Đức Thánh Cha Tôn Phong Hai Hiển Thánh Mới

Lúc gần 10 giờ sáng, Chúa nhật mùng 09 tháng Mười năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô, với nghi thức tôn phong hai vị chân phước lên bậc hiển thánh. Đây là lễ phong thánh thứ hai và lễ cuối cùng ngài cử hành trong năm nay. Lần đầu là lễ phong mười vị hiển thánh Chúa nhật, ngày 15 tháng Năm.

Trên mặt tiền Đền thờ, có treo hình hai vị thánh mới trên hai tấm thảm hình lớn.

Hiện diện trong buổi lễ có hơn 30.000 tín hữu thập phương. Đồng tế với Đức Thánh cha có 20 hồng y và 50 giám mục, và gần 400 linh mục, trong đó có nhiều vị thuộc dòng thánh Scalabrini và Don Bosco. 180 linh mục và phó tế đảm nhận việc trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu rước lễ. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có nhiều tu sĩ nam nữ người Việt thuộc hai dòng liên hệ.

Nghi thức phong thánh

Nghi thức phong thánh diễn ra vào đầu thánh lễ. Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh cha, mọi người hát kinh cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, rồi Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tiến lên trước Đức Thánh cha, cùng với hai linh mục thỉnh nguyện viên của các án phong, và thưa rằng: “Hội Thánh xin Đức Thánh cha ghi tên vào sổ bộ các thánh hai vị chân phước và để mọi Kitô hữu kêu cầu các ngài như những vị thánh.”

Sau khi xướng danh các vị, Đức Hồng y Semeraro lần lượt tóm tắt tiểu sử của hai vị:

Gioan Baotixita Scalabrini sinh ngày 08 tháng Bảy năm 1839 tại tỉnh Como, bắc Ý, con thứ ba trong gia đình tám người con, năm trai ba gái. Năm 1857, khi được 18 tuổi, Gioan gia nhập chủng viện và thụ phong linh mục năm 1863, khi được 24 tuổi. Cha muốn đi làm thừa sai nhưng Đức giám mục bản quyền không cho phép và bổ nhiệm tân linh mục làm giáo sư tiểu chủng viện Como, đồng thời làm giám thị và phó giám đốc tại đây.

Năm 1870, cha Scalabrini được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ thánh Bartolomeo, ở ngoại ô thành Como. Quan tâm đầu tiên của cha là tổ chức lại các trường giáo lý để huấn luyện các giáo lý viên chu đáo hơn, và cha soạn thủ bản cho họ. Cha cũng thường viếng thăm các bệnh nhân và người già, lập một hội để giúp đỡ họ, đồng thời cũng lập một nhà trẻ và một hội sinh hoạt cho các nam thiếu niên. Và đứng trước tình trạng khó khăn của các nông dân và thợ thuyền, cha gợi ý thành lập một hội tương trợ và dấn thân tìm công ăn việc làm cho những người mất việc. Cha chạy đến cả những nhà công nghệ xin giúp đỡ trong lãnh vực này.

Mới làm cha sở được 5 năm, cha Scalabrini được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Piacenza ngày 30 tháng Giêng năm 1876, lúc mới 36 tuổi. Đức cha ở lại nhiệm sở này gần 30 năm trời cho đến khi qua đời.

Trong thời gian dài làm chủ chăn tại Piacenza, Đức cha Scalabrini đã viết nhiều bài báo về bao nhiêu vấn đề thời đó, phản ánh thực trạng tôn giáo, xã hội và chính trị tại Ý thời đó.

Vốn là người tinh tế quan sát và giải thích thực tại con người đồng thời, Đức cha Scalabrini thành lập một viện câm điếc, một tổ chức trợ giúp các nữ công nhân nông nghiệp, một hội tương trợ và quỹ nông thôn.

Tuy nhiên, ký ức về Đức cha Scalabrini đặc biệt gắn liền với những giải pháp mục vụ sáng suốt cho người di dân. Đức cha đặc biệt quan tâm giúp đỡ những người Ý di cư. Ngài thành lập một tu hội linh mục hoàn toàn lo việc săn sóc tinh thần cho đông đảo người Ý di cư tại Mỹ. Đó là dòng thừa sai thánh Carlo. Về sau ngài thành lập thêm tu hội nữ thừa sai thánh Carlo.

