Giuse Brosio là một thiếu niên rất yêu mến Don Bosco. Một Chúa Nhật nọ, cậu nhận thấy Don Bosco không có trong sân chơi. Lạ thật! Cậu liền đi tìm ngài ở khắp mọi ngóc ngách trong nhà.
Tìm đi, tìm lại nhiều lần, sau cùng cậu tìm thấy ngài ở trong một căn phòng; ngài đang buồn, buồn đến phát khóc. Cậu mau mắn hỏi ngài:
– Thưa cha, có chuyện gì xảy ra vậy ?
Don Bosco im lặng, chìm ngập trong đau khổ. Cậu lại hỏi tiếp, bởi muốn biết vì đâu mà ngài phải đau khổ dữ dằn như vậy. Sau cùng, Don Bosco đã nói:
– Một trong các học sinh đã lăng mạ và sỉ nhục cha. Phần cha, cha không chấp nhất điều ấy. Nhưng điều tệ hại là em đang đi trên con đường xấu và ai biết rồi em sẽ kết thúc như thế nào.
Brosio cảm thấy bị xúc phạm. Cậu vung tay với vẻ tức giận và đoan chắc với Don Bosco là cậu sẽ tìm cách trả thù cho ngài. Don Bosco chăm chú nhìn cậu và nói:
– Con muốn trả thù cho cha, phải không ? Con có lý; nhưng với một điều kiện: chúng ta sẽ cùng nhau trả thù. Thế nào, con có chịu không ?
– Thưa cha, chịu.
– Vậy, con đi với cha.
Ngài liền dẫn cậu tới nhà thờ để cầu nguyện cho đứa học sinh hỗn láo đã xúc phạm tới ngài.
Sau này Brosio nhớ lại:
– “Tôi tin chắc Don Bosco đã cầu nguyện cho cả tôi nữa, vì trong lúc đó tôi cảm thấy mình trở nên một người khác, tôi đã thật sự thay đổi. Sự tức giận đối với học sinh ấy đã chuyển thành sự tha thứ”.
Don Bosco thường khuyên như sau:
– “Các con hãy nhớ rằng tha thứ có nghĩa là quên đi mãi mãi. Nếu các con muốn nhận được nhiều, nơi học sinh của các con, các con đừng bao giờ tỏ ra giận dỗi đối với bất cứ em nào. Hãy luôn tha thứ”.
Quý vị và các bạn thân mến !
“Tha thứ là thuốc chữa lành vết thương” là câu chú thích dưới bức ảnh gia đình cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP gặp gỡ gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, người đã chém chết cha Thanh khi cha đang ngồi tòa giải tội vào ngày 29-01-2022 thực sự gây xúc động và là lời kêu gọi thiết thực và sâu sắc cho những tâm hồn đắm chìm trong thù hận.Tha thứ không hề dễ dàng, Đức Thánh Cha Phanxico thừa nhận như thế, vì sự oán hận “mọc rễ trong tâm hồn chúng ta, luôn để lại một vị cay đắng. Chúng ta thường liệt kê ra rất nhiều điều người khác đã làm cho chúng ta.” Thế nhưng, chỉ có tha thứ mới mang lại vẻ đẹp vi diệu cho cuộc sống này, vì tha thứ là cách duy nhất biến kẻ thù thành bạn, vì chỉ có tha thứ mới “chữa lành vết thương” cho người bị hại lẫn kẻ gây hại.
Một nhà giáo dục đã viết: “Bạn muốn trả thù ư ? Hãy cầu nguyện cho người đã xúc phạm tới bạn. Chỉ cần đọc một kinh Kính mừng. Nó giống như nhỏ một ít dầu vào nước sôi của cơn nóng giận. Mọi sự sẽ êm dịu ngay”. Tha thứ và yêu thương kẻ thù là điều rất khó, tự sức mình chúng ta không thể làm được nhưng không phải là không thể nếu có Ơn Chúa. Vì thế, muốn tha thứ, trước hết cần phải cầu nguyện. Không có cầu nguyện, “sự oán hận lại quay về, như con ruồi làm cho khó chịu trong mùa hè, cứ đến, cứ quay lại”, người ta sẽ luôn nhớ tới những điều người khác đã xúc phạm và tổn thương mình trong sự thù hằn cay đắng. Tha thứ không phải chỉ là chuyện có thể thực hiện ngay, vì thế chúng ta cần cầu nguyện liên lỉ để dần dần rút hết nọc độc thù hằn và ngăn chận sự trở lại của sự oán hận trong tư tưởng. “Tha thứ có thể giúp tránh chiến tranh, đau khổ. Bao nhiêu đau khổ, đổ vỡ rách nát, chiến tranh sẽ có thể tránh được, nếu tha thứ và lòng thương xót là cách chúng ta sống! Ngay cả trong gia đình, bao nhiêu gia đình chia ly vì không biết tha thứ cho nhau, bao nhiêu anh chị em mang lòng thù ghét nhau. Cần áp dụng tình yêu thương xót vào trong tất cả các tương quan của con người: giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, trong cộng đoàn của chúng ta, trong Giáo hội, cả trong xã hội và trong chính trị.”[1]
Một điều chúng ta nên luôn tự nhủ đó là Chúa không bao giờ thua kém lòng quảng đại với chúng ta, nghĩa là số lần chúng ta tha thứ cho người anh chị em không bao giờ có thể nhiều hơn số lần Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Thiên Chúa tha thứ chúng ta vô hạn vả đây sẽ là động cơ để chúng ta bày tỏ lòng thương xót và sự tha thứ đối với người khác. Và càng tha thứ cho người khác, chúng ta lại càng ý thức hơn về thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người, và từ đó dễ dàng nhận ra tình yêu không ngừng tha thứ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, trên Thập Giá, Chúa vẫn cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã đưa Ngài đến cái chết đau thương và tủi nhục. Xin cho chúng con biết “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” vì đây là “mầu nhiệm” mà chúng con phải sống để trở nên hoàn hảo như Cha trên Trời là Đấng hoàn hảo. Amen.
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org