Đức Thánh cha Phanxicô cầu mong Năm thánh 2025 tới đây giúp tái tạo bầu không khí hy vọng và tín thác sau thời đại dịch và ngài ấn định năm 2024 trước đó là năm Cầu nguyện khẩn trương để phục hồi ước muốn ở trước mặt Chúa, lắng nghe và thờ lạy Chúa.
Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, hôm 11 tháng Hai vừa qua, trong thư gửi Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, là cơ quan được Đức Thánh cha ủy nhiệm việc chuẩn bị Năm thánh tới đây, với chủ đề là: “Những người lữ hành hy vọng”.
Đức Thánh cha viết: “Chúng ta phải giữ cho ngọn đuốc hy vọng, được ban cho chúng ta, luôn cháy sáng và làm mọi sự để mỗi người phục hồi sức mạnh và niềm xác tín nhìn về tương lai với tâm hồn cởi mở, với con tim tín thác và tâm trí sáng suốt”.
“Tất cả những điều ấy sẽ có thể nếu chúng ta có khả năng phục hồi cảm thức về tình huynh đệ đại đồng, không nhắm mắt trước thảm trạng nghèo đói đang lan tràn, ngăn cản hàng triệu người nam nữ, người trẻ và các trẻ em sống xứng đáng là người. Tôi đặc biệt nghĩ đến bao nhiêu người tị nạn buộc lòng phải bỏ quê hương của họ. Tiếng nói của người nghèo cần được lắng nghe trong thời chuẩn bị Năm thánh. Theo lệnh được trình bày trong Kinh thánh,
Trong Năm thánh, hãy trả lại cho mỗi người sự hưởng dùng hoa màu của đất đai: “Những gì đất đai sản xuất trong thời kỳ nghỉ hưu sẽ được dùng để nuôi dưỡng ngươi, đầy tớ nam nữ của ngươi, người làm công và khách ở nơi ngươi; cả đoàn vật và súc vật ở trên đất ngươi, những gì chúng sản xuất cũng được dùng để nuôi dưỡng”, Sách Lêvi đoạn 25, câu 6 và 7.
Đức Thánh cha nhắc lại rằng theo thói quen, Tông sắc ấn định Năm thánh sẽ được công bố đúng thời hạn, và sẽ chứa đựng những chỉ dẫn cần thiết để cử hành Năm thánh 2025. Trong thời gian chuẩn bị đó, Đức Thánh cha nghĩ rằng có thể dành năm 2024 làm năm Cầu nguyện, như một bản đại hợp xướng… Ngoài ra, cầu nguyện để cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu hồng ân do tình thương của Chúa đối với chúng ta và chúc tụng công trình của Chúa trong thiên nhiên, thúc đẩy tất cả hãy tôn trọng và có những hành động cụ thể trong tinh thần trách nhiệm để bảo tồn công trình tạo dựng. Cầu nguyện như tiếng nói “của tâm đầu ý hiệp” (Xc Cv 4,32), được biểu lộ trong tình liên đới và chia sẻ cơm bánh hằng ngày. Cầu nguyện giúp mỗi người nam nữ trên thế giới này ngỏ lời với Thiên Chúa duy nhất, để biểu lộ với Chúa những gì ở trong thẳm sâu tâm hồn. Cầu nguyện như con đường tuyệt hảo để nên thánh”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org