Qúy vị và các bạn thân mến,
Thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến bệnh dịch covid-19 đã và đang hoành hành thế giới. Số người chết vì dịch bệnh quá nhiều trong những hoàn cảnh đau thương và kinh hoàng nhất. Thiên tai nơi này nơi kia cũng đang ập xuống đầu nhân loại. Ngoài bệnh dịch và những thiên tai đang diễn ra với muôn vàn tang tóc khổ đau, nhân loại còn có vô vàn những đau khổ do chính con người gây ra cho nhau: bạo lực và bất công lan tràn, cuộc chiến tranh đẫm máu tại Nga và Ucraina vẫn chưa có hồi kết thúc, bạo động chém giết vẫn diễn ra tại nhiều nơi, những chèn ép kinh tế và những đe dọa bởi chiến tranh hạt nhân đang đè nặng tâm hồn mọi người… Các điều ấy đang làm cho sự bình an của con người tan biến.
Con người luôn sống trong lo âu thấp thỏm, cảm nhận nỗi sợ hãi hơn là niềm vui. Nỗi đau ngày thương khó dường như đang lấn át niềm vui Phục Sinh. Nhiều người khủng hoảng niềm tin đã đặt vấn đề: tại sao Thiên Chúa lại cho những đau khổ và những thời khắc kinh hoàng ấy vẫn luôn xảy ra trên thế giới?
Chúng ta đừng quên rằng, Chúa Giêsu đã chịu chết để gánh tội trần gian. Ngài đã đi đến tận cùng nỗi thống khổ của con người nên đau khổ không còn xa lạ với Ngài nữa. Ngài thấu hiểu những đau khổ, bất công mà chúng ta phải chịu bởi chính Ngài đã hạ mình xuống, chịu đánh đòn, đau khổ và chết như chúng ta… Nhưng vào buổi sáng Phục Sinh, tình yêu đã chiến thắng sự chết. Niềm vui và hy vọng đã tràn vào lật tung nấm mồ sợ hãi và tuyệt vọng. Sự ác đã bị đánh bại. Tử thần đã bị tiêu diệt.
Biến cố Phục Sinh không chỉ thuộc về lịch sử, nó không là một kỷ niệm chỉ còn vang vọng trong ký ức, nhưng là một thực tại luôn hiện diện hôm nay. Người tín hữu đọc được trong từng biến cố khổ đau của cuộc đời luôn có niềm hy vọng Phục Sinh. Niềm hy vọng này hoàn toàn có cơ sở vững chắc, bởi người tín hữu đã được thông phần vào sự Phục Sinh của Chúa. Qua bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu được đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô. Người tín hữu cũng phải dấn thân vào mầu nhiệm tự hạ và hoán cải này, để “sống một đời sống mới” (Rm 6, 4) cùng với Đức Kitô.
Giờ đây, người tín hữu cảm thấy vui mừng vì niềm hy vọng đã được nảy mầm từ sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nỗi cô đơn đã được Chúa chia sẻ, những giọt nước mắt sầu khổ đã được Chúa lau khô. Sự sống từ sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã thấm nhập vào từng biến cố trong đời sẽ làm tan biến mọi lo âu, đau khổ và ngay cả cái chết. Vì thế, chúng ta hãy ý thức rằng, chúng ta cùng chịu mai táng với Ðức Kitô qua phép rửa mình đã lãnh nhận, để cùng được phục sinh với Người. Hãy cùng bước xuống với Người, để cùng được đưa lên với Người. Hãy cùng đi lên với Người, để cùng được tôn vinh trong Người.
Ước chi mọi tín hữu Chúa biết làm cho niềm vui phục sinh lan tỏa. Ước chi mọi tín hữu Chúa luôn để niềm tin phục sinh hướng dẫn mọi suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình. Ước chi sức mạnh từ sự phục sinh biến đổi nhân loại chúng ta để nhân loại không còn gieo chiến tranh, hận thù hay khổ đau tang tóc cho nhau; nhưng biết gieo tình yêu thương mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã một đời trọn tình tự hiến cho nhân loại chúng ta.
Xin mượn những tâm tình của Mẹ Têrêxa Calcutta chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn. Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.
Xin dạy chúng con biết rằng chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ. Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.
Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org