Quá trình thành lập hiệp hội Mến Thánh Giá tại thế

HHMTGTT cũng đã có một lịch sử thành lập cùng thời với dòng nữ Mến Thánh Giá, nhưng sự mai một của Hiệp Hội có thể do những thăng trầm của lịch sử Giáo hội, qua cơn bắt đạo mà chúng ta chưa có sử liệu để chứng minh. Tuy nhiên, các Bút Tích của Đức cha Lambert cho thấy Hiệp Hội là hoa quả của một ơn linh hứng mà ngài đã nhận được từ thời niên thiếu, ân huệ ấy đã trở thành một ý lực chi phối toàn bộ đời sống thiêng liêng và tông đồ của ngài. Chính bản luật cũng như linh đạo Mến Thánh Giá Tại Thế đã gợi hứng cho ngài soạn thảo bản luật tiên khởi của Dòng nữ Mến Thánh Giá năm 1670. Vậy, chúng ta sẽ trích lại các Bút Tích của Đức cha Lambert đã viết có liên quan đến Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế; nghị định của Thánh Bộ Truyền Giáo; nghị quyết Công đồng Phố Hiến và một số tài liệu của các tác giả nghiên cứu uy tín đã nói về Hiệp Hội này.

1. Trích từ các Bút Tích của chính Đức cha Lambert

Trong các Bút Tích của chính Đức cha Lambert, việc thành lập HHMTGTT với mục đích tu đức, tông đồ và truyền giáo:

a. Bài Tự Sự: được lưu giữ trong văn khố Hội Thừa Sai Paris (AMEP., vol. 121, tr. 756-762). Văn bản do linh mục sử gia Adrien Launay ấn hành năm 1927, tr. 106-108, và được phiên dịch ra tiếng việt. Đây là một Bút Tích nòng cốt trong linh đạo của Đức cha Lambert, vì đã dựa trên nền thần học Thánh Giá của Thánh Phaolô và Thánh Gioan, được phản ánh cô đọng trong những câu Kinh Thánh tiêu biểu: Pl 2,6-11; 1Cr 2,2 và 1,23-24; Cl 1,24; Gl 2,20 và 6,14; Ga 8,28; 12,32. Trong Bút Tích này, ngài có nhắc đến Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế như sau:

    • Chương I, câu 19-26: “Tôi thấy rõ Thiên Chúa sẽ được tôn vinh cực độ, nếu dưới sự chỉ đạo của những người này, một dòng được thành lập cho những người giàu đức hạnh và chuyên cần nguyện ngắm, thuộc mọi phái tính và địa vị xã hội, cũng như gồm tất cả những ai thực sự ước ao hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa…”.
    • Chương II, câu 3-5: “Các thừa sai Pháp rất xác tín về chân lý lớn lao ấy, và nhận thức rằng vác Thánh Giá Chúa Cứu Thế trong tâm hồn, ngoài thể xác là việc đạo đức vượt trên các việc đạo đức, nên đã khuyến khích các tín hữu đi theo con đường diễm phúc và chắc chắn đó. Một vài tâm hồn say mê con đường này, đã khẩn thiết yêu cầu phải thành lập một Hiệp Hội gồm những người chuyên chú đi theo con đường ấy suốt đời. Lời khẩn cầu tốt đẹp ấy là hoa quả của ân sủng phi thường trong họ, buộc các nhà thừa sai đặt nền tảng đầu tiên cho một dòng tại Xiêm La, để phổ biến khắp nơi trong các miền truyền giáo, và dòng được mệnh danh là dòng Mến Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô”.
    • Chương III: “Mục đích chính yếu được đề ra khi thành lập Hiệp Hội này là phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa, và làm sao cho các thành thị cũng như xóm làng đều có một số tín hữu không những hằng ngày suy niệm, mà còn thực sự thông phần các đau khổ của Đức Giêsu-Kitô bằng việc chế ngự thân xác. Sự thực hành việc đạo đức thánh hảo này có tác dụng tạo ra nhiều ơn phúc trong các địa phương ở đây, đến độ những ai có diễm phúc lãnh nhận các ơn ấy, hay nói đúng hơn đã không biết điều đó sớm hơn nữa… Ngay sau khi việc suy niệm và noi theo Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô được đề nghị với các Kitô hữu tại đây, để họ thực hành hằng ngày, nhiều người đã ôm ấp điều đó với lòng trung thành không thể ngờ được. Như vậy, họ đã thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân Lý theo đúng cách thờ phượng Người muốn”.
    • Chương VII, câu 17-25: “Tôi cũng nhận được sự mãn nguyện khôn tả, vì xét rằng dòng Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô sẽ rất đông và vô số người với đời sống nhân đức hiếm có, thuộc mọi phái tính, mọi bậc sống, mọi quốc gia sẽ xin gia nhập. Họ được thôi thúc đặc biệt bởi động lực thánh thiện là muốn tỏ lòng biết ơn, kính trọng và noi gương Đức Giêsu-Kitô bị đánh đòn, chịu đau đớn, chịu Thương Khó trên Thánh Giá để cứu rỗi mọi người. Họ noi gương Người bằng sự hy sinh lao nhọc mà họ hiến dâng mỗi ngày…”.

b. Thư gởi cha Lesley, câu 7-8: văn bản này cũng do linh mục sử gia Adrien Launay ấn hành năm 1927, tr. 108-109, và được phiên dịch ra tiếng việt. Đức cha Lambert viết như sau: “Tôi thỉnh cầu Đức Thánh Cha phê chuẩn một dòng gồm những người Yêu Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô do tôi đề xuất, sau khi nhận thấy lòng sùng kính lớn lao của các tín hữu ở những địa phương này, là biểu lộ tâm tình tri ân đối với Chúa Cứu Thế đã chịu Thương Khó và chịu Chết Cứu Chuộc loài người. Tôi xin cha vì lòng yêu mến Chúa Giêsu-Kitô hãy cố sức vận động xin Tòa Thánh phê chuẩn cả hai bản quy luật kia, và ban cho những người nam nữ tuân giữ các quy luật ấy được thật nhiều ân xá, để cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục”.

c. Thư đệ trình Đức Giáo Hoàng Clêmemtê IX, câu 22-29: được lưu giữ trong Thánh Bộ Truyền Giáo, Archivio Storico, S.O.C.P. Indie Orientali, vol.3, tr. 148-149. Lá thư này Đức cha Lambert viết để gởi Đức Thánh Cha phúc trình về chuyến đi Đàng Ngoài năm 1669-1670, sau khi trở lại Xiêm La. Trong lá thư này, Đức cha Lambert có xin Đức Thánh Cha chuẩn nhận hai Hiệp Hội: Mến Thánh Giá Tại Thế và Dòng nữ Mến Thánh Giá. bản văn này cũng đã được dịch ra tiếng việt và đăng trong cuốn “Tiểu sử-Bút Tích, xuất bản tại TP.HCM, năm 1998, tr. 128-134. Đoạn văn được diễn tả như sau: “Con cũng đệ trình lên Đức Thánh Cha bản luật của hai Tu Hội: một Tu Hội đã được khởi xướng để giúp ích cho dân có đạo trong những địa sở của các miền truyền giáo. Thật vậy, vì có những người mang nặng một tình mến đặc biệt đối với Cái Chết và Thập Giá của Chúa Giêsu, nên không có gì hợp lý bằng việc cổ võ lòng sùng kính cao quí như thế. Dù rằng, Hiệp Hội này đã được khá nhiều người chấp nhận, nhưng vẫn cần sự phê chuẩn và các ân xá của Tòa Thánh, mà con kính xin Đức Thánh Cha khấng ban cho những ai gia nhập, để Hiệp Hội đạt được ân sủng viên mãn và sự vững mạnh cần thiết. Tu hội thứ hai được lập ra để mưu ích cho những phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài, mà từ nhiều năm rồi, dường như đang chờ đợi một ai đó chỉ vẽ cho họ con đường dẫn tới đời sống trọn lành hơn… Nếu hai Tu Hội này không bị từ chối, thì con khẩn khoản xin Đức Thánh Cha dùng quyền Giáo Hoàng xác nhận cả hai và vui lòng ban các ân xá”.

Quả thật, cả hai Tu Hội đã được Thánh Bộ Truyền Giáo phê chuẩn và ban các ân xá vào ngày 28-08-1678. Ngày 02-01-1679, chính Đức Thánh Cha Innocentê XI đã viết thư cho Đức cha Pallu ban ân xá cho cả hai Hiệp Hội nói trên. Điều đó chứng tỏ rằng cả hai Hiệp Hội đều được Tòa Thánh công nhận theo giáo luật lúc đó.

2. Trích từ nghị định của Thánh Bộ Truyền Giáo[1]

“Thánh Bộ Truyền Giáo đã họp khóa đặc biệt tại trụ sở Thánh Bộ, bàn về các vấn đề thuộc các miền truyền giáo Trung Hoa.

