cho biết: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy”. Tại sao các môn đệ không hiểu? Tại sao các ông không dám hỏi lại Người?
Các trang Tin mừng cho chúng ta thấy: các môn đệ có một sự gắn bó sâu sắc với Chúa Giêsu không chỉ trên phương diện tình cảm mà còn trên phương diện tinh thần và sự tin tưởng. Mối liên hệ của các môn đệ với Chúa Giêsu thật tốt đẹp. Tình cảm của các môn đệ dành cho Chúa Giêsu thật sâu sắc. Thế nhưng, nhiều khi thực tế của cuộc sống, những tình cảm tự nhiên lại có thể trở thành bức màn che mờ đi sự hiểu biết của chúng ta. Nó làm cho chúng ta thật sự khó khăn trong việc nhận ra chiều sâu thực tại của đời sống thiêng liêng.
Thật vậy, một trong những nguyên nhân khiến các môn đệ đã không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại phải chịu nhiều đau khổ, phải hy sinh mạng sống của mình, đó là các ông đã xây dựng mối tương quan với Chúa Giêsu chỉ dựa trên tình yêu và cảm xúc tự nhiên. Với tình yêu và cảm xúc tự nhiên thì làm sao các môn đệ có thể chấp nhận để người mình yêu mến và kính trọng chịu đau khổ, chịu chết. Trong trường hợp này, tình yêu, sự quan tâm gần gũi tự nhiên đã cản trở khả năng hiểu biết và nhận ra ý nghĩa thật sự của cuộc thương khó mà Chúa Giêsu sẽ trải qua.
Chiêm ngắm đời sống của Chúa Giêsu chúng ta thấy: Chúa Giêsu cũng có những tình yêu, những cảm xúc tự nhiên: Người đã xao xuyến và thổn thức trong lòng trước cái chết của Lazarô (x. Ga 11,33.38); Người chạnh lòng thương bà góa thành Nain vì người con trai duy nhất của bà đã qua đời (x. Lc 7,13); Người chạnh lòng thương khi thấy đám đông lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mc 6,34)… thế nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở tình yêu cảm xúc tự nhiên, mà qua tình yêu cảm xúc tự nhiên Người hướng con người đến một vấn đề cao hơn, xa hơn đó là ơn cứu độ, là sự sống đời đời trong thánh ý của Chúa Cha. Chúa Giêsu chạnh lòng thương cho Lazarô và con trai bà góa thành Nain sống lại, qua đó Người cũng hướng chúng ta đến sự sống đời đời. Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đám đông lầm than vất vưởng, vì vậy, Người bắt đầu dạy dỗ họ, hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ, nhưng qua đó Người cũng hướng họ đến bàn tiệc Nước Trời, đến của ăn mang lại sự sống đời đời (x. Mc 6,30-44).
Thật vậy, khi nghe tiên báo về cuộc thương khó chắc chắn sẽ xảy với Thầy mình, các môn đệ đều hoang mang lo lắng và đau khổ. Chúa Giêsu chắc chắn cũng đồng cảm với sự hoang mang đau khổ này của các môn đệ. Thế nhưng, Người không chọn cách làm cho các môn đệ hết hoang mang lo lắng bằng việc từ chối con đường thập giá. Người vẫn chọn con đường của thập giá, của đau khổ. Bởi vì, đây là con đường theo ý muốn của Chúa Cha. Đây là con đường dẫn các môn đệ đến tình yêu thật sự, đến sự sống đời đời. Tình cảm tự nhiên thì tốt đẹp và cần thiết. Thế nhưng, nó cần phải được hướng dẫn bởi thánh ý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa nhìn lại cuộc sống của mỗi người chúng con, khi đối diện với thập giá trong đời sống, chúng con cũng thường có khuynh hướng phản ứng giống như các môn đệ. Chúng con để cho cảm xúc tự nhiên chi phối để rồi không nhận ra hoặc phớt lờ đi giá trị thật sự của những hy sinh, đau khổ. Xin cho chúng con biết tìm kiếm ý Chúa nơi những thách đố của thập giá trong cuộc sống, để rồi nhận ra giá trị thật sự của những hy sinh và đau khô. Amen.