NGUỒN GỐC VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
Chính Thiên Chúa đã muốn dùng con người và cuộc đời trải nghiệm mầu nhiệm Thập Giá của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, nhất là từ giữa thế kỷ XVII trên mảnh đất Á châu, để khai sinh Đại Gia Đình Mến Thánh Giá. Ý định đó được khởi đi từ cuộc gặp gỡ ân tình giữa Đức Cha Pierre Lambert de la Motte với Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
Cuộc gặp gỡ này đã được biểu lộ rất sớm, lúc ngài mới chín tuổi. Ba mươi năm sau, cảm nghiệm ấy lại được soi dẫn một cách đầy đủ và mạnh mẽ hơn trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày của Đức Cha tại Ayuthaya năm 1663.
Trong cuộc kinh lý mục vụ tại Đàng Ngoài 1669-1670, Đức Cha Lambert đã quyết định thành lập “một tu hội đặc biệt mang danh hiệu Dòng Nữ Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”, để đáp lại nguyện vọng tha thiết của một nhóm trinh nữ và phụ nữ đạo đức, đã tự nguyện quy tụ “từ lâu” rồi (x.Ltk I,5), mà từ năm 1666 hoặc 1667, họ được linh mục François Deydier, Tổng Đại Diện hướng dẫn về mặt thiêng liêng.
Nhóm phụ nữ đạo đức ấy bị thu hút mãnh liệt bởi tinh thần của bản Luật Hiệp hội các Tín hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta (ngày nay gọi tắt là Hiệp hội MTG tại thế), đến nỗi họ rất sẵn lòng gia nhập (x.Ltk I,5). Tuy nhiên, vì nhận thấy rằng các thành viên của Hiệp hội này là những nam nữ tín hữu sống trong gia đình, ở giữa đời, không tuyên khấn, không sống chung với nhau thành cộng đoàn như những tu sĩ, hoặc nữ tu, nên họ ước muốn được hoàn toàn hiến thân phụng sự thiên Chúa (Ltk I,6), trong bậc sống tu trì (x.Ltk I,7).
Đức Cha viết cho họ một bản luật mới ngay tại Đàng Ngoài gồm hai yếu tố:
- Tình yêu thực tiễn dành cho Thánh Giá Chúa Kitô như ngài đã trình bày trong Luật MTG tại thế, mà nay ngài đẩy lên một mức cao hơn cho phù hợp với bậc sống tu trì,
- Những quy luật đúng ý Giáo Hội liên quan tới bậc sống tu trì, như ngài sẽ trình lên Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX trong lá thư đề ngày 20.10.1670 sau khi trở về Xiêm La (x.Clem 27).
Tại Phố Hiến, ngày 19.02.1670, nhằm ngày Lễ Tro, Đức Cha Pierre Lambert đã nhận lời khấn của hai nữ tu Mến Thánh Giá tiên khởi là Anê và Paula và trao cho các chị Bản Luật tiên khởi của Dòng Nữ Mến Thánh Giá, ơn gọi và mục đích của “Tu hội đặc biệt” này là:
– Hướng trọn lòng trí và cuộc sống về “Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất;
– Sống sứ vụ tông đồ thừa sai để loan báo Phúc Âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng Giáo Hội địa phương, nhờ được thông dự vào tinh thần trung gian và chuyển cầu của Đức Kitô.
Theo ý muốn của Đức Cha Lambert, Dòng Mến Thánh Giá phải thuộc quyền Giáo phận, nghĩa là liên đới với các Vị Chủ Chăn và Giáo hội địa phương. Hai quy định trong Luật Tiên Khởi nói lên điều đó: “Chính Đấng Bản quyền Giáo phận, hoặc cha Tổng Đại Diện, tuyển chọn chị Bề trên và các chị giữ những nhiệm vụ khác, sau khi tham khảo ý kiến cha quản trị tỉnh hạt và về đời sống tinh thần, chị em phải tuỳ thuộc cha quản trị tỉnh hạt nơi mình ở”.1 Tuy Giáo luật ngày nay đã sửa đổi những quy định pháp lý trên đây trong phạm vi quản trị nội bộ của các Hội dòng thuộc quyền Giáo phận, theo chiều hướng dành nhiều quyền hành hơn cho cơ cấu quản trị nội bộ, nhưng sự hiệp thông và liên đới với Giáo hội địa phương vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của nó, đặc biệt trong phạm vi đời sống thiêng liêng và chương trình huấn luyện.
Cùng một ơn gọi, mục đích và bản chất như thế, Đức Cha cũng thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong năm 1671 và tại Thái Lan năm 1672.
Với chiều dài lịch sử hơn 340 năm thăng trầm cho đến hôm nay, Dòng Mến Thánh Giá đã được hình thành và trải qua nhiều đợt cải tổ tùy theo Đấng Bản quyền Địa phận, cũng như tùy tình hình thực tế của xã hội và Giáo hội. Quá trình này có thể phân chia theo từng thế kỷ
(Còn tiếp)