Sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá (2)

  1. Sứ mạng chuyển cầu

Người nữ tu Mến Thánh Giá thực thi sứ mạng chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống qua năm nhiệm vụ được Đức Cha Pierre Lambert ấn định trong Luật Tiên Khởi: nhiệm vụ thứ nhất là chuyển cầu trong nguyện đường, bốn nhiệm vụ còn lại là chuyển cầu trong cuộc sống[1].

  • Chuyển cầu nơi nguyện đường

Việc chuyển cầu nơi nguyện đường được thể hiện qua nhiệm vụ thứ nhất: “Nhiệm vụ đầu tiên của tất cả những người đi theo nếp sống này là phải liên lỉ kết hợp nước mắt, việc suy gẫm cầu nguyện và hãm mình đền tội với công nghiệp của Đức Kitô, để cầu xin Thiên Chúa ban ơn ăn năn trở lại cho lương dân trong ba miền truyền giáo thuộc quyền các vị đại diện Tông Tòa, cách riêng ở Đàng Ngoài”[2].

Qua nhiệm vụ này, Đấng Sáng Lập cho thấy: đời sống chiêm niệm và khổ chế chiếm vị trí ưu tiên và phải đi trước mọi hoạt động truyền giáo của chị em Mến Thánh Giá. Ngài khuyên nhủ: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng”[3]. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa mà người tông đồ có thể hành động với một tinh thần thực sự tự do. Sự tự do này là để cho tinh thần của người tông đồ liên lỉ thâm nhập vào tinh thần của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa không ngừng linh hoạt tinh thần và bao bọc chúng ta, đến nỗi chúng ta không còn tự sức mình hoạt động, nhưng Thiên Chúa hoàn toàn ngự trị trong chúng ta.

Đức Cha Lambert nhấn mạnh: “Để sở hữu, bảo tồn và gia tăng tối ưu bí quyết sống và chết trong Đức Kitô, người kế vị các tông đồ hoặc môn đệ Chúa, dường như cần phải quyết tâm sống đời đền tội toàn diện; phải thực hành khổ chế không chỉ trong sự ăn uống và những việc hãm mình bề ngoài, mà nhất là trong các hành động của con người, nghĩa là trong phạm vi đời sống thể lý và những sinh hoạt của lý trí”[4].

Như thế, cầu nguyện và khổ chế rất cần thiết cho đời sống tông đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá. Theo Đức Cha Lambert, chỉ mình Thiên Chúa mới có khả năng hoán cải các tâm hồn, và việc kết hợp hy sinh với cầu nguyện là điều cơ bản khi thi hành sứ vụ tông đồ. Thật vậy, “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức bác ái phi thường của các thừa tác viên”[5].

Theo ý hướng của Đấng Sáng Lập, hằng ngày chị em Mến Thánh Giá dâng những hy sinh và lời cầu nguyện để cầu xin Thiên Chúa cho lương dân được ơn biết Chúa, cho các tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải, cho các nhu cầu của Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương.

  • Chuyển cầu trong cuộc sống

Việc chuyển cầu trong nguyện đường phải dẫn tới việc chuyển cầu trong cuộc sống, bằng sự dấn thân phục vụ tha nhân, mà đối tượng ưu tiên là giới nữ và giới trẻ, trong các lãnh vực văn hoá, xã hội, y tế, luân lý và đức tin.

Công việc bác ái của các nữ tu Mến Thánh Giá được thể hiện qua các nhiệm vụ:

– “Dạy các thiếu nữ, giáo cũng như lương, những điều nữ giới cần biết. Nếu vì tình huống hiện nay xảy đến cho đạo Thánh không thể làm được, chị em hãy nhớ rằng khi hoàn cảnh cho phép, thì đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình”[6]. Sứ vụ này hoàn toàn mang tính cách mạng trong bối cảnh văn hoá Việt Nam của thế kỷ XVII. Qua đó cũng cho thấy Đức Cha Lambert có một cảm thức sâu xa về phẩm giá con người. Ngài ý thức rằng không thể có tiến bộ xã hội hoặc đơn giản không thể có sự phát triển nhân bản, nếu không có một mức tối thiểu kiến thức và giáo dục. Ngài cũng biết rằng các bà mẹ không thể giáo dục con cái cách đúng đắn, nếu họ bị trói chặt trong sự ngu dốt là nguồn gốc của sự cùng khổ và tình trạng nô lệ. Ngài quan tâm thăng tiến nữ giới, không phân biệt lương giáo, vì được học là một quyền cơ bản của con người, của nhiều người và mọi người. Hành động đầu tiên của công cuộc truyền giáo phải là hành động biểu lộ cụ thể sự quan tâm và tình thương của Thiên Chúa dành cho mọi người, bất luận thuộc phái tính hay địa vị nào[7].

Săn sóc những phụ nữ, thiếu nữ đau ốm bệnh tật cả giáo lẫn lương. Nhờ cơ hội đó khuyên bảo họ lo phần rỗi và trở lại với Chúa”[8]. Mối bận tâm tông đồ đối với Đức Cha Lambert là tìm cách đem người ta về với Chúa. Khi bệnh tật làm cho con người lo âu trước viễn ảnh cái chết, thì họ dễ dàng đón nhận sứ điệp cứu độ và niềm hy vọng hướng về đời sống vĩnh cửu. Đó cũng chính là lúc nảy sinh nhu cầu khẩn thiết phải hoán cải[9].

– “Rửa tội nơi giếng Thánh cho những trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử”[10]. Một công tác tông đồ mang tính cổ điển nhưng được thúc đẩy bởi thao thức truyền giáo.

Dùng mọi cách kêu gọi những người phụ nữ và thiếu nữ trụy lạc”[11] trở về đời sống lương thiện.

Từ những nhiệm vụ mà Đấng Sáng Lập đã đề ra cho Dòng Nữ Mến Thánh Giá trong Luật Tiên Khởi và trong Bức Tâm Thư cho thấy, Đức Cha Lambert có một tầm nhìn toàn diện. Thật vậy, bản luật tuy ngắn gọn, nhưng súc tích, phản ánh được tinh hoa của các linh đạo mà Đức Cha Pierre Lambert từng hấp thụ, vừa thích nghi với môi trường xã hội Việt Nam, vừa mang tính “cách mạng” so với não trạng chung thời đó. Tác giả Fauconnet-Buzelin nhận định rằng: “Trong những mục đích mà ngài ấn định cho Tu Hội đầu tiên của các nữ tu bản xứ Châu Á, Đức Cha Lambert đã áp dụng các trực giác thiêng liêng cấp tiến nhất của thời đại ngài, và đi xa hơn nữa, bằng cách liên kết làm một, không tách rời ra được: đời sống chiêm niệm, ơn gọi thừa sai và công tác bác ái là ba trục lớn của những phụ nữ Công Giáo cấp tiến thế kỷ XVI và XVII, nhưng thích nghi cho phù hợp với điều kiện đặc thù của Giáo Hội Việt Nam […] và đặt chúng dưới ánh sáng của linh đạo Thánh Giá, linh đạo riêng của ngài”[12].

Ngoài ra, các nhiệm vụ cũng cho thấy sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá bao gồm đầy đủ các hoạt động chính yếu của một đời dâng hiến, cả trong tương quan chiều dọc với Thiên Chúa, và cả trong tương quan chiều ngang với xã hội và tha nhân. Mọi tu hội đều mang sứ vụ tông đồ nhưng mỗi tu hội thường chọn điểm nhấn ưu tiên của mình, hoặc thiên về chiêm niệm hoặc thiên về hoạt động. Điều đặc biệt nơi Đức Cha Lambert là ngài liên kết làm một đời sống chiêm niệm, ơn gọi thừa sai và công tác bác ái. Ngài đặt chiêm niệm và khổ chế lên hàng đầu. Nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến ơn gọi thừa sai như trong thư gửi cho hai nữ tu Anê và Paula: “Để cầu xin Thiên Chúa cho lương dân và tín hữu tội lỗi được ơn ăn năn trở lại”[13]. Như vậy, trong đối tượng của truyền giáo, lương dân là ưu tiên nhưng cũng không quên các tín hữu tội lỗi.

Ngày nay, khi nhìn lại sứ mạng của nữ tu Dòng Mến thánh Giá, nhất là về bốn hoạt động bên ngoài mà đối tượng chủ yếu là phụ nữ, chúng ta sẽ cho rằng đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng nếu đặt vào bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII, trong đó vai trò của phụ nữ rất mờ nhạt, có chăng là “tam tòng, tứ đức” trong nếp nhà, thân phận phụ nữ thấp kém như kiểu “thập nữ viết vô”, không được học hành, trong một cơ cấu xã hội do nam giới thống trị, chúng ta mới thấy tầm nhìn cách mạng của Đức Cha Lambert về vai trò của phụ nữ, cụ thể ở đây là vai trò của các nữ tu Mến Thánh Giá. Các chị được giao những nhiệm vụ xã hội như dạy dỗ các thiếu nữ, săn sóc phụ nữ ốm đau, cải hoá phụ nữ trụy lạc. Đó là các đối tượng mà ngài muốn con cái mình ưu tiên phục vụ. Tính chất cách mạng trong tầm nhìn của Đức Cha Lambert còn được thể hiện qua lòng khoan dung bao quát, không phân biệt, “lương cũng như giáo”. Khi đọc lại những trực giác và chủ trương này của Đức Cha Lambert, nhất là về việc giao cho nữ tu trách nhiệm giáo dục phụ nữ, tác giả Fauconnet-Buzelin đã ít nhất hai lần nhận định: “Đó là một biện pháp hoàn toàn cách mạng trong bối cảnh văn hoá của Việt Nam thế kỷ XVII. […] Vào thế kỷ XVII, ở Pháp, ý tưởng này đã trở nên bình dân nhờ linh mục Vincent de Paul; nhưng trong bối cảnh xã hội Châu Á, đó quả là một cuộc cách mạng đích thực”[14]. Chúng ta có thể gọi Đức Cha Pierre Lambert là vị tiên phong đề cao nữ quyền và giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội.

Sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá được đặt trong mối tương quan với đặc sủng sống sứ vụ tông đồ thừa sai rất phù hợp với tinh thần của Công Đồng Vatican II: “Nhà truyền giáo là con người cầu nguyện, hy sinh, mang trong mình cuộc tử nạn của Chúa, tận hiến chính bản thân, gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hằng ngày”[15].


[1] Bản văn Luật Tiên Khởi trong Phụ Lục 2.

[2] Nhóm NCLĐMTG, “ Luật Tiên Khởi” sđd., III,1, tr.29.

[3] Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử – Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, sđd., số 31, tr.57.

[4] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 2”, sđd., 21-22, tr.139.

[5] Nhóm NCLĐMTG, “Trực Giác”, sđd., 1, tr.141.

[6] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi”, sđd., III,2, tr.29.

[7] X. F. F. Buzelin, Quá Trình Hình Thành Dòng Nữ Mến Thánh Giá, phần I, số 20.

[8] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi”, sđd., III,3, tr.29.

[9] X. F. F. Buzelin, Quá Trình Hình Thành Dòng Nữ Mến Thánh Giá, sđd., số 20, số 21.

[10] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi”, sđd., III,4, tr.29.

[11] Nt.

[12] F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên…, sđd., tr.430.

[13] Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 8, tr.41.

[14] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên…, sđd., tr.432.

[15] Sắc lệnh Đến Với Muôn Dân – Ad Gentes, số 25.

(Còn tiếp)

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube