Vào ngày 18 tháng 11 năm 2005, trong một cuộc gặp gỡ của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI với các em thiếu nhi mới được Xưng tội Rước lễ lần đầu tại Roma, một bé trai tên là Andrew đã hỏi Đức Thánh cha rằng: Thưa Đức Thánh cha, Đức Thánh cha có kỷ niệm gì về ngày Rước lễ lần đầu của Đức Thánh cha không ạ? Đức Bênêđictô XVI đã vui vẻ kể lại rằng: – Đó là một ngày Chúa nhật cuối tháng Ba, năm 1936, cách đây 69 năm. Trong ngày đó, cha đã hứa với Chúa Giêsu rằng: “Con muốn được luôn ở với Chúa”. Và cha cũng đã xin Chúa Giêsu rằng: “Nhưng trước hết, xin Chúa hãy luôn ở với con”. Và kể từ ngày đó cho đến hôm nay, cha luôn cảm nhận được rằng: Chúa Giêsu luôn nắm tay cha, dẫn dắt cha bước đi trong những tình huống khó khăn nhất của cuộc đời cha, cũng như mọi biến cố vui buồn trong đời sống của cha”.
Quý vị và các bạn thân mến.
Khi thương mến nhau thì người ta luôn muốn gặp gỡ nhau và duy trì mối liên hệ ấy bằng nhiều cách thức. Ông bà ta đã mượn hình ảnh đàn chim để diễn tả mối tương quan thân thiết của tình bạn: “Chim lạc bầy thương cây nhớ cội, xa bạn xa bè, lặn lội tìm nhau”. Một tình bạn chân thành và bền vững được diễn tả qua việc họ luôn ở bên nhau trong mọi lúc vui buồn, và giữa những thăng trầm cuộc sống: “Bạn bè là nghĩa tương thân, khó khăn, thuận lợi ân cần có nhau; Bạn bè là nghĩa trước sau, tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai”. Con người sống khắng khít với nhau là vậy, trong đời sống đức tin của mình, chúng ta đã sống sự thân tình với Chúa như thế nào? Lời chia sẻ về kinh nghiệm được sống và ở lại với Chúa mà Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã kể lại cho các em thiếu nhi, có lẽ cũng là một gợi ý quý giá cho chúng ta trong việc nhìn lại đời sống của mình: là những Kitô hữu – những người được mệnh danh là môn đệ của Chúa, chúng ta đã thực sự ở lại với Chúa và để cho Chúa ở lại với chúng ta hay chưa?
Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh rất quen thuộc với người Do thái nói riêng và với chúng ta nói chung, để nói lên một chân lý quan trọng trong đời sống người Kitô hữu, đó là sự cần thiết phải gắn kết và ở lại trong tình yêu của Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 1-8). Như cành nho muốn được sống, muốn đơm hoa kết trái, nó cần phải bám chặt vào thân nho như thế nào thì đời sống người Kitô hữu cũng phải gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu như vậy. Điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây không phải là quá trình sinh trưởng của cây nho như thế nào, nhưng là một đảm bảo rằng việc sống gắn kết với Ngài sẽ mang lại những hoa trái thiêng liêng và thánh thiện cho cuộc đời chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta luôn đong đầy và trĩu nặng những lo toan, vất vả. Chúng ta luôn phải bận lòng vì người này người nọ và những công việc mà mình phải thực hiện để chu toàn những vai trò và bổn phận của riêng mình. Là những người Kitô hữu, chúng ta còn một bổn phận cao trọng nữa, đó là bổn phận phải sống gắn bó với Chúa, như những cành nho cần phải gắn kết với thân cây nho, để có thêm sinh lực mà trổ sinh hoa trái ngon ngọt cho cuộc đời. Thật vậy, nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên là những cành nho của Chúa, với bổn phận của cành nho là phải trao tặng cho cuộc đời những hoa trái thơm tho ngọt ngào bằng đời sống nồng nàn yêu thương và tận tình phục vụ tha nhân. Khi thực hiện được bổn phận đó, chúng ta sẽ trở thành những cành nho tươi tốt và được đôi tay nghệ nhân của Thiên Chúa chăm chút cho tồn tại lâu dài. Trái lại, nếu không thực hiện được bổn phận đó, thì như cành nho vô dụng, cuộc đời của chúng ta cũng sẽ bị hủy diệt. Giữa lúc cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội ở nhiều nơi trên thế giới và trên quê hương Việt nam, người người đang sống trong sợ hãi, hoang mang về vận mệnh của mình và cố gắng tìm kiếm những phương thế để chế ngự dịch bệnh này, ước gì chúng ta biết dành những giờ phút ở lại với Chúa để nhận được tình yêu an ủi và sức mạnh chữa lành của Ngài, với niềm xác tín rằng: có Chúa, chúng ta sẽ bình an đi qua cơn đại dịch này.
Lạy Chúa xin ban ơn giúp chúng con luôn biết gắn chặt vào sự sống của Chúa và được hiệp thông trọn vẹn trong tình yêu của Chúa ngay trong những biến cố và nghịch cảnh. Chính khi ở lại trong Chúa và gắn kết với Chúa, chúng con sẽ nhận được sức sống và sức mạnh của Chúa. Nhờ đó, cuộc đời chúng con không chỉ được trở nên tươi đẹp, tràn đầy ý nghĩa, hy vọng, và bình an, mà còn trở thành nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc cho mọi người. Amen.
Duy An
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org