Hướng về hành trình cuộc đời, nhìn lại chặng đường ơn gọi, nơi con đã chọn và đi theo một linh đạo, lòng con hân hoan vui sướng trong tâm tình tạ ơn và biết ơn. Tạ ơn Chúa đã dẫn con đi trên con đường Ngài muốn. Biết ơn Đấng đã vạch ra một con đường- Mến Thánh Giá.
Khi vừa mới cất bước khởi hành cho cuộc hành trình này, con không hiểu chút gì về MTG, con càng không hiểu tại sao Đức Cha Lambert- Đấng Sáng Lập của con lại mang trong mình nỗi khát khao và cả một đời sống cho tình yêu MTG. Một chút thắc mắc về linh đạo, con tự hỏi: có biết bao nhiêu con đường để chọn, có thể là họa lại hình ảnh Đức Kitô trong tinh thần phục vụ người nghèo, hoặc là truyền giáo, chăm sóc bệnh nhân…tại sao phải lấy “Đức Giêsu Kitô Chịu- Đóng- Đinh làm đối tượng duy nhất của lòng con?” Phải chăng đau khổ là phương thế chắc chắn hơn tất cả sao? Cũng chính vì những dấu chấm hỏi đầu tiên này, nên đã giúp con tìm về nguồn cội, để học cho biết thế nào là yêu mến Thánh Giá của người cha đã mở lối cho con đến với Chúa Kitô.
Lần về dấu chân trên những nẻo đường mà Đức Cha Lambert đã đi qua, từ khắp miền đất châu Âu rộng lớn trải dài tới vùng Á Đông xa xôi, con mới thấy được ngài tha thiết yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu và khát khao đồng hóa với Người trong mầu nhiệm tử nạn là dường nào. Ngài muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế và sẵn sàng cho Người mượn thân xác để tiếp tục hy sinh cho tình yêu nhân loại. điều này được thể hiện rõ nơi chân dung một người cha hết sức phiêu lưu, mạo hiểm trong những lần ra đi tới vùng biên giới xa lạ theo lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng “ hãy ra chỗ nước sâu”. Ngài không đắn đo khi lại phải bắt đầu một cuộc sống mới trên một nền văn hóa lạ lẫm. Không những thế Ngài còn dùng những cơn đau bệnh như phương thế để được thông phần đau khổ với Đức Kitô trên đồi Gongotha. Chính vì thế, các nhà đạo đức khẳng định rằng: chỉ có ai say mê Đức Kitô mới hiểu được Thập Giá trong đời mình và chỉ có những ai dám từ bỏ mình mới có thể say mến Đức Kitô. Quả vậy, Đức Cha Lambert đã trở nên yếu hèn để cho sức mạnh của Chúa Kitô được thể hiện. Nói như vậy không có nghĩa là ngài trở nên nô lệ cho sự yếu hèn ấy nhưng ngược lại, ngài rất ý chí và cương nghị, mạnh dạn lên tiếng về những đồi trụy, nếp sống sai lạc của các tu sĩ thời đó. Có thể vì sự thẳng thắn này mà người ta giận ghét ngài, hiềm khích hay thậm chí là bỏ thuốc độc để hại ngài nhưng ngài không nề hà, cũng không vì thế mà ngài đi ngược lại với con đường Đức Kitô đã đi- “sự thật sẽ giải phóng các con”. Những đau khổ này ngài đều vui đón nhận và dâng lại Thiên Chúa như một món quà biểu lộ tình yêu MTG.
Với những dấu chỉ và việc làm của Đức Cha Lambert – người cha ân tình, đã giúp con giải mã cho con đường thiêng liêng của mình. “Nếu không cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta không thể cùng sống lại với Ngài trong vinh quang”. Một khi đã chết và ý thức mình chết đi đối với thế gian, con sẽ không còn màng chi tới danh vọng lợi lộc, con cũng sẽ không còn đi tìm những tiếng khen mau qua. Vì đã chết, nên con không còn ham thích những thú vui ở đời, không quyến luyến hay vướng bận, không tìm an ủi hay vun vén mối tương quan nào ngoài Chúa, vì con đã chết với tội và nay con sống là sống cho Chúa, cho tha nhân.
Trong dịp mừng kỷ niệm 350 năm hồng ân thành lập Dòng MTG con tự nhủ sẽ quyết tâm noi theo bước chân mà Đức Cha Lambert đã đi qua, đã hiến dâng trọn vẹn cho tình yêu Đức Giêsu Kitô Chịu- Đóng- Đinh. Từ nay con quyết để cho Chúa làm chủ đời con hoàn toàn. Dâng hiến cho Ngài tất cả, nghĩa là tất cả không còn bất cứ một điều gì, theo tinh thần người cha ân tình đã dạy con.
Tập sinh: Maria Nguyễn Thị Phúc