Vào một ngày đẹp trời, con người và các loài thú vật họp lại bàn luận muốn xây một bức tượng Đấng tạo hóa để tri ân công đức của Ngài. Phe loài chim đưa ra ý kiến nên xây trên dãy núi cao, như thế mới thể hiện sự cao cả vĩ đại của Đấng tạo hóa. Phe loài thú có ý kiến ngược lại, chúng nói: – Nên xây tượng đài ở bên bờ biển, để biểu hiện tấm lòng rộng lớn và từ ái của Đấng tạo hóa. Sau một hồi tranh luận, hai phe không bên nào chịu nhượng bộ, cuối cùng con người đề nghị chúng ta cùng nhau đến hỏi Đấng tạo hóa xem nên xây tượng ở chỗ nào. Đấng tạo hóa trìu mến nói: – Ta muốn ở lại trong tâm hồn các ngươi. Nếu trong lòng các ngươi có sự hiện diện của Ta, ghi nhớ lời Ta dạy, sống bao dung tha thứ, yêu người khác như yêu chính mình, thì đó là cách tốt nhất để tưởng nhớ và cám ơn Ta vậy.
Quý vị và các bạn thân mến,
Thiên Chúa đã để lại dấu ấn của Người qua cuộc sáng tạo kỳ diệu với thiên nhiên hùng vĩ, núi đồi trùng điệp. Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô bảo rằng vũ trụ thiên nhiên ví như bút tích của Thiên Chúa. Người chính là “Nguyên nhân đệ nhất”, “Nhà thiết kế vũ trụ”, là “Đấng sáng tạo vạn vật”, “Đấng toàn thiện, toàn mỹ”. Sự hiển linh của Thiên Chúa còn nằm sâu trong trái tim con người với nỗi khát khao luôn hướng về những điều thánh thiện. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm sinh xuống làm người và sống giữa chúng ta. Có lần tông đồ Philipphê thưa rằng: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Chúa Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha…Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga 14,8-11).
Qua phép Thanh Tẩy, người Kitô hữu được hiệp thông với sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa. Vì thế, đời sống của người Kitô hữu phải phản ánh dung nhan hiền hậu của Thiên Chúa đang hiện diện giữa trần gian. Thánh Phaolô tông đồ cũng xác tín điều này khi nói: “Tất cả chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương, được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó ngày càng trở nên rực rỡ do tác động của Chúa là Thần Khí” (2Cr 3,18). Trong thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei 44-45), Đức thánh cha Phanxicô mời gọi mọi tín hữu đi vào quỹ đạo mà trong đó cả thân xác và tâm hồn quy hướng về sự viên mãn trong Thiên Chúa. “Người tín hữu xác quyết rằng trung tâm của toàn thể cuộc sống con người, bí mật sâu xa nhất của mọi sự là sự hiệp thông với Thiên Chúa”.
Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là vị Thiên Chúa chỉ ở trên trời xa cách nhân gian, xa cách những nỗi đau, âu lo và buồn phiền của con người, trái lại Ngài là vị Thiên Chúa ở với loài người. Thời Cựu ước, Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với dân của Người qua hòm bia giao ước (x. Xh 25,10-22). Đi đến đâu dân chúng kiêng hòm bia giao ước đến đó. Dừng chân ở đâu, người ta dựng lều và đặt hòm bia giao ước vào đó. Đến thời Tân ước, Thiên Chúa hiện diện trong chính Đức Giêsu, Người Con đã nhập thể để cứu chuộc loài người.
Thiên Chúa không ở đâu xa, Người hiện diện trong tâm hồn con người để chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn, để lắng nghe từng nhịp thổn thức của trái tim, để nâng đỡ gánh nặng của thân phận con người. Mỗi ngày, chúng ta cần trở vào trong căn phòng nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận biết chính mình với những ngổn ngang cần sắp xếp lại, với những góc khuất cần được soi sáng. Đức Hồng y Mercier đã chia sẻ một kinh nghiệm thiêng liêng, người nói “Tôi sẽ nói cho bạn biết một bí mật về sự thánh thiện và hạnh phúc nếu mỗi ngày bạn dành ra năm phút để tâm trí tĩnh lặng, bỏ đi những tiếng ồn ào sao cho mình có thể lui vào cung thánh của linh hồn là đền thờ Chúa Thánh Thần để cầu nguyện. Lúc đó bạn sẽ sống trong an hòa, vui tươi”.
Lạy Chúa là căn nguyên mọi điều tốt lành, là vẻ đẹp tinh tuyền thánh thiện, tâm hồn chúng con còn khắc khoải mãi cho tới khi gặp được Ngài. Amen.
Nt. Anh Thư
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org