Có một cô bé là con gái duy nhất của một đôi vợ chồng trẻ. Bố mẹ cô luôn bận rộn với công việc nên ít có thời gian trò chuyện cùng cô bé. Cô khao khát được nói chuyện với cha mẹ, nhưng chẳng ai dành thì giờ ngồi nghe. Cứ lủi thủi mãi một mình, dần dần cô trở nên nhút nhát và dễ tủi thân. Hằng ngày khi đến trường, cô thường bị bạn bè trêu chọc và bắt nạt nên càng ngày cô càng thu mình trong vỏ ốc cô đơn.
Một buổi chiều, sau khi bị nhóm bạn trên lớp trêu chọc, cô bé buồn bã đi ra công viên gần nhà, ngồi thu mình trên ghế đá và khóc. Một ông lão ân cần ngồi xuống bên cạnh cô và hỏi: – Này cháu, tan học rồi sao cháu không về nhà mà ngồi đây khóc? Cô bé oà lên khóc nức nở: – Cháu không muốn về nhà, ở nhà buồn lắm, không có ai nghe cháu nói! -Vậy ông sẽ nghe cháu nói! – Ông lão nói và nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh cô bé. Vừa khóc, cô vừa kể cho ông nghe tất cả những nỗi uất ức trong lòng từ bấy lâu nay. Ông lão cứ im lặng ngồi nghe. Và kể từ hôm đó, chiều nào tan học cô bé cũng vào công viên ngồi kể chuyện cho ông lão nghe. Cô dần dần trở nên mạnh dạn và vui vẻ hơn.
Rồi một ngày kia, sau khi tan học, cô bé vội vã băng qua đường và tai nạn đã xảy ra… Ngày biết tin cô bé mất, trong công viên, nơi chiếc ghế đá mà cô thường ngồi, có một ông lão lặng lẽ đốt một hình nộm bằng giấy. Đó là món quà mà ông muốn tặng cô bé, nhưng cô đã không đến được. Hình nộm đó là một chú mèo rất đẹp, trắng trẻo, có đôi tai to, đôi mắt tròn xoe hiền lành và chiếc mũi dễ thương nhưng không có miệng. Ông lão muốn nó ở cạnh cô bé và mãi mãi lắng nghe. Chú mèo ấy có tên là chú mèo“Luôn biết lắng nghe”.
Quý vị và các bạn thân mến,
Được lắng nghe là một nhu cầu rất thiết thực của tất cả mọi người. Dù là một đứa bé với những suy nghĩ, lập luận ngây ngô hay những người lớn với những suy tư đã trưởng thành, ai ai cũng muốn được người khác lắng nghe với thái độ cảm thông, chia sẻ và đón nhận. Gia đình là tổ ấm yêu thương của chúng ta. Nơi gia đình, chúng ta không chỉ chia sẻ với nhau những bữa ăn, gánh vác các công việc nhưng còn chung chia với nhau những niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại và cả những ưu tư, trăn trở nơi sâu kín cõi lòng. Đặc biệt, những người trẻ trong gia đình với những diễn biến phức tạp về tâm sinh lý luôn cần được ông bà, cha mẹ và anh chị em trong nhà quan tâm và lắng nghe để họ cảm thấy được một sự cảm thông và nâng đỡ từ những người thân yêu của mình hầu vượt qua được những cám dỗ và thách đố trong cuộc sống.
Chúng ta gặp thấy thái độ tận tình lắng nghe trong tổ ấm của thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Trong chuyến hành hương lên Giêrusalem năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cậu bé Giêsu đã ở lại đền thờ đàm đạo với các thầy dạy. Không thấy con về chung với đoàn lữ hành, thánh Giuse và Đức Mẹ đã hốt hoảng tìm kiếm Người. Chúng ta hình dung được tâm trạng của người cha, người mẹ khi lạc mất đứa con nhỏ thì lo lắng và hốt hoảng biết dường nào. Có người khi may mắn tìm được con thì ôm lấy con mà khóc òa lên vì mừng rỡ. Có người thì túm lấy con la rầy cho một trận. Thánh Giuse và Đức Mẹ thì không như vậy. Các ngài đã lắng nghe lý do mà Chúa Giêsu trình bày: “con có bổn phận ở nhà của Cha con” (Luca 2:49). Mặc dù không hiểu lời đứa con bé bỏng của mình, thánh Giuse và Mẹ Maria vẫn thinh lặng lắng nghe. Không một lời thắc mắc hay trách mắng! Rõ ràng, các ngài đã thể hiện một sự lắng nghe chân thành, một sự cảm thông trìu mến trước suy nghĩ và quyết định của đứa con thơ. Bằng cách thức đó, các ngài đã diễn tả một tình yêu bao la thầm lặng sẵn sàng chấp nhận trọn vẹn đứa con của mình. Đây chính là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao nâng đỡ Chúa Giêsu trong suốt quãng đời sống ấm êm với cha mẹ nơi mái nhà Nagiaret và cả khi cất bước ra đi thi hành sứ vụ cứu thế.
Trong những phút cầu nguyện này, chúng ta nhìn lại khả năng lắng nghe của mình đối với tha nhân. Ước gì chúng ta không để cho bất cứ ai trong gia đình và cộng đoàn mình đang sống phải lầm lũi trong cô đơn và buồn tủi vì không được chúng ta thật sự lắng nghe.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhẫn nại lắng nghe và cảm thông với những ưu tư trăn trở của những người xung quanh, đặc biệt là những người trẻ trong gia đình và cộng đoàn mà chúng con đang sống. Nhờ đó, chúng con sẽ trở thành chỗ dựa tinh thần giúp họ vượt qua đêm tối của cuộc sống và thách đố của niềm tin. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org