Thứ Tư Tuần IV Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Mc 6, 1-6

1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”. Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

Suy niệm: Tôn trọng những người trong gia đình

Con người hay bị chi phối bởi thành kiến: chủng tộc, giai cấp, nghề nghiệp, xóm làng, gia đình… Những thành kiến này ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của con người với nhau. Để có thái độ khách quan, cần phải vượt qua những bức tường thành kiến này mới có thể nhìn thấy những cái hay của những người trong gia đình, cộng đoàn hay cùng quê hương xứ sở.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay bày tỏ cho chúng ta biết những mối tương quan của con người.

Trong bài đọc thứ nhất, tác giả thư gởi tín hữu Hippri ví mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cha và con. Như người cha phải sửa phạt con cái, Thiên Chúa cũng phải sửa phạt con người. Mục đích của việc sửa phạt không phải vì ghét bỏ, nhưng để giúp đức tin của con người ngày càng vững mạnh hơn, để họ có thể đương đầu với những cám dỗ và thử thách của cuộc đời.

Một điểm khác trong sự sửa dạy này không dừng lại ở khía cạnh cá nhân nhưng còn nhắm đến yếu tố ích lợi cộng đoàn và những người mà đương sự sẽ có trách nhiệm nữa. Chính vì thế, tác giả thư nói thế này : “Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện ; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người”.

Việc chấp nhận sống theo sự hướng dẫn của ân sủng Chúa, tức là Chân lý, làm cho con người nhiều khi bị coi thường bởi nhiều người khác. Đó là điều mà chúng ta thấy trong bài Tin mừng ngày hôm nay.

Quả thực, thánh Marcô tường thuật cho chúng ta thấy về thái độ khinh thường của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã không vượt qua được những thành kiến về nghề nghiệp và gia đình, để tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu báo trước cho các chứng nhân về ba nơi mà họ bị khinh thường: gia đình, họ hàng và quê hương. Tại sao vậy? Câu trả lời đó là vì sự kiêu ngạo của con người với nhau. Đó cũng là một hình thức mà theo cách nói dân gian là “ghen ăn tức ở” trước người khác. Người ta không muốn ai hơn mình, nhất là những người ở địa vị thấp kém hơn mình về tuổi tác gia thế và hoàn cảnh xã hội.

Nhưng chân lý vẫn là chân lý và Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống chân lý, tức là sống theo sự thật. Chính đức tin vào Chúa sẽ giúp chúng ta sống sự thật. Nên chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết kiên vững trong đức tin vào Chúa và đón nhận sự sửa phạt từ Thiên Chúa với tất cả sự khiêm nhường và phó thác.

Chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta ý thức rằng: thành kiến làm chúng ta thành mù quáng và đối xử bất công với người khác. Để bảo toàn sự công bằng, chúng ta cần loại bỏ thành kiến và chú trọng tới những gì người khác làm hay đạt được. Chúng ta cần có thái độ này với những người trong gia đình và cộng đoàn, ở nơi mà chúng ta thuộc về.

Fr. Joseph

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube