Phút cầu nguyện: Nhịp cầu hòa giải

Có hai anh em nhà kia sống bên nhau ở một làng quê nhỏ. Họ cùng nhau chăm chỉ làm việc, luôn yêu thương và giúp đỡ nhau hết lòng; nhưng chỉ vì một hiểu lầm nhỏ mà hai anh em dần dần xa cách nhau. Cả hai bên đều im lặng trong nhiều tuần và ẩn nhẫn sự tức giận trong đó.

Một ngày nọ, có một người thợ mộc già gõ cửa nhà anh trai. Ông nói: “Tôi có thể làm và sửa chữa được nhiều thứ, nhà anh có cần sửa gì không?” Người anh trai ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời: “Được, tôi có công việc cho bác đây”. Rồi người anh dẫn người thợ mộc già ra sau nhà và chỉ: “Nhà bên cạnh là nhà em trai tôi, ngày xưa có con lạch nhỏ giữa hai nhà chúng tôi. Gần đây, em trai tôi đã cố ý trồng thật nhiều cây cao; đồng thời, đào rộng con lạch ra, biến nó thành ranh giới giữa hai nhà. Bác nhìn thấy rồi đấy, thế nên, bác hãy dựng hẳn một hàng rào cao 3m cho tôi. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy khuôn mặt của nó nữa.”

Người thợ mộc già nghĩ thầm trong một vài phút rồi nói: “Tôi hiểu rồi”.

Người anh trai đã giúp người thợ mộc già mang gỗ và dụng cụ ra sau nhà, rồi tất tả ra đồng làm việc. Đến tối, anh mới trở về nhà, lúc này người thợ mộc cũng đã làm xong công việc được giao. Khi ra sau nhà kiểm tra thì người anh trai choáng váng. Mặt anh bần thần và anh không thể nói được câu gì vì chỗ đáng lẽ phải là một hàng rào cao 3m, thì lại là một cây cầu xuất hiện. Một cây cầu gỗ đặc biệt được chạm khắc rất phức tạp trên thành cầu, nó là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một cây cầu bình thường. Cùng lúc đó, người em trai cũng tình cờ ở đó. Anh ta lao vội qua cây cầu và ôm lấy anh trai mình, xúc động nói: “Anh, sau tất cả những gì em đã nói và làm không phải với anh… anh lại cho làm một cây cầu nối hai nhà chúng ta. Em xin lỗi anh rất nhiều”. Người anh trai cũng bất ngờ, và bật khóc.

Trong khi hai anh em đang ôm nhau, cùng nhau xin lỗi và giải thích mọi chuyện thì người thợ già cũng sắp xếp, dọn lại dụng cụ của bản thân, chuẩn bị đi về.  Người anh vội quay lại nói: “Bác đừng vội đi, hãy ở lại ăn với chúng cháu bữa cơm, cháu nghĩ cháu cần sữa chữa nhiều đồ cần tới bác nữa”. Nhưng người thợ mộc già cười hiền từ và nói: “Tôi cũng muốn ở lại lắm, nhưng tôi còn nhiều cây cầu cần làm và những thứ cần sửa ở nơi khác nữa, cậu trai ạ…“.

Kính thưa quý vị và các bạn,

Tha thứ và hòa giải chưa bao giờ là dễ, nhất là tha thứ và hòa giải đối với người đã làm chúng ta tổn thương và đau lòng. Có lẽ ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về điều này và câu chuyện trên khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Thật vậy, kinh nghiệm cho thấy: nhiều lần chúng ta muốn tha thứ cho người đã xúc phạm mình, nhưng rồi chính chúng ta lại không thể quên được nỗi đau mà họ đã gây ra, nên vết thương của lòng thù hận cứ thế gặm nhấm, khiến chúng ta nhức nhối và không thể tha thứ được. Đôi khi miệng chúng ta nói tha thứ nhưng lòng chúng ta lại không muốn hòa giải, hoặc đòi đối phương phải đáp trả lại sự tha thứ của mình bằng một điều kiện nào đó, nên sự tha thứ của chúng ta chưa trọn vẹn và nó vẫn làm cho chúng ta bất an khi nghĩ đến chuyện cũ. Bởi đó, bài học về sự tha thứ vẫn luôn được coi là một bài học khó trong việc thực hành, vì tha thứ không chỉ đơn giản là bỏ qua lỗi lầm của người khác; mà nó còn đòi chúng ta phải mở rộng lòng mình để đón nhận và yêu thương họ, nghĩa là tha thứ đòi chúng ta phải buông bỏ thù hận để xây một nhịp cầu hòa giải với người đã làm mình tổn thương.

Tuy nhiên, tha thứ không có nghĩa là dung túng cho những lỗi lầm của người khác; nhưng là cách giúp họ nhận ra sai lỗi để quay về với cuộc sống tươi đẹp vốn có, nhờ vào sự điều chỉnh thái độ và hành vi cho phù hợp với từng hoàn cảnh sống. Tha thứ giúp chúng ta sống điềm tĩnh hơn, suy nghĩ mọi việc thấu đáo hơn để rút ra cho mình và cho người khác những bài học làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, tha thứ cũng là một nghệ thuật rất gần gũi với cuộc sống chúng ta. Người biết tha thứ sẽ luôn có được sự bình an đích thực trong tâm hồn vì họ hiểu được rằng tha thứ cho người khác cũng chính là cách tự chữa lành vết thương thù hận bên trong con người của mình.

Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc lại cho chúng ta trong Tin Mừng bài học về sự tha thứ và mời gọi chúng ta tha thứ – không chỉ 7 lần mà là 70 lần 7 – nghĩa là không có giới hạn nào cho sự tha thứ cả, tha thứ một cách vô điều kiện, tha thứ vì tình yêu như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Trong đời sống đức tin, tha thứ chính là điều kiện để chúng ta nhận được ơn tha thứ từ Thiên Chúa. Thế nên, mỗi người chúng ta hãy cùng lắng đọng tâm hồn để nhìn lại các mối tương quan của mình với tha nhân. Nếu có điều gì bất hòa, chúng ta hãy nhanh chóng hòa giải, để chính chúng ta cũng được lòng thương xót của Thiên Chúa thứ tha.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn xác tín vào lòng khoan dung của Chúa, để chúng con cũng biết bao dung với người khác như chính Chúa vẫn hằng yêu thương tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết quan tâm đến những người xung quanh và sẵn sàng xây nhịp cầu hòa giải giữa tha nhân để giúp họ đến gần Chúa hơn. Amen.

Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube