Đức Thánh cha Phanxicô khích lệ viện Sperafico, ở Assisi chuyên săn sóc, phục hồi và giáo dục các trẻ em khuyết tật, tiếp tục công tác phục vụ quý giá này.
Sperafico là danh xưng chỉ thánh Phanxicô Assisi. Đức Thánh cha đưa ra lời khích lệ này, trong buổi tiếp kiến sáng hôm 13 tháng Mười Hai, dành cho Ban giám đốc, các cộng tác viên và một đoàn các trẻ em khuyết tật, về Roma gặp Đức Thánh cha, dưới sự hướng dẫn của Đức Tổng giám mục Domenico Sorrentino của Giáo phận Assisi, nhân dịp kỷ niệm 150 năm thánh Ludovico da Casosia, dòng Phanxicô, thành lập viện khuyết tật này.
Mỗi năm, viện Sperafico thực hiện khoảng 12.000 giờ chỉnh hình và hơn 10.000 giờ giáo dục cho các trẻ em khuyết tật thể lý và tâm trí. Hằng năm, có hơn 150 gia đình ở Ý xin sự giúp đỡ của viện này.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có các nữ tu Phan Sinh Elisabet Bigie là dòng do thánh Ludovico da Casosia sáng lập.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha gợi lại tấm gương bác ái của thánh Phanxicô Assisi, đã trở nên nghèo khó theo gương Chúa Giêsu, để hoàn toàn đứng về phía những người rốt cùng. Sự ôm lấy người cùi tóm gọn trọn ý nghĩa toàn thể cuộc sống của thánh nhân.
Đức Thánh cha đặc biệt nhấn mạnh điều quan trọng nhất là tinh thần, nhờ đó các thành viên viện Sperafico hiến thân cho sứ mạng bác ái này, đó là “mọi người đều quý giá, đều có một giá trị không tùy thuộc những gì họ có hoặc khả năng của họ, nhưng là do sự kiện họ là con người, là hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy sự khuyết tật hoặc bệnh tật làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn, nhưng cuộc sống ấy không kém phần đáng sống, và sống đến cùng. Vả lại, ai trong chúng ta không có những giới hạn, và trước sau gì cũng gặp những giới hạn, kể cả những giới hạn trầm trọng? Điều quan trọng là nhìn người khuyết tật như một người trong chúng ta, một người phải được ở trung tâm sự chú ý của tất cả mọi người và của chính trị. Khi đón nhận nguyên tắc ấy, chúng ta sẽ nhận thấy rằng người khuyết tật không phải chỉ nhận lãnh, nhưng còn cho đi. Chăm sóc người khuyết tật không phải làm cử chỉ một chiều, nhưng là một sự trao đổi các hồng ân.”
Vì thế, Đức Thánh cha nói: “Cần phải làm sao để nguyên tắc này được hoàn toàn ý thức và phát triển các hệ luận từ đó, kể cả trong vấn đề phân phối các tài nguyên chung, để tránh tình trạng người cần được cứu giúp nhất lại bị thiếu sự giúp đỡ”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org