Đức cha Scalabrini được phong chân phước ngày 09 tháng Mười Một năm 1997. Gia sản của Đức cha Scalabrini ngày nay vẫn là các thừa sai nam nữ thánh Carlo: khoảng 650 năm tu sĩ đang hoạt động tại 34 quốc gia năm châu. Tiếp đến là khoảng 550 nữ thừa sai thánh Carlo. Từ lâu các tu sĩ của hai dòng này không giới hạn hoạt động vào những người Ý di cư, nhưng giúp đỡ những người di cư thuộc đủ mọi quốc tịch trên thế giới.

Tu huynh Artemide Zatti sinh năm 1880 trong một gia đình nông dân nghèo ở Boreto, bắc Ý. Năm 1897, khi được 17 tuổi, Artemide theo gia đình di cư tới miền Bahía Bianca bên Argentina.

Năm 20 tuổi, anh muốn gia nhập dòng ở Bernal, gần thủ đô Buenos Aires. Tại đó, có một tu sĩ Don Bosco trẻ tuổi bị bệnh lao phổi, và Artemide tình nguyện săn sóc, nhưng tu sĩ ấy đã bị bệnh quá nặng nên qua đời sau đó. Artemide cũng bị lây bệnh lao phổi và được gửi đi dưỡng bệnh tại Viedma, nơi dòng Don Bosco có một bệnh xá và một tiệm thuốc tây. Artemide giúp cha Evasio Garrone tại nhiệm sở này.

Một hôm, cha Evasio Garrone gợi ý với Armetide hãy cầu xin Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu cứu giúp và nói: “Nếu Đức Mẹ chữa con lành bệnh, con hãy hiến trọn cuộc đời cho các bệnh nhân này”. Thầy Armetide Zatti hăng hái hứa như vậy và được khỏi bệnh một cách lạ lùng và thầy giữ lời hứa. Năm 1908, khi được 28 tuổi, thầy tuyên khấn lần đầu, và ba năm sau đó khấn trọn đời.

Năm 1913, cha Garrone qua đời, và thầy Zatti đảm trách tiệm thuốc thánh Phanxicô và bệnh xá thánh Giuse. Thầy tận tụy và vui tươi giúp đỡ người nghèo và các bệnh nhân. Việc phục vụ của thầy không giới hạn tại nhà thương, nhưng mở rộng ra cả thành phố. Trong những trường hợp cần thiết, thầy di chuyển ngày cũng như đêm, tới bất kỳ khu xóm tồi tàn ở ngoại ô thành Viedma, và giúp đỡ các bệnh nhân miễn phí. Tiếng tăm của thầy y tá thánh thiện lang rộng cả miền nam Argentina và từ miền Patagonia, cực nam của Argentina, cũng có các bệnh nhân tới xin thầy giúp đỡ. Thầy yêu mến các bệnh nhân một cách đặc biệt, nhìn thấy Chúa Giêsu nơi họ. Thầy chu toàn các công tác này với tinh thần hy sinh cao độ, không biết mệt mỏi.

Thầy Zatti là một người rất dễ tiếp xúc, đầy thiện cảm và vui mừng vì có thể giao tiếp với những người dân khiêm hạ. Nhưng đặc biệt thầy là một người của Chúa. Một bác sĩ ở nhà thương, không có đức tin mạnh, nói rằng: “Khi tôi thấy thầy Zatti, thì sự cứng lòng tin của tôi bị lay chuyển”. Một người khác nói: “Tôi tin nơi Thiên Chúa từ khi tôi được quen biết thầy Zatti”.

Năm 1950, thầy Zatti đột nhiên cảm thấy mình già nua và bệnh tật. Thầy đau nhói ở hông bên trái và kéo dài như vậy. Thầy biết rõ đó là bệnh ung thư tụy tạng và trấn an mọi người: “Xin anh chị em đừng vất vả làm chi, vì không có thuốc chữa đâu”. Thầy còn tiếp tục nhiệm vụ thêm một năm nữa.

Thầy Artemide Zatti qua đời ngày 15 tháng Ba năm 1951, trong sự tỉnh táo hoàn toàn, giữa sự quí mến và biết ơn của dân chúng. Thầy hưởng thọ 71 tuổi. Thầy được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 14 tháng Tư năm 2002.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng sau các bài đọc của phần phụng vụ Lời Chúa, Đức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin mừng theo thánh Luca (17), thuật lại sự tích 10 người phong cùi kêu xin Chúa Giêsu cứu giúp. Tất cả đều được chữa lành, nhưng chỉ có một người trở lại lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa, và đó lại là một người Samaritano, một người “lạc đạo” (Lc 17,15).

