Ngày 30 tháng 9 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập “Chúa Nhật Lời Chúa” và chọn chúa nhật thứ ba thường niên là ngày toàn thể Giáo Hội đặc biệt cử hành, học hỏi, chia sẻ, và loan báo Lời Chúa, với mục đích nhắc nhở các tín hữu : Lời Chúa là nguồn Mạc Khải sống động, có tầm quan trọng như Thánh Thể mà Đức Giêsu đã ban cho Giáo Hội của Ngài. Chúa nhật thứ ba thường niên còn là khởi điểm của Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất giữa những người cùng tin vào Đức Giêsu Kitô.
Trước hết, Lời Thiên Chúa là Lời đem lại sự sống cho những người sắp phải chết hay đáng chết vì tội lỗi của mình, như Thiên Chúa đã tha tội chết cho dân thành Ninivê vì họ đã nghe Lời Ngài, như được kể lại trong sách ngôn sứ Giôna : Có Lời Đức Chúa phán với ông Giôna lần thứ hai rằng : “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi. Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Đức Chúa phán” (Gn 3,1-3). Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố : “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ. Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (Gn 3,4-5). “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 10). Và tai họa mà trước đó Thiên Chúa muốn giáng trên Ninivê chính là tất cả mọi người ở trong thành sẽ phải chết (x. Gn 3,9).
Tin Mừng Máccô cũng không ra ngoài mục đích của Lời Chúa, khi công bố chính Lời của Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa : Sau khi ông Gioan bị bắt, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại ThiênChúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15).
Trước khi cho biết việc con người phải làm để được cứu sống, Đức Giêsu đã nghiêm khắc cảnh báo : “thời gian không còn dài, thời kỳ đã mãn”, thời điểm đã chín mùi vì Nước Trời, Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến gần. Và liền sau đó, Ngài tuyên bố : “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Như thế cả Cựu Ước cũng như Tân Ước, từ miệng các ngôn sứ đến miệng Đức Giêsu, Lời Chúa mãi là Lời cứu độ, Lời ban sự sống, Lời giải thoát khỏi tội lỗi, án tử, và điều kiện để đón nhận Lời hằng sống, Lời cứu sống ấy chính là sám hối, trở về và tin vào Lời Thiên Chúa phán dậy.
Do đó sẽ không có sự sống, không được cứu sống, nếu từ chối sám hối và phủ nhận Tin Mừng là Lời của Thiên Chúa hằng sống.
Tin Mừng Máccô hôm nay còn cho chúng ta thấy cảnh Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên là hai anh em ông Anrê, Simon, và hai anh em ruột khác là Giacôbê và Gioan. Các vị là những cộng sự viên được Đức Giêsu chọn ở những ngày đầu của công cuộc Cứu Thế, để cùng Ngài loan báo Tin Mừng, rao giảng Lời Thiên Chúa.
Qủa thực, với Lời Chúa, chúng ta không chỉ được cứu thoát, mà còn được sống sự sống của chính Thiên Chúa, nhờ lắng nghe, đón nhận và thực thi Lời hằng sống của Ngài. Cũng với Lời Chúa, mọi hiểu lầm, tị hiềm, đố kỵ giữa những anh em cùng tin vào Đức Giêsu và Lời của Ngài sẽ hiệp nhất với nhau một ngày không xa, nếu mỗi người Kitô hữu thực thi Lời Đức Giêsu năm xưa ở Galilê : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Jorathe Nắng Tím
Trích nguồn: http://conggiao.info/