Đức Thánh Cha Gặp Gỡi Anh Chị Em Di Dân Tại Malta

Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm tại Malta, là cuộc gặp gỡ của ngài với những người di dân và tị nạn, tại trung tâm “Phòng thí nghiệm hòa bình Gioan XXIII”, ở khu vực gọi là Hal Far, cách Tòa Sứ thần Tòa Thánh 14 cây số vào lúc quá 5 giờ chiều.

Trung tâm này do cha Dionisio Mintoff, dòng Phanxicô, thành lập năm 1971 và hiện nay do một tổ chức thiện nguyện, trong đó có anh Livingstone, một sinh viên đến từ Kenya, một cộng tác viên chặt chẽ của cha Mintoff. Trung tâm này có thể đón tiếp khoảng 50 di dân, phần lớn đến từ Somalia, Eritrea và Sudan bên Phi châu. Họ đến đây qua ngả Libya. Trung tâm cống hiến cho các di dân cơ hội lớn về giáo dục trong lãnh vực nhân quyền và công lý, đồng thời trợ giúp về y tế. Trung tâm cũng đón tiếp những người xin tị nạn và thăng tiến tình liên đới, cũng như các giá trị Kitô nói chung. Trung tâm này có trạm thông tin Info Point và Internet Caffé, giúp những người lưu ngụ tại đây luôn giữ tiếp xúc với gia đình, ngoài ra mỗi tuần cũng có một chương trình phát thanh về những đề tài, như hòa bình và giải trừ võ trang.

Khi đến Trung tâm Gioan XXIII, Đức Thánh cha đã được vị giám đốc mục vụ di dân và giám đốc trung tâm này đón tiếp, rồi hướng dẫn vào hội trường lộ thiên, nơi có khoảng 200 người di dân, đa số là người Phi châu.

Cuộc gặp gỡ đơn sơ với bài ca chào đón và lời chào mừng của cha Dionisi Giám đốc sáng lập. Hai người di dân trình bày chứng từ về kinh nghiệm di cư, đó là anh Siriman Coulibaly, sống tại Malta từ bốn năm nay với vợ hiện đang có thai. Tiếp đến là chứng từ của anh Daniel người Nigeria, đã rời quê hương cách đây 5 năm, trải qua hành trình gian khổ, tiến qua Lybia và bị bắt giam. Từ Tunisia, anh đã tìm cách vượt biên bằng thuyền, sáu lần phải trả tiền cho những người đưa lậu và sau cùng đã tới được Malta.

Diễn từ của Đức Thánh cha

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha nhắc đến khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ngài tại Malta, là câu trích từ sách Tông đồ Công vụ: “Họ đã đối xử chúng tôi với tình nhân đạo hiếm có” (28,3). Dân Malta xưa kia đã đối xử như thế giới thánh Phaolô và các bạn đồng hành bị đắm tàu. Ngài cầu chúc Malta luôn đối xử như thế với những người tới bờ biển nước này, luôn là một cảng an toàn đối với họ.

Đức Thánh cha nói: “Vụ đắm tàu ấy là kinh nghiệm của hàng ngàn người nam nữ và trẻ em trong những năm này tại Địa Trung Hải. Và rất tiếc nhiều người trong số họ đã trải qua kinh nghiệm bi thảm. Nhưng cũng có một sự đắm tàu khác đang diễn ra trong lúc xảy ra những vụ đắm tàu ấy, đó là sự đắm chìm của nền văn minh, đe dọa không những người tị nạn, nhưng tất cả chúng ta. Làm sao chúng ta có thể cứu thoát mình khỏi cuộc đắm tàu này, có nguy cơ làm chìm chiếc tàu của nền văn minh chúng ta? Thưa, bằng cách cư xử với lòng nhân đạo. Nhìn con người không như những con số, nhưng như thực tại của họ, nghĩa là những khuôn mặt, lịch sử của họ, như những người nam nữ, anh chị em. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em liều mạng ở biển cả trong cuộc tìm kiếm hy vọng. Cả anh chị em đã sống thảm trạng ấy, và anh chị em đã tới đây”.

“Chuyện của anh chị em cũng làm chúng ta nghĩ tới hàng ngàn người trong những ngày qua đã buộc lòng phải chạy khỏi Ucraina vi chiến tranh, và cả bao nhiêu người nam nữ khác, để tìm một nơi an toàn, buộc lòng phải bỏ gia cư và quên hương của họ ở Á, Phi và Mỹ châu. Tôi nghĩ đến và cầu nguyện cho tất cả trong kinh nguyện của tôi lúc này”.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến những trung tâm tiếp đón và ca ngợi tầm quan trọng của các nơi này như những trung tâm của tình nhân đạo. Đó là điều khó khăn, có bao nhiêu yếu tố nuôi dưỡng căng thẳng và thái độ cứng nhắc. Nhưng tại mỗi đại lục, đều có những cá nhân và cộng đoàn chấp nhận thách đố, với ý thức rằng thực tại di cư là một dấu chỉ thời đại có liên hệ tới nền văn minh, và đối với các Kitô hữu chúng ta, nó cũng có liên hệ tới sự trung thành với Tin mừng của Chúa Giêsu, Đấng đã nói “Ta là người nước ngoài và các con đã đón tiếp Ta” (Mt 25,35). Điều này không xảy ra được trong một ngày, cần phải có thời gian, rất nhiều kiên nhẫn, nhất là cần một tình thương được biến thành sự gần gũi, dịu dàng và cảm thương, như tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Đức Thánh cha cũng cầu mong những người di dân, sau khi đã cảm nghiệm sự tiếp đón đầy tình người và huynh đệ, cũng có thể trở thành những chứng nhân và những người linh hoạt sự tiếp đón và tình huynh đệ… Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng trên thế giới ngày nay, đó là những người di dân trở thành những chứng nhân về các giá trị nhân bản cốt yếu đối với một đời sống xứng đáng và huynh đệ”.

Cầu nguyện

Sau diễn từ, Đức Thánh cha cùng với một gia đình di dân thắp lên những cây nến trước ảnh Đức Mẹ. Ngài giải thích rằng cử chỉ đơn sơ này có một ý nghĩa lớn. Trong truyền thống Kitô, ngọn nến nhỏ là tượng trưng niềm tin nơi Thiên Chúa. Nó cũng là biểu tượng niềm hy vọng, một hy vọng nơi Đức Maria, Mẹ chúng ta, nâng đỡ trong những lúc khó khăn nhất.

Liền đó mọi người đã cầu xin theo những ý nguyện phổ quát, kết thúc cuộc gặp gỡ.

Sau đó, Đức Thánh cha đi xe thẳng ra phi trường quốc tế của Malta. Tại đây, Tổng thống đã chờ sẵn để tiễn biệt Đức Thánh cha theo nghi thức ngoại giao, trước khi ngài lên máy bay trở về Roma, kết thúc chuyến tông du thứ 36 tại nước ngoài trong bình an.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube