Phút cầu nguyện: Thánh Giuse thinh lặng lắng nghe

Một trong những tâm tình của Mùa Chay thánh đó là tâm tình thinh lặng cầu nguyện và gẫm suy Lời Chúa. Trong bối cảnh của tháng ba – tháng thánh Giuse, tâm tình trở về trong cõi lòng thinh lặng tịch liêu để lắng nghe tiếng Chúa và thi hành ý Chúa đó là tâm tình thích hợp. Giờ đây, chúng ta chiêm ngắm thánh Giuse mẫu gương thinh lặng lắng nghe tiếng Chúa để xin ngài giúp chúng ta sống những ngày Chay thánh sốt sắng đẹp lòng Chúa.

Có hai khuynh hướng về sự thinh lặng người ta thường thấy: về mặt nào đó thì đây là thái độ của người chẳng buồn nói, lầm lì, hoặc là không nói còn hơn là nói sai, nói dở, nói xấu chạm đến người khác…; ở mặt khác người thinh lặng có mục tiêu là người thinh lặng chìm sâu trong cõi lòng, ngẫm suy mọi sự, thinh lặng chiêm ngắm và thinh lặng lắng nghe. Về thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, các sách Phúc Âm không tường thuật lời nào của thánh Giuse, nhưng trình bày ngài như một kiểu mẫu về việc thinh lặng để chú ý lắng nghe lời Chúa và hành động theo lời đó.

Ta có thể thinh lặng để cảm nghiệm rằng, thánh Giuse thinh lặng để Chúa tỏ mình ra. Trong khoảnh khắc thinh lặng sâu thẳm nhất, Thiên Chúa đến với con người, Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua Lời Người. Trong thinh lặng của giấc ngủ, trong thinh lặng của truy tìm cách thế sống Lời Chúa, thinh lặng của mò mẫm đêm tối tâm hồn, Chúa đã đến. Thánh Giuse đã gặt hái được hoa trái thứ nhất của việc sống thinh lặng đó là được Thiên Chúa tỏ mình cho ngài trong cách thế lạ lùng khó hiểu nhất.

Ta cũng có thể cảm nghiệm rằng, thánh Giuse thinh lặng để đón nhận vào cõi lòng Lời của Thiên Chúa. Nếu ta để cho lời trần thế chiếm chỗ trong tâm hồn mình, thì tâm hồn của chúng ta đâu còn chỗ để đón nhận Lời Thiên Chúa. Nếu ta cho lời của mình chiếm hết tâm tình, thì còn chỗ đâu cho Lời Chúa ngự trị. Thánh Giuse đã nhường lời để cho Lời Chúa chiếm lĩnh, để cho Lời Chúa chi phối và điều khiển. Về sự thinh lặng của thánh Giuse, thánh Augustinô cảm nghiệm: Nếu để Ngôi Lời làm người lớn lên trong chúng ta thì lời nói của chúng ta sẽ phải giảm đi.[2]

Hơn nữa, ta còn có thể cảm nghiệm thêm rằng, thánh Giuse thinh lặng để cho Lời Thiên Chúa lớn lên trong cuộc đời ngài một cách ý nghĩa nhất. Thật vậy, sự thinh lặng của thánh Giuse là biểu hiện của tâm hồn chiêm niệm. Tâm hồn ấy để cho Lời của Thiên Chúa lớn lên trong cõi lòng và trong cuộc đời mà không bị những lo lắng, cám dỗ và sợ hãi hàng ngày trấn áp hay bóp nghẹt. Lời ấy nuôi dưỡng tâm hồn, làm cho tâm hồn lớn lên trưởng thành trong sự hiểu biết và cảm nghiệm sâu sắc về một Thiên Chúa hiện diện trong mỗi phút giây của cuộc đời. Qua sự thinh lặng của mình, thánh Giuse mời gọi chúng ta hãy dành chỗ cho sự hiện diện của Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm là Chúa Giêsu. Hãy để cho “Người lớn lên còn chúng ta phải nhỏ bé đi.”[3]

Về phần chúng ta, ngoài việc học theo ý nghĩa của sự thinh lặng mà thánh Giuse đạt được, có thể chúng ta cần phải thinh lặng ở mức độ nào đó để cho khỏi vướng sai lầm về lời nói, thinh lặng để lời nói đem lại ý nghĩa mà không hời hợt dư thừa.

 Thật tốt biết bao, nếu mỗi người chúng ta theo gương thánh cả Giuse tìm lại chiều kích chiêm niệm của cuộc sống được mở rộng cho sự thinh lặng. Chúng ta hãy học nơi thánh Giuse cách vun trồng những khoảng không thinh lặng, nơi mà Lời Thiên Chúa và ánh sáng thông minh siêu tuệ của Chúa Thánh Thần có thể soi sáng chúng ta qua sự thinh lặng của Người. Hãy trau dồi sự thinh lặng để có một không gian nội tâm trong ngày sống của chúng ta, trong đó chúng ta để cho Chúa Thánh Thần có cơ hội tái tạo chúng ta, an ủi và sửa chữa chúng ta. Chiều sâu của trái tim lớn lên cùng với sự thinh lặng, một sự thinh lặng không phải là câm lặng mà là khoảng trống cho sự khôn ngoan, suy tư và Thánh Thần.

Lạy thánh Giuse mẫu gương của sự thinh lặng lắng nghe Lời Chúa. Sự thinh lặng của ngài đã làm cho tâm hồn rộng mở, giúp ngài có thể nghe được tiếng Chúa trong sâu thẳm tâm hồn. Sự thuần thục sống trong cô tịch đã khiến trái tim ngài mở ra cho Thiên Chúa và cho con người. Xin cho chúng con biết học nơi ngài, yêu mến đời thinh lặng để nghe Lời trong sâu thẳm tâm hồn, để nghe một thái độ, một cõi lòng, một cử chỉ và để biết nói lời có ý nghĩa, chuyển trao Lời đem lại sức sống nuôi dưỡng tâm hồn chúng con. Amen.

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

—————————

[1] x. Đức Thánh cha Phanxicô (buổi tiếp kiến chung ngày 15/12): Theo gương thánh Giuse, hãy thinh lặng để dành chỗ cho Chúa Giêsu.

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-12/theo-guong-thanh-giuse-t…

[2] x. Trích dẫn của Đức Thánh cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến ngày 15/12/2021.

[3] x. Ga 3,30.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube