Trước hết về khả năng xây dựng xã hội, Đức Thánh Cha nói rằng thể thao dạy chúng ta giá trị của tình huynh đệ. Chúng ta không phải là những hòn đảo. Trên sân đấu, không quan trọng việc các vận động viên đến từ đâu, nói ngôn ngữ và văn hoá nào. Điều quan trọng là cam kết và mục tiêu chung. Sự kết hợp trong thể thao này là một ẩn dụ mạnh mẽ cho cuộc sống, nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù có những khác biệt, tất cả chúng ta đều là thành viên của cùng một gia đình nhân loại. Thể thao có sức mạnh liên kết mọi người, không tuỳ thuộc vào khả năng thể chất, kinh tế hay xã hội. Thể thao là một công cụ hòa nhập phá vỡ các rào cản và ca ngợi sự đa dạng. Công đồng Vatican II cũng nhấn mạnh rằng thể thao có thể “giúp thiết lập các mối quan hệ huynh đệ giữa con người thuộc mọi hoàn cảnh, thuộc các quốc gia hoặc chủng tộc khác nhau” (Gaudium et spes, 61).
Tiếp đến, trong các cuộc thi đấu thể thao, người ta phải tôn trọng các quy tắc. Về điều này, Đức Thánh Cha nhắc lại: “Chiến thắng với sự khiêm tốn và đón nhận thất bại với phẩm cách là những giá trị mà thể thao dạy và phải được thực hành trong cuộc sống hàng ngày để xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn”.
Giá trị tiếp theo của thể thao, theo Đức Thánh Cha, là giúp chúng ta đối diện với những giới hạn bằng sự kiên nhẫn và quyết tâm. Ngài nói: “Mỗi vận động viên, qua kỷ luật và cam kết dạy chúng ta rằng với niềm tin và sự kiên trì chúng ta có thể đạt được những mục tiêu mà chúng ta không bao giờ nghĩ là có thể đạt được. Thông điệp hy vọng và can đảm này rất quan trọng đặc biệt đối với người trẻ”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khích lệ các vận động viên Vatican hãy xem thể thao như một hành trình cuộc sống giúp mọi người xây dựng một cộng đoàn liên đới, và để mang lại các giá trị của đời sống Kitô, đó là lòng trung thành, hy sinh, tinh thần đồng đội, dấn thân, hoà nhập và khổ luyện.
Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va