Lời Chúa: Mt 10,6-15
“…Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
“Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.
Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt họa lên chân dung của một vị Tông Đồ của Chúa Giê-su trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: Mang sứ điệp Nước Trời, chữa lành người đau yếu, sống khó nghèo và đem bình an đến cho mọi người. Chúa Giê-su sai mười hai Tông Đồ đến nơi nào? Dặn dò các ông mang thứ gì? Truyền cho các ông phải nói gì? Và bảo các ông phải làm gì? Đó là những gì chúng ta cùng nhau chia sẻ:
- Đi đâu?
Các Tông Đồ được sai đến trước hết dành cho chiên lạc nhà Israel (x. Mt 10,7). Điều này cho thấy sứ mạng tại thế ban đầu của Chúa Giê-su là: “Thầy chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel” (Mt 15,24), nghĩa là ơn Cứu Độ đầu tiên đến từ dân Do-thái bởi Chúa Giê-su đã nhập thế làm một người Do-thái nên đã ưu tiên quy tụ “những con chiên lạc” trước. Lúc sai các Tông Đồ đi truyền giáo Chúa Giê-su cũng muốn các ngài tiếp nối điều này “Hãy đến với chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,6). Đây không phải là một sự phân biệt dân Do-thái hay dân ngoại, mà là một sự tiệm tiến bắt đầu từ dân Do-thái trở đi. Sau này, mệnh lệnh được truyền cho các Tông Đồ qua thánh Phêrô phải đi rao giảng cho cả dân ngoại cách chính thức qua thị kiến “chiếc khăn buộc túm bốn góc chứa đầy bò sát mà Phêrô được mời gọi làm thịt mà ăn” (x. Tđcv 11,1-8). Thánh Phaolô cũng nói về điều này với người Do-thái: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Tđcv 13,46).
Nhiều người chúng ta vẫn mơ tưởng là phải đến nơi nào đó xa xôi băng rừng vượt suối để rao giảng Tin Mừng, nhưng lại quên mất rằng ngay bên cạnh nhà chúng ta đang ở, bạn cùng lớp chúng ta đang học, người cùng phòng chúng ta nơi công sở, làng xóm bên cạnh giáo xứ chúng ta là lương dân. Lại nữa, chúng ta mong đưa về cho Chúa những con chiên mới, những những con chiên lạc của giáo xứ chúng ta đang cần được giúp đỡ chúng ta lại không biết…
- Mang gì?
“Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (Mt 10,9-10).
Chúa Giê-su không bảo vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình.
Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.
Hơn nữa, loan Tin Mừng cốt yếu là làm chứng cho Chúa Giê-su, mà Chúa Giê-su đó đã sinh ra trong khó nghèo, sống kiếp nghèo và chết trong sự trần trụi trên Thập Giá. Vì thế, nếu đời sống của người rao giảng không thể hiện được tinh thần nghèo sẽ tự nó trở nên phản chứng.
- Nói gì?
Sứ điệp mà Chúa Giê-su muốn rao giảng là: “Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến” (Mt 10,7). Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.
Cùng với việc rao giảng Nước Trời là đem bình an đến cho những ai đón nhận Tin Mừng: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em” (Mt 10,12-13). “Bình an cho nhà này”. Dựa theo Thánh Kinh Cựu Ước, ta nhận thấy văn hoá giao tiếp vùng Trung Cận Đông thường dùng câu “bình an” để chào hỏi nhau khi gặp mặt. Sứ điệp bình an cũng được các thiên thần hát lên khi Chúa Giê-su Giáng Sinh. Và bây giờ, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, tiên vàn hãy đem bình an đến cho mọi người. Sự xuất hiện của các chứng nhân Tin Mừng là đem đến cho con người sự bình an đích thực của Chúa, phá tan những lo âu, chia rẽ và hận thù.
- Làm gì?
“Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).
Cùng với việc rao giảng, các Tông Đồ nhận được năng quyền chữa lành để vừa củng cố niềm tin, vừa đẩy lui quyền lực của sự dữ và ma quỷ.
Có thể hiểu đến năng quyền được ban cho các mục tử qua các Bí tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua Bí tích Hòa Giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.
Tất cả đều được lãnh nhận nhưng không từ nơi Chúa chứ không do sức riêng mình, nên Chúa cũng mời gọi các Tông Đồ cho đi một cách nhưng không mà không đòi hỏi được đề đáp.
Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.
Lạy Chúa Giê-su, như xưa Chúa sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, xin cho mọi người chúng con hôm nay cũng biết sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng con. Amen