Lời Chúa: Lc 13,10-17
10 Ngày Sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!”13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày Sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sa-bát!”15 Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày Sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa-bát sao?”17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Suy niệm:
Tin mừng hôm nay thuận lại việc Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường và chữa lành cho một người phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật: lưng bà còng xuống không thể nào đứng thẳng lên được đã mười tám năm. Chứng kiến việc chữa lành này của Đức Giêsu, ông trưởng hội đường tức tối lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabát”. Lý do cho sự phẫn nộ của ông trưởng hội đường là Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabát.
Hãy thử hình dung, nếu chúng ta đặt mình là một trong những người đã chứng kiến việc chữa lành cho người phụ nữ còng lưng trong hội đường ngày hôm đó, đặc biệt, chúng ta là những người thân của người phụ nữ bị còng lưng, những người đã chứng kiến và chia sẻ nỗi đau khổ với người phụ nữ này ròng rã mười tám năm, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Chắc chắn chúng ta sẽ không lên án hay thắc mắc: tại sao Đức Giêsu lại chữa lành bệnh cho người phụ nữ này – người thân này của chúng ta vào ngày Sabát? Ngược lại, chúng ta sẽ sung sướng ứa lệ vì hạnh phúc, tràn đầy sự kính sợ và lòng biết ơn.
Có lẽ phản ứng của ông trưởng hội đường xuất phát từ một sự đố kỵ hay ghen tuông nào đó, thế nhưng, chúng ta không thể phủ nhận được rằng sở dĩ ông đã phản ứng như vậy là bởi vì sự tuân thủ lề luật một cách nghiệm ngặt nơi ông. Vì sự đố kỵ hay ghen tuông mà lên án một người nào đó là điều chúng ta dễ hiểu và dễ nhận ra. Thế nhưng, việc tuân thủ lề luật một cách nghiêm ngặt dẫn tới kết án hay loại trừ việc làm của Thiên Chúa thì không phải là điều dễ hiểu và dễ nhận ra, đặc biệt là đối với những người tuân thủ lề luật một cách nghiêm ngặt. Thật vậy, việc này không chỉ thuộc vấn đề cảm tính, nhưng còn thuộc lĩnh vực của ý chí, đặc biệt là lĩnh vực niềm tin.
Tuân giữ lề luật của Thiên Chúa là việc làm tốt đẹp, việc này cho thấy niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Thế nhưng tuân giữ lề luật của Thiên Chúa một cách quá tỉ mỉ và nghiêm ngặt sẽ dẫn chúng ta đến nguy cơ giải thích sai về lề luật của Chúa. Thật vậy, khi tuân giữ lề luật của Thiên Chúa một cách quá tỉ mỉ và nghiêm ngặt chúng ta có khuynh hướng đặt bản thân của chúng ta lên trên Thiên Chúa. Một người quá tỉ mỉ và nghiêm ngặt trong việc tuân giữ lề luật thì luôn bận tâm, lo lắng về tội lỗi của chính họ hơn là chính Thiên Chúa. Mặc dù, việc tỉ mỉ và nghiêm ngặt thì quan trọng để kiểm điểm bản thân một cách nghiêm túc, thế nhưng, khi nỗi sợ phạm tội trở thành một mối ám ảnh, sự ám ảnh này sẽ che mờ ý muốn của Thiên Chúa. Việc tuân giữ lề luật lúc này sẽ chỉ còn là gánh nặng và mất khả năng đem lại niềm vui, sự bình an thật sự trong cuộc sống theo ý muốn của Thiên Chúa.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trong cuốn Tự thuật, ngài đã chia sẻ kinh nghiệm này, kinh nghiệm của cuộc chiến đấu với cái mà ngài gọi là sự quá nhạy cảm về tội. Thánh Têrêsa cho biết: sự quá nhạy cảm về tội này trở thành gánh nặng đè trên cuộc sống ngài. Nó ám ảnh ngài đến nỗi thậm chí một vài suy nghĩ ngẫu nhiên thoáng qua cũng đã là những tội trọng ghê gớm và ngài luôn sống với sự kết án của những suy nghĩ ngẫu nhiên thoáng qua này.
Mặc dù ông trưởng hội đường không trải qua cuộc chiến như cách mà thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã trải qua, thế nhưng hành động quá tỉ mỉ đến nỗi cực đoan của ông đã dẫn ông đến sự phê bình, chỉ trích và kết án một cách nhẫn tâm đến việc làm tốt đẹp mà Chúa Giêsu đã làm cho người phụ nữ bị quỷ ám.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa khao khát giải thoát chúng con khỏi tất cả những gánh nặng đang đè lên cuộc đời chúng con. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết để cho Chúa giải thoát chúng con ra khỏi những mối ám ảnh và những lo lắng phi lý. Xin cho chúng con biết đặt Chúa làm trung tâm của đời sống chúng con. Amen.
GKGD Giáo Phận Phú Cường
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org