Người ta kể lại rằng: vào những năm 1990, trong một chuyến đi nghiên cứu để làm từ thiện ở khu vịnh San Francisco, Hoa Kỳ, nhà từ thiện Kenneth Belling phát hiện mình đã đánh rơi chiếc ví khi nào không hay. Trợ lý của ông đã lo lắng nói: “Có lẽ chiếc ví đã bị rơi khi chúng ta đi bộ qua các khu nhà ổ chuột ở Berkeley vào buổi sáng, giờ chúng ta phải làm gì?” Ông Belling nói: “Chỉ có thể chờ người nhặt được ví tiền gọi lại cho chúng ta mà thôi”. Nhiều giờ qua đi mà họ vẫn không nhận được cuộc gọi nào từ người đã nhặt chiếc ví. Người trợ lý thất vọng nói: “Thôi, chúng ta đừng chờ nữa, trong ví có danh thiếp của ngài, nếu muốn trả lại thì họ đã gọi rồi, đừng hy vọng gì ở những người sống trong khu nhà ổ chuột.” Tuy nhiên, ông Belling vẫn khăng khăng nói: “Không, tôi vẫn muốn chờ đợi xem thế nào.”
Trời bắt đầu tối và điện thoại vang lên. Bên kia đầu dây là giọng nói run run của một cậu bé nhận mình là người nhặt được chiếc ví và nói là đang đợi ông trên đường Kata. Khi ông Belling tới nơi đã thỏa thuận thì có một cậu bé mặc chiếc áo rách, trên tay cầm chiếc ví tiến lại gần. Ông Belling nhìn thấy bên trong chiếc ví vẫn còn nguyên số tiền và các giấy tờ của mình. Cậu bé ấp úng nói: “Cháu có một lời cầu xin, các ngài có thể cho cháu một ít tiền không?” Người trợ lý cười lớn: “Biết ngay mà…” Ông Belling vội ngắt lời người trợ lý rồi mỉm cười hỏi cậu bé muốn bao nhiêu. Cậu bé ngượng ngùng nói: “Dạ, xin cho cháu 1 đô la thôi. Cháu đã tìm kiếm rất lâu để đến được trạm điện thoại công cộng nhưng không có tiền, cháu phải vay 1 đô la để thực hiện cuộc gọi và bây giờ cháu cần phải hoàn trả lại 1 đô la đó”.
Nhìn vào đôi mắt trong sáng ngây thơ của cậu bé, người trợ lý cảm thấy xấu hổ. Còn ông Belling thì ngồi xuống ôm cậu bé vào lòng. Hành động của cậu bé đã khiến ông Belling thay đổi kế hoạch từ thiện. Ông quyết định xây mấy trường học ở Berkeley để các em nghèo được đến trường. Ông nói: “Chúng ta cần tạo ra không gian và cơ hội để đón tiếp các em nhỏ có tâm hồn thuần khiết và tốt bụng. Điều này rất đáng để chúng ta đầu tư.”
Quý vị và các bạn thân mến,
Trẻ em luôn là biểu tượng sống động và cụ thể nhất về sự thật thà, trong sáng và ngây thơ. Nếu trong gia đình của chúng ta có các con, các cháu còn nhỏ, chúng ta sẽ thấy mọi cử chỉ, lời nói và hành động của chúng đều rất đáng yêu. Chúng ta gặp thấy nơi những trẻ em được sống trong tình thương và sự bảo bọc của cha mẹ một sự vô tư, và an nhiên trong mọi sinh hoạt, cử chỉ và lời ăn tiếng nói. Tuy nhiên, chúng ta cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy nhiều em thơ, vì hoàn cảnh gia đình và những rủi ro không mong muốn, phải bước chân vào đời quá sớm. Các em đó phải đối diện với những mất mát và tổn thương lớn lao khi tuổi còn non trẻ, và phải vất vả mưu sinh mà cũng chỉ được bữa no bữa đói. Những bài học cay đắng và nghiệt ngã để sinh tồn mà các em học được từ cuộc đời đã làm nhạt nhòa dần sự thật thà, trong sáng và ngây thơ ban đầu của các em. Cho nên, người ta thường có thái độ cảnh giác và không mấy thiện cảm đối với trẻ em lang thang ở đầu đường xó chợ.
Dù vậy, không phải tất cả những trẻ em nghèo khó đều đánh mất đi bản chất thật thà và trong sáng của mình. Cậu bé nghèo trong mẩu chuyện trên đây đã cố gắng tìm cách liên lạc để trả lại chiếc ví cho người đánh mất, và cậu đã đơn sơ mở lời xin chỉ một đô la để trả lại cho người mà cậu đã vay mượn để gọi điện thoại. Ban đầu, người trợ lý của nhà từ thiện Belling cũng không mấy thiện cảm với cậu bé nghèo khổ này và cho rằng cậu bé sẽ vòi vĩnh số tiền hậu tạ. Thế nhưng, câu trả lời đơn sơ và thái độ thành thật của cậu bé nghèo ấy đã làm cho người trợ lý cảm thấy xấu hổ và đánh động suy nghĩ cũng như trái tim của nhà từ thiện Belling. Ông cảm thấy có thiện cảm với các trẻ em nghèo và muốn tạo điều kiện để các em này được ăn học và lớn lên thành những con người hữu ích cho xã hội.
Cơn đại dịch toàn cầu Covid-19 đang lấy đi của nhân loại biết bao điều quý giá. Trong đó, bao trẻ em đã mất đi cha mẹ và những người thân. Cuộc sống của các em sẽ ra sao khi không còn nơi nương tựa và tương lai của các em sẽ như thế nào khi trước mắt chỉ là khoảng trống của cô đơn và vô vọng? Chúng ta cầu xin Chúa khơi dậy lòng trắc ẩn và quảng đại của các nhà hảo tâm cũng như những tổ chức bác ái xã hội để họ lưu tâm và có những phương thế thích hợp, như cưu mang, bảo trợ… cho các em nhỏ vượt qua hoàn cảnh đau thương và bất hạnh này.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn ưu ái trẻ em và dành cho trẻ em sự trìu mến và trân trọng. Xin Chúa thương đến các em thơ bị mất cha, mất mẹ và không còn nơi nương tựa trong cơn đại dịch Covid này. Xin Chúa cũng cho chúng con và nhiều nhà hảo tâm biết quan tâm và dành cho các em thơ bất hạnh ấy một sự nâng đỡ đặc biệt hơn về vật chất lẫn tinh thần. Amen.
Duy An
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org