Trong buổi tiếp kiến 400 thừa sai lòng thương xót, sáng ngày 25 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô nhắn nhủ các vị hãy bày tỏ khuôn mặt thương xót của Chúa cho mọi người và xa tránh mọi hình thức phán xét hối nhân.
Các linh mục thừa sai lòng thương xót vừa kết thúc Đại hội thế giới kỳ III do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng tổ chức tại Roma, từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Tư vừa qua.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, tại Đại thính đường Phaolô VI sau lời chào mừng của Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, trưởng ban tổ chức đại hội, Đức Thánh cha bày tỏ vui mừng vì con số các thừa sai lòng thương xót liên tục gia tăng trong Giáo hội và hiện lên tới hơn 1.040 vị. Ngài đặc biệt bình giải về sách bà Ruth trong Cựu ước, và nêu bật tấm gương của bà tận tụy săn sóc Noemi, bà mẹ chồng già nua và cô thân cô thế. Nghĩa cử tốt lành của bà Ruth đã đánh động lòng cảm mến của nhà phú hộ Booz và ông kết hôn với bà. Do cuộc hôn nhân này, bà Ruth đã trở thành bà của vua Đavit sau này.
Đức Thánh cha nhận xét rằng “mỗi cử chỉ từ nhân của bà Ruth đối với bà Noemi trở thành dấu chỉ sự gần gũi và từ nhân của Chúa. Qua hình ảnh đó, cả chúng ta cũng được mời gọi đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của con người. Chúng ta có nghĩa vụ, qua thừa tác vụ của mình, mang lại một tiếng nói cho Thiên Chúa: Chúng ta, các thừa sai lòng thương xót, mang lại một tiếng nói cho Thiên Chúa và tỏ lộ khuôn mặt từ bi của Người. Một người gặp một trong các anh em phải thay đổi tâm tình, tư tưởng về Thiên Chúa, làm sao họ có thể nói: Bây giờ, với vị thừa sai này, tôi hiểu, tôi cảm thấy Thiên Chúa là ai. Đừng bao giờ quên rằng trong cuộc sống hằng ngày của con người, Thiên Chúa không hành động qua những hành vi đảo lộn, nhưng một cách âm thầm, kín đáo, đơn sơ, đến độ Chúa tỏ mình qua những người trở thành bí tích sự hiện diện của Chúa. Anh em chính là bí tích sự hiện diện của Thiên Chúa”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi xin anh em hãy đẩy xa mọi hình thức phán xét và luôn đặt lên trên ý muốn cảm thông với người đang đứng trước mặt anh em. Đừng bao giờ dừng lại nơi một điểm riêng rẽ, nhưng hãy nhìn tổng quát cuộc sống của họ. Đó là một người đang quì trước mặt anh em để xin tha thứ! Tôi là ai mà không tha thứ? Đừng nói giáo luật dạy thế này, vì thế tôi không có thể tha thứ…!
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org