Mục 8: đối với lời thỉnh cầu ban Ân Xá cho những Huynh Đệ Đoàn do các vị Đại Diện Tông Tòa thiết lập tại Đàng Ngoài và Đàng Trong dưới danh hiệu Mến Thánh Giá tại những địa sở của các ngài, thì nên ban Ân Xá thông thường. Nói rõ hơn:

  • Ơn Toàn xá: vào ngày gia nhập, một ngày lễ trọng khác do vị Đại Diện Tông Tòa ấn định và lúc cận tử.
  • Ơn Tiểu xá: vào ngày lễ Hiển Linh, Truyền Tin, hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Thiên Thần Hộ Thủ và khi mỗi thành viên của những Huynh Đệ Đoàn nói trên thực thi cách thông thường các nhiệm vụ và các việc đạo đức.

Thánh Bộ đã chấp thuận nên ban Ân Xá theo đơn thỉnh cầu và kính chuyển tới văn phòng thư ký Thánh Bộ Ân Xá”.

3. Trích từ nghị quyết Công đồng Phố Hiến[2]

Những điều liên quan đến Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế trong nghị quyết Công đồng Phố Hiến tại điều 21 như sau:

“Các vị quản trị tỉnh hạt, các thầy giảng và các trùm trưởng hãy khuyến khích Dân Chúa tuân giữ đời sống khắc khổ và đi theo con đường nhỏ hẹp của Phúc Âm, khuyên họ tập nguyện ngắm và ít nhất nguyện ngắm chung với nhau trong nhà thờ vào các ngày lễ trọng. Trong bài suy gẫm đó, hãy đặc biệt nhắc lại các mầu nhiệm chính yếu của đức tin chúng ta. Nhưng hãy giới thiệu Hiệp Hội Mến Thánh Giá và các luật lệ cùng Quy chế với những ai mình xét thấy là phù hợp”.

4. Trích từ một số tác giả nói đến HHMTGTT

Theo Cha Giuse Đào Quang Toản: Đức cha Lambert đã lập Hiệp Hội này trong khoảng thời gian ngài sang Đàng Ngoài, từ tháng 8 năm 1669 đến tháng 2 năm 1670. Tuy nhiên, chúng ta chưa có tài liệu nào cho biết rõ hơn ngài lập vào lúc nào và nơi nào.[3]

Với Cha Jean Guennou thì cho rằng: vào năm 1667, lúc đang ở Juthia, Đức Cha Lambert bày tỏ ước nguyện muốn lập Dòng nữ Mến Thánh Giá. Khi sang kinh lý Đàng Ngoài, ngài lập Dòng nữ Mến Thánh Giá và trao cho các nữ tu bản luật ngài đã soạn thảo tại Juthia.[4] HHMTGTT được gọi là Dòng Ba Mến Thánh Giá đã được Đức Cha Lambert thành lập ở Juthia[5] với một bản luật viết tại đó, trước khi ngài thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá ở Đàng Ngoài năm 1670”.

Tuy nhiên, chương giáo đầu của Dòng Mến Thánh Giá cho phép chúng ta hình dung ra diễn tiến cuộc tiếp xúc của Đức cha Lambert với nhóm phụ nữ  đạo đức ở Đàng Ngoài, từ lâu muốn sống đời tu trì như sau: Đức cha Lambert giới thiệu với họ HHMTGTT và bản luật ngài đã soạn thảo tại Juthia. Họ bày tỏ ước nguyện được gia nhập Hiệp Hội ấy.[6] Nhưng “vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô thúc bách, họ tỏ rõ lòng nhiệt thành muốn biết phải làm thế nào để hoàn toàn hiến thân phụng sự Thiên Chúa”, nghĩa là họ muốn được sống đời thánh hiến như  những nữ tu sống chung với nhau trong tu viện. Đức cha sẵn lòng đáp ứng bằng cách chấp nhận cho nhóm của họ trở thành “một tu hội đặc biệt mang danh hiệu Dòng nữ Mến Thánh Giá Con Thiên Chúa”.[7]

Câu ghi cuối cùng bản dịch Pháp ngữ của luật Dòng nữ Mến Thánh Giá: “… làm tại Đàng Ngoài, ngày… tháng 2 năm 1670” cho phép hiểu rằng ngài đã soạn thảo bản văn này tại Đàng Ngoài. Vì trước khi rời Đàng Ngoài để trở về Xiêm La, Đức cha Lambert đã nhận thấy những tâm tư tốt đẹp của người Việt Nam Đàng Ngoài đối với đời sống tu, ngài nói: “Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những người đã lập gia đình, tự ý xa cách nhau để chỉ chăm lo công việc Thiên Chúa và giữ tiết dục vĩnh viễn. Chúng tôi được sự an ủi khi thấy nhiều bà đạo đức đã khấn hứa sống một đời sống thánh thiện với nhau”.[8] Linh mục sử gia A. Launay cũng nghĩ như vậy.[9] Nhất là chính lá thư Đức cha Lambert đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Clêmente IX đề cập tới những quy luật được ban thêm cho nhóm phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài.[10] Chúng ta có thể hiểu rằng Đức cha Lambert thêm những quy luật mới ấy vào chất liệu có sẵn trong luật Mến Thánh Giá Tại Thế, để từ đó soạn ra bản luật cho tu hội mới là Dòng nữ Mến Thánh Giá. Như thế, chúng ta có lý để chấp nhận ý kiến của sử gia A. Launay.

