Trong Tông huấn Đức Kitô đang sống, số 155, Đức Thánh cha Phanxicô đã mời gọi các bạn trẻ đi vào trong tương quan cá nhân với Chúa như là một người bạn thân: Với một người bạn, chúng ta có thể nói và chia sẻ những bí mật sâu xa nhất. Với Đức Giêsu cũng vậy, chúng ta luôn luôn có thể trò chuyện. Cầu nguyện vừa là một thách đố vừa là một cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu ấy thú vị biết bao! Dần dần, Đức Giêsu giúp ta trân trọng sự cao cả của Người và kéo ta lại gần Người hơn. Việc cầu nguyện cho phép ta chia sẻ với Người mọi khía cạnh trong đời sống mình, và an tâm nghỉ ngơi trong vòng tay của Người. Đồng thời, cầu nguyện giúp ta tham dự vào chính sự sống và tình yêu của Người. Khi chúng ta cầu nguyện, “chúng ta cởi mở mọi điều ta làm” cho Người, và chúng ta dành chỗ cho Người “để Người có thể hành động, có thể đi vào, và có thể chiến thắng.” Thánh nữ Catarina mà Giáo hội mừng kính hôm nay là một vị thánh rất trẻ, ngài đã có tương quan mật thiết với Chúa như một người bạn, ngài đã chia sẻ tâm sự với Chúa như là một cuộc “Đối thoại” trong tác phẩm của ngài. Hãy đến với ngài, ngài sẽ chỉ cho chúng ta kinh nghiệm gặp gỡ rất riêng với Chúa.
Thánh nữ Catarina sinh năm 1347 tại Xiêna, nước Ý. Được Chúa ban ơn, thánh nữ đã khấn giữ mình trinh khiết từ hồi ấu thơ (1354). Sau khi đã lướt thắng những phiền nhiễu do thân nhân gây ra, năm 16 tuổi (1363), Catarina đã cùng với “Các chị em hãm mình Đa Minh” sống đời nhiệm nhặt, cầu nguyện, chay tịnh và hy sinh. Chị say mê cảm nghiệm Thiên Chúa cách rất ngọt ngào. Chị cố gắng “nhận biết Thiên Chúa ở trong chính con người của mình và mình ở trong Thiên Chúa.” Cảm nghiệm được chạm đến Thiên Chúa, thánh nữ đã thốt lên rằng: “Lạy Ba Ngôi vĩnh cửu, Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm, càng tìm chúng con càng thấy, càng thấy chúng con càng tìm. Ngài làm cho linh hồn con được no thỏa nhưng dường như lại không no thỏa (Đối thoại). ”
Sự ngọt ngào, hạnh phúc, bình an của Thiên Chúa chẳng dành riêng cho thánh nữ Catarina, nhưng Ngài dành cho tất cả những ai có niềm khao khát kiếm tìm và sống tương quan mật thiết với Ngài. Vâng, cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu sẽ là gì nếu không phải là để mỗi người chúng ta đủ sức mạnh cất bước lên đường loan truyền niềm vui ấy cho mọi người. Vì thế, Catarina sống hy sinh hãm mình trong gia đình cho đến năm 23 tuổi (1370), sau đó chị nhận được mệnh lệnh của Chúa Giêsu bước vào hành trình dấn thân làm việc tông đồ.
Hoa trái việc tông đồ của thánh nữ Catarina, chắc chắn xuất phát từ việc kết liên mật thiết với Chúa. Bởi vì, với cùng tình yêu mà Đức Kitô đổ tràn trên chúng ta, chúng ta có thể yêu mến Người để đáp lại, và chia sẻ tình yêu của Người với những người khác, với hy vọng rằng họ cũng sẽ tham dự vào cộng đoàn thân hữu mà Người đã thiết lập. Và cũng như Người đang sống sự sống Phục Sinh trong trọn vẹn vinh phúc, thì chúng ta, về phần mình, có thể làm việc cách quảng đại để giúp xây dựng vương quốc của Người trên thế giới này, bằng cách mang sứ điệp của Người, ánh sáng của Người, và trên hết là tình yêu của Người cho người khác (x. Ga 15,16).[1]
Vâng, chúng ta không thể bền vững nhiệt thành truyền giáo, nếu chúng ta không còn sức mạnh qua kinh nghiệm riêng của mình trong việc gặp gỡ Chúa Giêsu… Sở dĩ thánh Catarina đã đóng góp được nhiều cho sứ vụ truyền giáo của Giáo hội chính bởi vì tâm hồn Catarina bừng cháy trong lửa mến và nỗ lực trở nên giống Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vì sự kết hiệp này, Catarina vinh hạnh được Chúa in năm dấu thánh sáng chói mà không rướm máu.
Giáo thuyết của thánh Catarina không do công học hỏi, nhưng ngài đã để lại cho hậu thế nhiều tài liệu thời danh về đạo lý thiêng liêng và thần học, nhất là tác phẩm “Đối thoại” (1378) là chứng tích hùng hồn về cảm nghiệm sự gặp gỡ rất riêng với Chúa. Ngài qua đời ngày 29/4/1380, và được Đức Thánh cha Piô II phong thánh ngày 29/6/1461, Đức Thánh cha Phaolô VI phong Tiến sĩ Hội thánh ngày 04/10/1970.
Cùng với thánh Catarina chúng ta dâng lên Chúa lời cầu nguyện: “Ôi Thiên Chúa, ôi đại dương sâu thẳm, Chúa còn có thể ban cho con ơn gì lớn lao hơn chính Ngài nữa chăng? Chúa là lửa luôn rực cháy mà không thiêu rụi. Chúa dùng sức nóng của Chúa mà thiêu huỷ mọi tình yêu vị kỷ của linh hồn. Chúa là lửa đánh tan mọi băng giá, và Chúa dùng ánh sáng của Chúa mà soi sáng trí lòng con. Đó là ánh sáng Chúa đã dùng để làm cho con nhận biết chân lý của Chúa.” Amen
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org