Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi xóa bỏ nạn nghèo đói để tiến tới sự bài trừ nạn bóc lột sức lao động của trẻ em.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến hôm 19 tháng Mười Một năm 2021, dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế, về đề tài: “Loại bỏ nạn lao động trẻ em, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Hội nghị do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện và Tổ chức Lương nông quốc tế, FAO, ở Roma, cùng tổ chức ở Roma. Có nhiều tham dự viên khác ở các nước tham gia dưới dạng trực tuyến.
Đức Thánh cha nhận xét: “Thật là điều gây ngỡ ngàng và khó chịu, vì trong các nền kinh tế hiện nay, các hoạt động sản xuất sử dụng những kỹ thuật được canh tân, đến độ người ta nói về “cuộc cách mạng công nghệ thứ tư”, thế mà nhiều nơi trên thế giới vẫn còn việc sử dụng trẻ em trong các công việc lao động. Điều này gây rủi ro cho sức khỏe, an sinh thể lý và tâm lý của các em, tước đoạt quyền của các em được giáo dục và sống tuổi thơ trong vui tươi và thanh thản. Đại dịch càng làm cho tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Bóc lột sức lao động trẻ em trong các tiến trình kinh tế hoàn cầu hóa để mưu lợi nhuận và thu nhập cho người khác, đó là phủ nhận quyền của các trẻ em được sức khỏe, giáo dục, tăng trưởng hài hòa, bao gồm cả quyền được chơi đùa và mơ ước. Đó là cướp mất tương lai của các trẻ em và của chính nhân loại. Đó là làm thương tổn phẩm giá con người”.
Đức Thánh cha nhìn nhận rằng “chính nạn nghèo đói cùng cực, thiếu việc làm và sự tuyệt vọng từ đó của các gia đình, là những nhân tố làm cho trẻ em dễ bị bóc lột sức lao động nhất. Nếu chúng ta muốn loại trừ tai ương trẻ em phải lao động, chúng ta phải cùng nhau làm việc để xóa bỏ nghèo đói, để sửa chữa những sai trái trong hệ thống kinh tế hiện nay, một hệ thống tập trung sự giàu có trong tay một số ít. Chúng ta phải khích lệ các quốc gia và các tác nhân trong giới chủ xí nghiệp kiến tạo cơ hội làm việc xứng đáng, với đồng lương công bằng, giúp thỏa mãn các nhu cầu của các gia đình, để con cái họ không buộc lòng phải làm việc. Chúng ta phải chung nỗ lực để tạo điều kiện cho mỗi nước có một nền giáo dục có chất lượng, miễn phí cho tất cả mọi người, cũng như một hệ thống y tế mà mọi người có thể được hưởng không phân biệt”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org