Dòng Mến Thánh Giá của các chị do Đức cha Lambert de la Motte sáng lập. Ngài đã truyền đạt cho các chị đặc sủng Mến Thánh Giá mà chính ngài đã nhận được từ Thiên Chúa. Các chị tìm hiểu về đấng sáng lập của mình là điều rất đúng và rất tốt.
Tuy nhiên, ngoài đấng sáng lập ra, còn có rất nhiều vị khác đã gìn giữ, xây dựng và phát triển hội dòng nữ này suốt dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Không có họ, chắc chắn dòng Mến Thánh Giá đã không thể tồn tại mà góp phần phục vụ Tin Mừng trên phần đất quê hương, như dòng đã thực hiện được một cách đáng ca ngợi. Thực vậy, bên cạnh Đức cha Lambert còn có các Đức cha Pallu, rồi Laneau, Bourges và Deydier. Sau đó, tuần tự theo thời gian là các vị đại diện tông tòa khác. Tại Đàng Ngoài thì có các Đức cha Néez Lui, Longer Gia, Retord Liêu, Marcou Thành, Cooman Hành, v.v. Tại Đàng Trong thì có các Đức cha Carôlô Labbé, Bá Đa Lộc, Gioang Labartette, Cuenot Thể, Lefebvre Ngãi, Grangeon Mẫn, thừa sai Gernot Quí, v.v…Qua tập viết này, tôi hân hạnh giới thiệu Đức cha Pallu trong những gì có liên hệ tới dòng Mến Thánh Giá. Tôi không có tham vọng trình bày đầy đủ về vị giám mục đầu tiên của xứ Đàng Ngoài, dù ngài là một nhân vật rất hy hữu. Tôi chỉ có ý nêu ra đây những đóng góp của ngài cho dòng Mến Thánh Giá.
Chúng ta có thể thấy rằng chính ngài là người đã đem lại cho dòng Mến Thánh Giá, mà Đức cha Lambert đã lập ra, một sự hiện hữu chính thức trong Giáo Hội, qua sự công nhận của Tòa Thánh và giáo luật. Điều này rất quan trọng, giúp cho dòng Mến Thánh Giá giữ vững được vị trí và căn tính của mình qua những thay đổi do thời gian đem lại. Thay đổi về tổ chức truyền giáo, nhân sự, chính trị, địa lý, văn hóa, v.v.
Những người viết tiểu sử Đức cha Pallu không đề cập bao nhiêu về điểm này. Vì nói thật ra, những điều mà ngài đã thực hiện được để xây dựng các Giáo Hội địa phương tại Đông Nam Á, cách riêng là Việt Nam, nhất là khi ngài ở Rôma, thì thật là to lớn, so với những điều liên quan tới dòng Mến Thánh Giá.