Trong cuộc sống, mỗi người đều có những nỗi lo sợ riêng. Có người sợ già, sợ nghèo, sợ cô đơn, sợ bị thất bại. Nỗi sợ là một trở ngại lớn khiến chúng ta dừng chân lùi bước. Muốn thành công, muốn đạt được mục đích, chúng ta phải vượt qua nhiều những nỗi sợ đang có.
Có một người hỏi vị nông dân: “Vụ mùa năm nay, ông tiếp tục trồng lúa mì chứ?” Người nông dân đáp: “Trồng lúa mì thì mỗi ngày tôi đều phải chăm sóc nó rất vất vả, mà tôi lại sợ rằng tháng này trời sẽ không có mưa, nên tôi quyết định không trồng lúa mì nữa”. Người kia lại hỏi: “Vậy ông có nên trồng cây bông không?” Người nông dân vẫn lo sợ nói: “Không, tôi lo lắng sâu bọ sẽ ăn hết bông”. Người kia hỏi tiếp: “Vậy ông sẽ trồng loại cây gì?” Người nông dân trả lời rằng: “Tôi cứ băn khoăn không biết trồng cây gì để có năng suất cao vì tôi luôn lo sợ”. Vậy tốt nhất là ông không trồng cây gì cả. Ông không muốn nỗ lực, không dám mạo hiểm, luôn sợ rủi ro thất bại, những người vô tích sự như ông sẽ chẳng làm nên việc gì cả.
Quý vị và các bạn thân mến,
Có thể vì lười biếng hay quá lo sợ khiến người nông dân không dám trồng cấy một loại nông sản nào và vụ mùa năm ấy ông cũng không thu hoạch được gì. Muốn thành công, chúng ta cần phải cố gắng không ngừng, mới được hưởng niềm vui và hạnh phúc từ thành quả của công việc. Lo lắng sợ hãi là một trạng thái tâm lý gây cho ta nặng nề phiền não. Cuộc sống là sự đan dệt giữa thành và bại, giữa cho đi và nhận lãnh. Mỗi sự việc đều có giá trị và ý nghĩa riêng. Thất bại đôi khi lại là một trải nghiệm để ta nhận thức chính mình với những ưu khuyết điểm.
Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng phải nỗ lực vượt qua chính mình với những nỗi sợ hãi, thói hư tật xấu, thói tham lam ích kỷ. Chúng ta thường sợ khó khăn, ngại dấn thân phục vụ người khác. Trong sách Thánh Vịnh Thiên Chúa đã lên án những người vô tâm giả hình giống như những tượng thần có mắt có miệng mà không nhìn không nói, có mũi có tai, mà không ngửi không nghe, có hai tay, không sờ không mó, có hai chân mà không bước đi (x. Tv 113b). Muốn trở thành môn đệ đích thực, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải biết ra khỏi chính mình, quan tâm đến nhu cầu của người khác như Chúa lắng nghe những trăn trở của con cái mình.
Đức Giêsu đã cảnh tỉnh “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa…Hãy sợ Đấng đã giết rồi lại còn có quyền ném vào hỏa ngục” (Lc 12,1-2.4). Chúng ta thường sợ hãi những thế lực của con người trần thế. Nỗi sợ cần phải có đó là kính sợ Thiên Chúa, Đấng điều khiển lịch sử nhân loại và vận mệnh con người. Thiên Chúa quyền năng tạo tác và cũng có quyền biến đổi ngừng lại sự sống của con người.
Thiên Chúa mới là Đấng điều khiển vũ trụ và nhân sinh. Mọi nỗ lực của ta sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có bàn tay của Thiên Chúa. Xác tín về ơn quan phòng khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa, thánh Phaolô tự nhủ “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1Cr 3,6-7). Mỗi chúng ta là cộng sự viên của Thiên Chúa, có bổn phận lan tỏa hạt giống yêu thương trong cánh đồng Giáo hội. Nhân loại và Giáo hội hôm nay đang đối mặt với nhiều khó khăn của thế lực trần gian khiến niềm tin chao đảo. Người tín hữu đang phải gánh chịu những sự bất công, hận thù chia rẽ. Đời sống các gia đình đang gặp nhiều khủng hoảng khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt. Ước gì chúng ta biết đặt trọn niềm tin cậy nơi Thiên Chúa và trung thành sống theo những giá trị của Tin Mừng.
Lạy Chúa, Chúa biết đức tin của chúng con nông cạn, dễ nản lòng trước những nghịch cảnh, xin cho chúng con dám trao phó cuộc đời mình cho tình thương Chúa dẫn dắt, can đảm thực hành theo lời Chúa dạy, để trở thành môn đệ chân chính, được hưởng trọn nguồn hạnh phúc Nước Trời. Amen.
Nt. Anh Thư
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org