Người Nữ Tu Mến Thánh Giá Sống Sứ Mạng Tông Đồ (P2)

3. Thế kỷ XX đến nay: Thời kỳ phục hưng và phát triển

Trong hoàn cảnh còn khó khăn của những năm sau thời kỳ kháng chiến, chị em Mến Thánh Giá vẫn duy trì truyền thống của các vị tiền bối trong ý hướng của Đấng Sáng Lập và còn làm cho tinh thần ấy thêm ngời sáng, cụ thể hơn trong đời sống cầu nguyện và trong những hoạt động mục vụ của mình. Khi tình thế ổn định hơn, các Hội Dòng tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng của mình, đã tìm ra những đường hướng mới nhằm phục vụ cho đời sống đức tin của giáo dân, nhất là trong công cuộc truyền giáo cho lương dân và tham gia nhiều hơn trong công tác tông đồ xã hội. Cũng với sứ mạng của mình, chị em luôn sẵn sàng cộng tác chặt chẽ với Hàng Giao Sĩ địa phương trong các lãnh vực, với ước mong cho mọi người được ơn cứu độ.

Trong bầu khí canh tân, trở về nguồn sau Công Đồng Vatican II, chị em ý thức hơn về đặc sủng Mến Thánh Giá của mình trong việc loan báo Tin Mừng. Như các môn đệ được Chúa sai đi, chị em cũng thực hiện những cuộc thăm viếng bằng cách len lỏi vào các khu xóm lao động, nơi mà sự nghèo đói, túng quẫn, đau đớn thể xác lẫn tinh thần luôn chồng chất lên cuộc sống con người.

3.1. Giai đoạn từ năm 1975 – 1985

Sau biến cố năm 1975, nhiều cơ sở, trường học của các Tu Viện bị đóng cửa, các hoạt động tông đồ cũng bị hạn chế rất nhiều. Đây là giai đoạn Chúa mời gọi chị em sống sứ mạng truyền giáo theo tinh thần Mến Thánh Giá cách sâu đậm hơn bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh âm thầm, bằng sự hiện diện chứng nhân giữa cộng đoàn dân Chúa nơi môi trường sống và phục vụ của mình. Các chị len lỏi vào các vùng xa xôi hẻo lánh, thiếu linh mục để dạy giáo lý, an ủi người hoạn nạn, nâng đỡ đời sống đức tin cho các tín hữu, chia sẻ cuộc sống nghèo và tìm cách giúp đỡ họ theo khả năng của mình.

3.2. Giai đoạn canh tân từ năm 1985

Với sự phát triển của đất nước, con người và xã hội cũng có nhiều biến đổi, các Hội Dòng cũng cố gắng tìm những hướng đi mới trong việc truyền giáo, để có thể đáp lại những thao thức của Giáo Hội nói chung và cách riêng trong từng Giáo Phận. Đặc biệt, từ khi chị em Mến Thánh Giá có chung một Hiến Chương, việc dấn thân tông đồ của chị em được định hướng rõ rệt qua các lãnh vực:

Giáo dục đức tin: Gắn bó với Giáo Hội địa phương trong công cuộc loan báo Tin Mừng, chị em dấn thân trong các sinh hoạt mục vụ tại các giáo xứ: dạy giáo lý thiếu nhi các cấp, giáo lý dự tòng và hôn nhân, hướng dẫn giáo lý viên, trao Mình Thánh Chúa, thăm viếng kẻ liệt, phục vụ phòng thánh, phụ trách ca đoàn, ban lễ sinh, các hội đoàn…

Giáo dục văn hoá: Song song với việc giáo dục đức tin là việc giáo dục văn hoá. Đó cũng là nhiệm vụ tông đồ cụ thể Đấng Sáng Lập đã đề ra. Ý thức tầm quan trọng ấy, chị em dấn thân nhiều hơn trong lãnh vực này qua việc cộng tác giảng dạy tại các trường trung học, tiểu học, các lớp tình thương, phổ cập, xoá mù chữ, trường mầm non và các nhóm trẻ gia đình tại các nhiệm sở, cơ sở, nơi chị em công tác mục vụ giáo xứ. Trong việc dạy văn hoá cho các cháu mầm non, ngoài việc giúp các cháu về mặt nhân bản, chị em cũng giới thiệu Chúa cho các cháu cũng như các phụ huynh qua sự tận tâm dạy dỗ, phục vụ đơn sơ, khiêm tốn của người nữ tu Mến Thánh Giá nhằm phản chiếu các giá trị Tin Mừng. Bên cạnh đó, chị em còn tìm cách giúp đỡ những em thuộc gia đình nghèo hoặc có hoàn cảnh đáng thương.

Công tác xã hội và y tế: Chị em góp phần xoa dịu nỗi đau của đồng bào với cả tấm lòng yêu mến qua những công việc cụ thể: giúp những học sinh nghèo có điều kiện đến trường; thăm viếng, trao quà cho người già neo đơn; giúp những gia đình nghèo vùng sâu vùng xa, không phân biệt lương giáo; bảo vệ sự sống: giúp những thiếu nữ lỡ lầm, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, chôn cất thai nhi…

Các Hội Dòng cũng đã mở rộng lãnh vực công tác xã hội chuyên biệt: chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khiếm thị, khiếm thính; tham gia hoạt động xã hội tại các mái ấm, trường khuyết tật; phục vụ các bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân AIDS tại trung tâm cai nghiện và các bệnh nhân tại các bệnh viện.

Hoạt động truyền giáo: Theo tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy đi ra đến vùng ngoại biên”, người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi luôn mang trong mình niềm say mến Chúa Giêsu và đầy nhiệt huyết truyền giáo, đặc biệt truyền giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chị em hiện diện tại các giáo điểm vùng cao với châm ngôn 3 cùng: cùng làm, cùng ăn và cùng sống với người dân.

Ngoài ra còn có những công việc phục vụ mới trong hoàn cảnh thực tế hiện nay như: mục vụ di dân, thăm viếng tù nhân…

Những sinh hoạt đa dạng của nữ tu Mến Thánh Giá nhằm phục vụ hạnh phúc cho con người, giúp phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Người nữ tu Mến Thánh Giá luôn có một ý hướng, một ước nguyện xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu cho những người mình tận tình phục vụ, để tình yêu của Đấng Chịu-Đóng-Đinh được chuyển trao đến những con tim đang khao khát chân lý và yêu thương. Vì thế, các hoạt động phải được thực hiện với tâm tình cầu nguyện và tinh thần trung gian, để trở thành lời chuyển cầu trong cuộc sống, nối dài lời chuyển cầu trong nguyện đường.

Nhìn chung, các Hội Dòng Mến Thánh Giá đều cố gắng góp phần nhỏ bé của mình trong việc thi hành sứ mạng tông đồ là mục vụ và truyền giáo, để làm cho Giáo Hội mỗi ngày thêm phong phú và mạnh mẽ hơn. Trong âm thầm và khiêm tốn, chị em hiện diện và phục vụ hầu hết ở các Giáo Phận trong nước và một số cộng đoàn ở hải ngoại, từ thành thị đến thôn quê, nơi cao nguyên rừng sâu đến miền quê hẻo lánh để loan báo Tin Mừng. Hiện nay có 30 Hội Dòng Mến Thánh Giá đang phục vụ trong nhiều quốc gia và đây cũng là nguồn năng lực cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

Qua mọi thời, dù dấn thân bên ngoài hay âm thầm phục vụ trong cộng đoàn, người nữ tu Mến Thánh Giá ý thức sống cách tích cực và thể hiện đặc tính của Dòng là chiêm niệm trong hoạt động, sống sứ mạng thừa sai, gắn bó với Giáo Hội địa phương, đồng thời phát huy những đức tính của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, trung hậu, quả cảm, quên mình trong cuộc đời hiến dâng, để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc của mọi người[1]. Hành trang chị em mang là tình yêu say mến đối với Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, sự khao khát cho phần rỗi các linh hồn và lòng thương cảm sâu xa đối với tha nhân.

Sử gia Françoise Fauconet-Buzelin khẳng định: Chính chị em Mến Thánh Giá cứu vãn lý tưởng truyền giáo của Đức Cha Lambert và bảo đảm sự trường tồn cho lý tưởng ấy; và trải qua thăng trầm lịch sử, Dòng Mến Thánh Giá vẫn bảo toàn được căn tính thừa sai đặc sắc của mình, nếu không luôn luôn đúng trong thực hành, thì ít nhất luôn đúng trong tinh thần”[2].

Trước nhu cầu cấp bách của việc truyền giáo trong bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay, thời đại 4.0 với những phát minh vĩ đại và ứng dụng khoa học kỹ thuật, chị em Mến Thánh Giá không ngừng nổ lực để phục vụ cách hiệu quả và đáp ứng những nhu cầu của thời đại. Ước mong mầu nhiệm Thánh Giá đã thấm sâu vào con người Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập Dòng thế nào, thì linh đạo ấy cũng trở nên men làm dậy bột cho đời sống thánh hiến và phục vụ của chị em Mến Thánh Giá hôm nay như vậy. Để qua đời sống cầu nguyện, hy sinh khổ chế và sứ vụ tông đồ của các chị, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cứu độ cho đến tận thế, hầu nhiều người được ơn hoán cải và lương dân được đón nhận Tin Mừng.

[1] X. Hiến Chương Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá Tổng Giáo Phận TP.HCM, 2000, điều 6,3.

[2] F. F. Buzelin, Quá Trình Hình Thành Dòng Mữ Mến Thánh Gía Trong Tư Tưởng Của Đức Cha Lambert, phần I, số 11.12

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube