Lời Chúa: Mt 19, 3-12
Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? “4 Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”,5 và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.”6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”7 Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? “8 Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”10 Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.”11 Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”
Suy niệm: Tình yêu và ly dị
Nhiều đôi tân hôn trong ngày cưới đã yêu nhau và hạnh phúc đến độ mọi người nhìn vào đã phải thối lên họ thật “xứng đôi vừa lứa. Nhưng vài năm sau lại đem nhau ra toà để ly dị.
Làm sao hai người đã yêu nhau đến độ rất “đẹp đôi vừa lứa”, đã thề hứa trọn đời yêu thương nhau mà lại có thể “đường ai nấy đi” trong thời gian nhanh như thế ? Thực ra ly dị là vấn đề của mọi thời đại và mọi nơi. Trong xã hội chúng ta đang sống, ly dị trở thành phổ thông đến độ cứ hai ba cặp kết hôn thì một cặp ly dị. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Có được phép ly dị vì bất kỳ lý do nào không? Nếu được, trong hoàn cảnh nào được phép ly dị?
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay tập trung trong hai chủ đề tình yêu và ly dị.
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Edekiel dùng hình ảnh một cô gái để nói lên tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Israel. Thiên Chúa yêu họ khi họ vừa chưa là một quốc gia, khi họ vẫn còn bị đối xử tàn nhẫn như nô lệ bên Ai Cập. Người đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ và đồng hành với họ suốt 40 năm trong sa mạc. Thiên Chúa đuổi dân bản xứ đi và cho họ vào sở hữu một vùng đất chảy sữa và mật… Nhưng khi họ đã trở thành một dân tộc, họ đã bội nghĩa quên thề với Chúa để chạy theo thờ phượng các thần của lân bang. Quả thật, Thiên Chúa có thể bỏ mặc họ cho quân thù giày xéo, nhưng Người đã chọn yêu thương họ đến cùng.
Trong Tin mừng, một người Pharisiêu đến thách thức và hỏi Chúa Giêsu: “Người ta có được ly dị vợ mình vì bất kỳ lý do gì không?” Chúa Giêsu cho họ thấy nguyên lý của Thiên Chúa từ thuở ban đầu: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
Thiên Chúa là Đấng thuỷ chung muôn đời. Mọi tội lỗi đều tạo nên sự cắt đứt mối liên hệ với Chúa. Khi phạm tội, con người đưa mình vào một tình trạng lìa xa (ly dị) với Chúa và giao ước đã ký với Người.
Vậy, qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi học biết rằng:
Ly di không thể chấp nhận vì 2 lý do sau: Trước hết, đó là nguyên tắc căn bản từ ban đầu: Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không thể phân ly và thứ hai là Thiên Chúa đã làm gương cho con người về sự trung thành và thuỷ chung: Người đã tha thứ hết mọi tội cho con người dù con người đã phản bội Chúa. Chúa Giêsu đã chết cho con người khi con người còn là tội nhân.
Đau khổ trong đời sống gia đình không thể nào tránh được, nhưng có thể vượt qua với ơn thánh của Thiên Chúa ban qua các bí tích, nhất là bí tích Hoà giải và Thánh Thể. Mọi người được mời gọi cần năng lãnh nhận các bí tích này mới mong trung thành với Chúa và với nhau.
Lòng trung tín và việc bám víu vào Chúa được coi như là phương thế hữu hiệu để bảo vệ giao ước chúng ta đã ký kết với Người trong ngày lãnh bí tích Rửa tội.
Fr. Joseph