Đức Thánh cha nhận xét rằng: Mười người phong cùi tiến bước chung với nhau, không phân biệt giữa người Samaritano với chín người khác. Bệnh phong cùi không phải chỉ là bệnh thể lý, nhưng cũng là một thứ bệnh xã hội, vì thời đó họ phải ở ngoài cộng đoàn, không được vào những khu dân cư. Cả người Samaritano vốn bị coi là “rối đạo” cũng ở chung với những người khác. “Bệnh tật và tình trạng mong manh chung làm đổ những hàng rào và vượt lên trên mọi sự loại trừ”.

Đồng hành với người khác

Đức Thánh cha nói: “Đây là một hình ảnh đẹp đối với cả chúng ta: nếu thành thực với chính mình, chúng ta nhớ rằng tất cả chúng ta đều là những người bị bệnh trong tâm hồn, tất cả đều là những người tội lỗi, cần lòng thương xót của Chúa Cha. Và chúng ta ngưng chia rẽ nhau dựa trên công trạng, vai trò chúng ta đảm trách; những bức tường nội tâm, những thành kiến sẽ sụp đổ, và như thế, sau cùng chúng ta khám phá mình là anh chị em với nhau”.

“Chúng ta hãy nhớ điều này: đức tin Kitô luôn đòi chúng ta đồng hành với những người khác, không bao giờ là những người tiến bước đơn độc; đức tin luôn đòi chúng ta ra khỏi bản thân để tiến về Thiên Chúa và về anh chị em, không bao giờ chia rẽ chúng ta với nhau, luôn đòi chúng ta nhìn nhận mình là những người cần được chữa lành và tha thứ, và vì cùng chia sẻ sự giòn mỏng của người ở cạnh chúng ta, không cảm thấy mình cao trọng hơn nhau”.

Áp dụng vào cuộc sống thường nhật

Và Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Anh chị em, chúng ta hãy kiểm chứng xem trong đời sống chúng ta, trong gia đình, tại những nơi làm việc và gặp gỡ nhau mỗi ngày, chúng ta có khả năng đồng hành với những người khác, lắng nghe, vượt thắng cám dỗ tự đóng khung mình trong thái độ tự tham chiếu và chỉ nghĩ đến những nhu cầu của chúng ta hay không.”

Cộng đoàn cởi mở không loại trừ ai

“Nhưng đồng hành với nhau cũng là ơn gọi của Giáo hội. Chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có thực sự là những cộng đoàn cởi mở và bao gồm đối với tất cả mọi người hay không; chúng ta có làm việc chung được với nhau, linh mục và giáo dân, để phục vụ Tin mừng hay không; chúng ta có một thái độ đón tiếp không những bằng lời nói nhưng bằng những cử chỉ cụ thể, đối với người ở xa và với tất cả mọi người đến gần chúng ta hay không… Chúng ta có làm cho họ cảm thấy là thành phần của cộng đoàn hay là chúng ta loại trừ họ?”

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi sợ khi thấy những cộng đoàn Kitô phân chia thế giới thành những người tốt và những người xấu, thánh thiện và tội lỗi: như thế rốt cuộc ta cảm thấy mình tốt hơn những người khác và đẩy ra ngoài bao nhiêu người mà Thiên Chúa muốn ôm lấy họ. Xin anh chị em hãy luôn bao gồm trong Giáo hội cũng như trong xã hội, đang còn nhiều chênh lệch và tình trạng gạt ra ngoài lề”.

Lòng biết ơn

Đức Thánh cha cũng nhắc đến thái độ biết ơn của người Samaritano sau khi được lành bệnh và nhận xét rằng: “Đó cũng là một bài học lớn cho chúng ta, là những người hằng ngày được hưởng các ơn của Thiên Chúa, nhưng thường thường chúng ta đi đường của mình mà quên vun trồng một tương quan sinh động với Chúa. Đó là một thứ bệnh tinh thần xấu xa: coi mọi sự là điều dĩ nhiên, cả đức tin và tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, đến độ trở thành những Kitô hữu không còn biết ngạc nhiên nữa, không biết nói “cám ơn”, không còn biết nhận ra những kỳ công của Thiên Chúa nữa.

Gương hai vị hiển thánh

Đề cập đến hai vị hiển thánh được tôn phong, Đức Thánh cha nói rằng: “Hai vị nhắc nhớ chúng ta về điều quan trọng là đồng hành với nhau và biết cám ơn.

Đức giám mục Scalabrini, – đã thành lập dòng chăm sóc những người xuất cư -, đã khẳng định rằng khi đồng hành với những người xuất cư, không cần chỉ nhìn những vấn đề nhưng cần nhìn cả những ý định của Chúa Quan Phòng. Thánh nhân nói: “Chính nhờ những cuộc di cư do những bách hại, Giáo hội đã vượt lên trên các ranh giới Jerusalem và Israel để trở thành “công giáo”; nhờ những cuộc di cư ngày nay, Giáo hội sẽ là dụng cụ hòa bình và hiệp thông giữa các dân tộc” (L’emigrazione degli operai italiani, Ferrara 1899). Đức cha Scalabrini đã nhìn xa, nhìn về đằng trước, về một thế giới và một Giáo hội không biên giới, không có người ngoại quốc.

Về phần Tu huynh Salesien Artemide Zatti, người là một tấm gương sinh động về lòng biết ơn: sau khi được khỏi bệnh lao phổi, đã hiến trọn cuộc đời để làm ơn cho những người khác, chữa lành các bệnh nhân với lòng yêu thương và dịu dàng. Người ta kể là đã thấy thầy vác thi thể của một người bệnh nhân trên vai. Đầy lòng biết ơn vì những gì đã lãnh nhận, thầy muốn nói lời “cám ơn” khi đảm nhận các vết thương của người khác”.

“Chúng ta hãy cầu nguyện để những người anh thánh thiện này giúp chúng ta cùng bước đi với nhau, không có những bức tường chia rẽ; hãy vun trồng tâm tình cao thượng rất đẹp lòng Chúa là tâm tình biết ơn”.

Lời cuối lễ

Cuối thánh lễ, khoảng 11 giờ 45, Đức Thánh cha đã chủ sự kinh Truyền tin với cộng đoàn. Số người tại quảng trường lúc này lên tới 60.000 người.

Trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha chào thăm tất cả các hồng y, giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ, đặc biệt là các nam nữ thừa sai thánh Carlo Borromeo và các tu huynh Salesien Don Bosco. Ngài không quên chào thăm các phái đoàn chính thức.

Và ngài nói thêm rằng: “Hôm nay tại Fabriano, có lễ phong chân phước cho nữ tu Maria Costanza Panas, đan sĩ dòng thánh Clara Capuxin, sống tại Đan viện Fabriano, từ năm 1917 đến năm 1963 khi về trời. Chị đón tiếp những người đến gõ cửa Đan viện, chiếu tỏa nơi mọi người sự thanh thản và tín thác. Trong những năm cuối đời, khi bị bệnh nặng, chị dâng những đau khổ để cầu nguyện cho Công đồng chung Vatican II, mà ngày 11 tháng Mười này, chúng ta kỷ niệm 60 năm khai mạc. Xin chân phước Maria Costanza giúp chúng ta luôn tín thác nơi Thiên Chúa và đón tiếp tha nhân.

Học bài học của quá khứ

Đức Thánh cha cũng nói rằng: “Về việc khai mạc Công đồng chung Vatican II cách đây 60 năm, chúng ta không thể quên nguy cơ chiến tranh hạt nhân bấy giờ cũng đang đe dọa thế giới. Tại sao không học bài học lịch sử? Hồi đó cũng có những xung đột và căng thẳng lớn, nhưng rồi người ta đã chọn con đường hòa bình.”

Trong Kinh thánh có ghi rằng: “Chúa phán: “Các ngươi hãy dừng lại trên đường và hãy nhìn, hãy tìm hiểu những con đường quá khứ, để xem đâu là con đường đúng cần theo, như thế các ngươi sẽ tìm được hòa bình cho cuộc sống của các ngươi” (Ger 6,16).

Cầu cho dân Thái Lan

Rồi Đức Thánh cha nói: “Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của hành động bạo lực điên rồ xảy ra cách đây ba ngày, 06 tháng Mười, tại Thái Lan. Tôi xúc động phó thác cho Cha của sự sống, đặc biệt các em bé và gia đình các em”.

Giờ đây, chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta trở thành những chứng nhân Tin Mừng, noi gương các thánh”.

Rồi Đức Thánh cha xướng kinh Truyền tin và ban phép lành cuối lễ cho mọi người.

G. Trần Đức Anh, O.P
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube