Phút cầu nguyện: Cầu nguyện như thế nào?

Một du khách đến cầu nguyện bên cạnh bức tường gọi là “bức tường than khóc”, dưới chân nền đền thờ xưa kia của thành Giêrusalem. Trước hết, vị du khách cất tiếng kêu xin:

– Lạy Chúa là Cha chúng con, xin Chúa làm cho thế giới này không còn nghèo khổ và đói khát nữa.

Nghe vị du khách cầu nguyện như vậy, người hướng dẫn viên Do Thái khuyến khích:

– Thật là một lời nguyện hay! Ông hãy cầu nguyện thêm một lời nữa đi!

Vị du khách trở lại gần bên bức tường và cầu nguyện thêm:

– Lạy Chúa, xin cho giặc giã, chiến tranh không còn nữa trên mặt đất này.

Anh hướng dẫn viên Do Thái lại khuyến khích người du khách hãy thêm một lời nguyện nữa cho hòa bình trên thế giới. Người du khách liền sốt sắng cầu nguyện tiếp:

– Lạy Chúa, xin cho cuộc tranh chấp hiện nay tại Trung Ðông được giải quyết tốt đẹp, cho người Ả Rập và Do Thái được sống chung hòa bình, và cho người Do Thái biết trả lại cho người Ả Rập tất cả những đất đai họ đang chiếm đóng.

Nghe đến đây, anh hướng dẫn viên Do Thái vội vàng ngắt lời người du khách với giọng giận dữ:

– Xin lỗi ông, ông đang nói chuyện với bức tường đấy!

Nói thế rồi anh ta vội kéo du khách đi nơi khác.

Quý vị và các bạn thân mến!

Cũng như anh hướng dẫn viên Do Thái, chúng ta cầu nguyện hoặc thích nghe những lời cầu nguyện nói lên những gì hợp với điều mình mong ước hay mang lại ích lợi với bản thân mà thôi. Trong khi thái độ cầu nguyện mà người môn đệ tin Chúa cần phải có đó là sẵn sàng vâng phục thánh ý Ngài, để cho Ngài toàn quyền tự do quyết định chứ không phải đòi buộc Chúa thực hiện điều ta muốn và theo cách thức ta muốn. Để lời cầu nguyện của chúng ta có giá trị và mưu cầu hạnh phúc không chỉ cho riêng chúng ta mà còn cho cả những người xung quanh, khi cầu nguyện, ta cũng không thể chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng mình mà cố tình quên đi quyền lợi và nhu cầu của người khác. Đạo Phật cũng có câu: “Bí kíp cầu nguyện là hướng tới vô ngã, vị tha và tránh xa những lời cầu nguyện đem lại đau khổ cho người khác”. Người hướng dẫn viên Do Thái chỉ nghĩ đến quyền lợi của dân tộc mình nên không chấp nhận lời nguyện xin “ cho người Do Thái biết trả lại cho người Ả Rập tất cả những đất đai họ đang chiếm đóng”.

Trong tập sách Đường Hy Vọng, Đức Chân Phước PX Nguyễn Văn Thuận cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về cầu nguyện như sau: “Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa, máy móc tự động có thể làm hơn con. Cầu nguyện là nền tảng đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con kết hiệp với Thiên Chúa, như một bóng điện sáng là nhờ kết hiệp với máy phát điện. Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô là phải cầu nguyện.” Vì chỉ khi cầu nguyện, chúng ta mới nhận ra được Thánh Ý Thiên Chúa. Đừng hỏi làm sao biết được đâu là Thánh Ý Thiên Chúa nếu bạn chẳng bao giờ cầu nguyện. Bởi chính Chúa Giêsu cũng phải cầu nguyện và cầu nguyện liên lỉ để biết được Ý Chúa Cha. Và nhận ra và thực hành theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha chính là con đường mang lại cho chúng ta bình an ở đời này và hưởng hạnh phúc ở đời sau. Đó là lý do vì sao Đức Thánh Cha Phanxico chia sẻ rằng: “ Cầu nguyện rất cần thiết. Vì nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không có sức mạnh để tiến lên trong cuộc sống. Cầu nguyện giống như dưỡng khí của sự sống. Cầu nguyện là để Chúa Thánh Thần hiện diện trên chúng ta, Đấng luôn đưa chúng ta tiến bước.”[1]

Lạy Chúa Giêsu, xin sai Thần Khí Chúa trên chúng con,  hướng dẫn chúng con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa, xin cho con biết rằng cầu nguyện là kết hiệp với Chúa, tin tưởng phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa và “xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời!”. Amen.

Bình Minh     

Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube