Sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá (1)

Được mời gọi sống sứ mạng tông đồ theo tinh thần của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, người nữ tu Mến Thánh Giá đặt trọng tâm việc truyền giáo vào mầu nhiệm Thập Giá và ý thức rằng: người tông đồ tiếp nối sứ mạng Cứu Thế của Chúa Kitô. Ơn gọi căn bản Dòng Mến Thánh Giá là sống mầu nhiệm tình yêu, hàm chứa sứ mạng tông đồ, vì Chúa Kitô mà người nữ tu Mến Thánh Giá chuyên chú tìm hiểu, yêu mến và bắt chước, là vị tông đồ hoàn hảo của Chúa Cha. Vậy người nữ tu Mến Thánh Giá phải trở nên tông đồ của Chúa Kitô và thông dự vào hành động cứu thế của Người, nghĩa là cứu thế bằng hy sinh và bằng tinh thần trung gian.

Chúa Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Người chuyển cầu không chỉ bằng lời kinh cầu nguyện cho mỗi người và mọi người, mà bằng cả cuộc đời phục vụ, với đỉnh cao là hành động hiến dâng mạng sống trên Thánh Giá làm giá chuộc cho muôn người. Đức Cha Lambert muốn các nữ tu Mến Thánh Giá phải nhận thức rõ ân huệ đặc biệt Chúa Kitô ban cho họ là được thông dự vào vai trò trung gian và tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người để chuyển cầu cho phần rỗi và hạnh phúc của anh chị em đồng loại.

Theo ý hướng của Đấng Sáng Lập, “tinh thần trung gian” mà các nữ tu Mến Thánh Giá nhận được từ Chúa Kitô phải được thể hiện trong hai sứ vụ quan trọng là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa, và chuyển cầu cho lương dân cùng các Kitô hữu bất hảo được ơn hoán cải[1].

  1. Tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Kitô

Người nữ tu Mến Thánh Giá được Chúa Kitô tuyển chọn và ban đầy tinh thần của Người là tinh thần trung gian, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người cho đến tận thế, vì thân xác Chúa đã phục sinh vinh hiển nên không còn trực tiếp cảm nhận đau đớn và đau khổ nữa.

Sứ vụ “tiếp nối” này làm cho các nữ tu Mến Thánh Giá hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, vì đã dâng mình trọn vẹn cho Người, qua việc tuyên khấn và sống ba lời khuyên Phúc Âm, sống thành cộng đoàn, và “thực hành mọi việc thay cho Chúa Kitô”[2]. Đây là hành vi đáp trả đầy yêu thương của người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt.

Theo Đức Cha Lambert, người nữ tu Mến Thánh Giá đồng hoá mình với Đức Kitô để tiếp nối sứ mạng cứu rỗi của Người, để “Thiên Chúa, Cha của Người khi nhìn vào thân xác và cánh tay Người mượn, thì chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình; sự kiện Chúa Cha hằng hữu ưng nhận như thế, phải là quy tắc hướng dẫn tôi về cách ứng xử đối với trường hợp đó và dạy tôi phải giữ tâm thế hoàn toàn thụ động cả bề trong lẫn bề ngoài”[3], nghĩa là chết đi với chính mình, để sống cho Đức Kitô.

Việc chết đi đối với chính mình là cần thiết cho Chúa Giêsu tiếp tục trong chúng ta sứ mạng cứu độ của Người. Đức Cha Lambert thường nói: Đời sống người tông đồ là một cuộc chết đi liên lỉ, “chết đi đối với chính mình và đối với thế gian”[4], nghĩa là đối với “các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, [để] sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Đức Kitô”[5].

Như thế, căn tính của người tông đồ Mến Thánh Giá là hoàn toàn chết đi cho mình và sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, nhất là để Chúa Giêsu sử dụng cuộc đời của họ để tiếp nối hy lễ Thập Giá của Người, nhằm sinh ơn cứu độ cho con người. Nói cách khác, căn tính này hệ tại việc họ làm cho tình yêu của Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh phản chiếu cách trung thực trong tư tưởng, lời nói và việc làm của mình. Đức Cha Lambert diễn tả thực tại ấy như sau: “khi đã tuyên khấn ba lời khấn của đời sống trọn lành là nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời nội tâm, con người mất hết chỗ dựa, trở thành một người hành khất đích thực do bậc sống”[6].

Để có thể “tiếp nối” và “làm thay” cho Chúa Kitô, người nữ tu Mến Thánh Giá phải ý thức và xác tín như Đức Cha Lambert: Tôi “trao gởi và cống hiến thân xác tôi cho Đức Giêsu Kitô để Người dùng mà thực hành những việc đền tội hãm mình và Người có thể tiếp nối sự hy sinh lao nhọc hằng ngày trong một thân xác có khả năng chịu đau khổ do Người mượn lấy và tuyển chọn cho mục đích đó”[7]. Mặt khác, chị em phải ý thức mình là hoạ ảnh của Đức Kitô, để hằng ngày chiêm ngắm mầu nhiệm tự huỷ, vâng phục, nghèo khó của Người, và để cho Chúa Cứu Thế không những chiếm lấy các năng khiếu tâm linh của linh hồn, mà còn trở thành chủ nhân của thân xác mình, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc mà Người thực hiện theo ý muốn qua những lễ vật được thần hoá đó[8].

Sứ mạng tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu cũng mời gọi chị em Mến Thánh Giá đón nhận niềm vui và đau khổ từ Thiên Chúa với cùng một thái độ yêu thương và tạ ơn, vì Chúa Giêsu là Đấng đáng mến tại núi Sọ cũng như tại núi Tabor. Tuy nhiên, Chúa Giêsu “bày tỏ những dấu chứng lớn lao về tình yêu của Người trên núi Sọ hơn là trên núi Tabor”[9]. Chính vì lý do này, bí mật tuyệt vời của ơn gọi Mến Thánh Giá hệ tại ở việc “yêu mến Chúa Giêsu Kitô trong những lúc tối tăm, những thập giá, những hy sinh của chúng ta và trong mức độ Người cho chúng ta uống chén đắng của Người, cũng như khi Người lấp đầy chúng ta bằng những ân tình dịu dàng”[10]. Thật vậy, trong đau khổ tột cùng mà tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và anh chị em vẫn không suy giảm chứng tỏ rằng tình yêu chúng ta mạnh hơn sự chết.

(Còn tiếp)


[1] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 8, tr.41.

[2] Nt., 9, tr.41.

[3] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,11, tr.59.

[4] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 2”, sđd., 13, tr.138.

[5] Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 10, tr.41.

[6] Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 4”, sđd., 1, tr.148-149.

[7] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,4, tr.58.

[8] X. nt., VI,9, tr.68.

[9] Nhóm NCLĐMTG, “Tình Yêu Tinh Tuyền”, sđd., 3, tr.155.

[10] Nt., 4, tr.155.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube