Cổ Học Tinh Hoa có kể rằng, sau khi thắng trận lớn, Sở Trang Vương mở đại yến khao tướng sĩ để tưởng thưởng công lao và lòng trung thành. Vua truyền cho các cung nữ của mình ra hầu tiệc. Đang ăn bỗng một trận gió làm đèn đuốc tắt hết. Lợi dụng bóng tối, một quan đại phu ôm chầm lấy người đẹp đang chuốc rượu cho mình và hôn. Người đẹp chính là nàng Hứa Cơ đang được nhà vua sủng ái nhất. Hứa Cơ bèn giật đứt giải mũ của vị quan ấy và đem trình vua xin Ngài trừng trị thích đáng.
Thay vì phẫn nộ, vua ra lệnh cho các quan đều bỏ giải mũ khi đèn sáng. Không ai hiểu tại sao ngoài ba người liên hệ. Sở Vương nói: “Trong nguy biến, các quan đã liều thân vì đất nước. Khi vui say, các quan quên lễ phép một chút, có sao đâu! Lẽ nào vì một chuyện nhỏ mà quên đi lòng hy sinh cao cả của người khác”.
Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tần. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng có một viên quan võ liều sống liều chết xông ra phía trước, đánh rất dũng cảm làm cho quân Tần phải lui binh. Nhờ vậy, quân Sở đại thắng.
Sở Trang Vương lấy làm lạ bèn hỏi:
– Trẫm đãi khanh cũng như mọi người khác, cớ sao khanh lại hết lòng giúp trẫm như vậy?
Vị võ quan trả lời:
– Thần rắp tâm đem tính mạng dâng cho bệ hạ đã lâu, nhưng nay mới có dịp đáp đền nghĩa xưa. Thần đây chính là người ngày xưa đã bị giật đứt giải mũ mà bệ hạ không nỡ hành tội.
Quý vị và các bạn thân mến!
Tha thứ cho kẻ dám có hành động sàm sở với ái thiếp của mình là điều hiếm có vị Vua nào có thể làm được, thế nhưng chính vì lòng biết ơn đối với viên võ quan vừa thắng trận, Sở Trang Vương đã mở lòng khoan dung đại lượng đối với lỗi lầm của viên quan võ. Ông biết nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người khác và dùng nó làm động lực giúp mình tha thứ đi lỗi phạm của người khác.
“Bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu xâu xé, bao nhiêu chiến tranh có thể tránh được, nếu tha thứ và lòng thương xót là lối sống của chúng ta!” là lời khẳng định của Đức Thánh cha Phanxicô trước khoảng 600 tín hữu hành hương tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh truyền tin với Ngài vào trưa Chúa nhật 13/9/2020.
Thế nhưng, “tha thứ không phải là điều dễ dàng, vì con tim ích kỷ của chúng ta luôn gắn bó với oán hận, với báo thù”[1], muốn tha thứ chúng ta phải có chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn của mình, và chìa khóa đó chính là lòng biết ơn. Với một tâm hồn rộng mở trong tinh thần biết ơn, chúng ta dễ tha thứ hơn, nhờ đó các vết đau trong chính tâm lý và cảm xúc của chúng ta cũng dễ chữa lành hơn. Nến tảng của tha thứ chính là lòng biết ơn, tha thứ chỉ có thể làm được khi khởi lên ý niệm biết ơn.
“Hãy nhớ đến lúc kết thúc và ngừng oán ghét”. Câu nói này câu trong bài đọc thứ I, trích từ sách Huấn ca cũng là một lời nhắc nhở sống động và đầy ý nghĩa. “Hãy nghĩ đến lúc kết thúc! Hãy nghĩ đến lúc bạn ở trong một quan tài và bạn mang oán ghét đến đó!” Vâng! Chẳng ích lợi gì khi ôm mối hận “xuống tuyền đài chưa tan” vì ngày phán xét, Chúa không hỏi chúng ta đã hận ghét bao nhiêu người nhưng Ngài chỉ hỏi chúng ta đã yêu thương như thế nào? “Hãy nghĩ đến lúc chết và chúng ta sẽ ngưng oán ghét.”
Là con người ai cũng có những đức tính tốt và tích cực. Không ai là không thể tha thứ được chỉ vì không thể tìm thấy một điều gì tốt đẹp. Hãy nhìn vào điểm tốt nơi người khác và chúng ta sẽ không làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của đời người đó là biết tha thứ. Nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh cho thấy nhiều tâm hồn tội lỗi được Chúa Giêsu tha thứ và chữa lành tâm hồn chỉ vì Ngài nhận ra những điểm sáng lóe lên trong lương tâm của họ. Chỉ cần một câu nói hay một cử chỉ bày tỏ sự tích cực trong việc nhận biết Chúa, Chúa liền “quên” ngay quá khứ tội lỗi và tha thứ cho họ.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài không nhớ bao nhiêu chuyện xấu xa tội lỗi của con. Ngài đã tha thứ tội con và chỉ yêu cầu con cũng hãy làm như vậy. Xin dạy con lòng quảng đại của Chúa Giêsu, thành tâm tha thứ cho người khác vì đó là điều kiện không thể thiếu để con được vào Nước Trời. Amen”.
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org