Những điều sắp trình bày tiếp sau đây củng cố thêm cho kết luận này.

Nếu so sánh hai bản luật của Mến Thánh Giá Tại Thế và nữ Mến Thánh Giá, người ta sẽ thấy chúng đều mang một linh đạo giống nhau, những việc khổ chế và đạo đức giống nhau:

  • Suy gẫm hằng ngày về sự Thương Khó Chúa Giêsu.[11]
  • Đánh tội hằng ngày trong khi đọc Thánh Vịnh Sám Hối.[12]
  • An chay mọi ngày thứ sáu.[13]
  • Cử hành sốt sắng đặc biệt phụng vụ Tuần Thánh và ba ngày lễ: Cắt Bì, Tìm Thấy Thánh Giá và Suy Tôn Thánh Giá.[14]

Hai bản văn cũng được soạn thảo theo một bố cục giống nhau: phần mở đầu nêu lên một chân lý cơ bản làm nền tảng cho linh đạo Mến Thánh Giá. Các phần tiếp theo xác định mục đích, nhiệm vụ và một số quy tắc mà các thành viên phải tuân giữ.

Những điểm dị biệt tất yếu nằm trong các tổ chức đời sống hằng ngày và sinh hoạt các thành viên. Phía nữ tu có ba lời khấn, có Bề trên, có đời sống chung và những sinh hoạt tông  đồ cụ thể do Đấng Sáng Lập xác định rõ ràng.[15] Phía các Giáo dân thuộc Mến Thánh Giá Tại Thế không có ba lời khấn tu trì, nhưng chỉ khấn giữ bản luật của Hiệp Hội, với công việc tông đồ độc đáo là xây dựng hoà bình, hoà giải và thực thi đức bác ái hoàn hảo đối với kẻ thù.[16]

Như thế, các Bút Tích của Đức cha Lambert cho thấy HHMTGTT là hoa quả của một khát vọng sâu sắc, đã xuất hiện từ thời niên thiếu như một ý lực chi phối toàn bộ đời sống thiêng liêng và tông đồ của ngài. Bản luật cũng như linh đạo của HHMTGTT đã trực tiếp gợi hứng cho việc hình thành bản luật tiên khởi của Dòng nữ Mến Thánh Giá.

Hội Tông Đồ thì yểu mệnh, HHMTGTT đã sớm mai một theo thời gian, chỉ còn lại Dòng nữ Mến Thánh Giá tồn tại dẻo dai với Giáo Hội Việt Nam qua bao thăng trầm lịch sử.


 

[1] Trích Nghị Định của Thánh Bộ Truyền Giáo ngày 28-08-1678, trong AMEP., vol. 204, tr. 461; vol. 276, tr. 97; A. LAUNAY, Documents historiques relatifs  la Socit des Missions trangres, Paris, 1904, tr. 76; Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques I, (1658-1717), Paris, Maisonneuve, 1927, tr. 108-109.

[2] Bản văn Latinh trong Thánh Bộ Truyền Giáo, Archivio Storico, S.O.C.P., Indie Orientali, vol.3, tr. 150b-152; Bản văn song ngữ Pháp-Latinh trong A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques I, (1658-1717), Paris, Maisonneuve, 1927, tr. 92-100; Bản văn tiếng Pháp trong Amep., vol. 677, tr. 207; vol. 663, tr. 25.

[3] Trích từ bài góp ý về Hiệp Hội Mến Thánh Giá của Cha Giuse Đào Quang Toản.

[4] J. GUENNOU, Les Missions Étrangères, Paris, 1963, tr. 148 và 164.

[5] Ltt I,6.

[6] Ltk I,4,5.

[7] x. Ltk I,6-7; Clem 26-27.

[8] A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine: documents historiques:1658-1728, Paris, Téqui, 1923, tr. 96-100.

[9] A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine: documents historiques, sđd., tr. 97.

[10] x. Clem 27.

[11] Ltt IV,3; Ltk., IV, 8b .

[12] Ltt IV,4; Ltk., IV, 8b .

[13] Ltt IV, 5a ; Ltk IV, 12.

[14] Ltk IV, 5b; Ltk 10.

[15] x. Ltk III, 1-14.

[16] x. Ltt IV, 6.

 

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube