Với chúa nhật 12/07/2020 này, ĐTC Phanxicô đã qua được gần 2 tuần nghỉ hè. Như những năm trước đây, trong tháng 7, các buổi tiếp kiến của ĐTC đều bị ngưng lại và ngài chỉ duy trì buổi đọc kinh Truyền Tin mỗi trưa Chúa Nhật để các khách hành hương và tín hữu có thể thấy ngài.
Hoạt động công khai của ĐTC giảm đến mức tối thiểu
Trong tháng 8, ĐTC tái lập các buổi tiếp kiến chung những ngày thứ tư, nhưng có thể vẫn là những buổi tiếp kiến trực tuyến giống như trong những tháng vừa qua vì đại dịch Covid-19. Nước Ý chưa mở cửa đối với các nước ngoài Âu Châu và tình hình chưa thể nói trước vì tại nhiều nước trên thế giới mức độ lan lây của Coronavirus vẫn còn mạnh. Dầu sao các hoạt động của ngài ĐTC cũng giảm bớt tới mức tối thiểu, và nhất là từ nay đến cuối năm, không có chương trình viếng thăm nào của ĐTC được thông báo, ở nước ngoài cũng như tại Ý.
Thói quen không nghỉ hè
ĐGH Phanxicô vốn nổi tiếng là không nghỉ hè và thói quen này đã có từ thời trước khi ngài làm giáo hoàng. Lần cuối ngài nghỉ hè là năm 1973, tức là cách đây đã 47 năm, rất lâu trước khi ngài làm giám mục và ít lâu sau khi ngài khấn trọng trong dòng Tên.
Thực vậy, trong chuyến bay từ Hàn quốc trở về Roma hồi mùa hè năm 2014, ĐTC tiết lộ: ”Lần cuối cùng tôi nghỉ hè ngoài thành Buenos Aires, cùng với cộng đoàn dòng Tên, là vào năm 1973. Tôi vẫn luôn nghỉ hè, nhưng tại nhà tôi; tôi thay đổi nhịp sống, ngủ nhiều hơn, đọc những gì tôi muốn; tôi nghe nhạc, dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện… và điều này làm cho tôi thoải mái hơn”.
Tuy nhiên nhiều người vẫn thắc mắc: vậy ĐTC làm gì trong hai tháng hè này? Không có thông cáo nào của phòng báo chí Tòa Thánh về vấn đề này.
Đau thần kinh tọa
Mùa hè cách đây 2 năm (2018), tuần báo ”Famiglia cristiana” (Gia đình Kitô) ở Ý cho biết ĐTC Phanxicô dành một phần thời khóa biểu thu hẹp của ngài trong mùa hè để chữa bệnh thần kinh tọa, một thứ bệnh gây đau đớn không ít. Từ lâu ai cũng thấy ĐTC Phanxicô đi lại với phần nào khó khăn, và ngài không bái quì hoặc quì gối được, kể cả trước Thánh Thể. Những chi tiết này chứng tỏ ngài vẫn có vấn đề với đôi chân.
ĐTC tiết lộ ngài bị đau thần kinh tọa lần đầu tiên hồi tháng 7 năm 2013, trong cuộc họp báo trên truyền bay từ Rio de Janeiro Brazil trở về Roma, sau Ngày Quốc Tế giới trẻ. Trả lời câu hỏi của một ký giả về sức khỏe của Ngài, ĐTC nói: ”Điều tệ hại nhất xảy ra cho tôi là một cơn đau thần kinh tọa mà tôi đã bị trong tháng đầu tiên, vì lúc ấy tôi đang ngồi trên một ghế bành để trả lời phỏng vấn và bị đau. Đau thần kinh tọa thật là rất thấm thía, rất đau! Tôi mong ước không một ai bị như vậy!”.
Thói quen nghỉ hè của các vị Tiền Nhiệm
Với thói quen trên đây, cách nghỉ hè của ĐTC Phanxicô khác hẳn các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm.
Mùa hè ở Roma thật nóng bức, ẩm thấp và khó thở, nên người ta thường tìm đến những nơi thoáng khí hơn. Thời xa xưa, hoàng đế Domitiano của La Mã, sau khi lên ngôi vào năm 81 sau Chúa Cứu thế giáng sinh, đã cho kiến thiết một dinh thự tại địa điểm ngày nay là Castel Gandolfo và hiện vẫn còn di tích tại đây, mặc dù sau khi hoàng đế bị ám sát vào năm 96, biệt thự huy hoàng của ông đã bị bỏ hoang và trở thành đối tượng cho các vụ cướp phá đủ loại cho tới thế kỷ 17.
Castel Gandolfo
Thời trung cổ, các vị giáo hoàng cũng thường tìm cách tránh cái nóng nực ở Roma và tới khu vực Castel Gandolfo, vừa thoáng khí vừa có phong cảnh đẹp đẽ hơn. Đây là thị trấn cách Roma lối 25 cây số, và có cảnh trí thật đẹp ở cao độ 420 mét, cạnh hồ Albano, xưa kia là núi lửa.
Đức giáo hoàng Piô XII là người đã dần dần biến Castel Gandolfo thành nơi làm việc, chứ không còn là nơi nghỉ ngơi, như trước đây nữa. Ngài chuyển thời khóa biểu từ Vatican tới đây, với các buổi tiếp kiến, các buổi canh thức cầu nguyện, nghiên cứu các hồ sơ và chuẩn bị các văn kiện Tòa Thánh. Trong thời thế chiến thứ 2, vào năm 1994, hàng ngàn người dân đã chạy vào khu vực Castel Gandolfo để tránh các cuộc dội bom, vì khu vực này thuộc Quốc gia thành Vatican, một nước trung lập. Nhiều phụ nữ đã sinh con tại Castel Gandolfo trong lúc tị nạn, và để biết ơn ĐGH, có 40 hài nhi sinh tại đây được cha mẹ đặt tên là Eugenio là tên rửa tội của Đức Piô XII.
Không để Castel Gandolfo bị bỏ hoang
ĐGH Phanxicô đã quyết định không đến nghỉ Castel Gandolfo trừ 2 lần viếng thăm chớp nhoáng hồi đầu triều đại giáo hoàng, nên các du khách có thể viếng thăm dinh thự này quanh năm. Họ có thể nhìn nhắm các bức chân dung của 51 vị Giáo Hoàng, những bức tranh cổ, và đặc biệt là căn phòng đơn sơ dành cho ngài.
Tuy ĐTC Phanxicô không đến dinh thự ở Castel Gandolfo, nhưng các vị hữu trách không muốn để nơi này bị uổng phí. Như ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đặc trách quốc gia thành Vatican cho biết ĐTC Phanxicô đã chấp thuận lời thỉnh cầu của nhiều du khách, và cho mở cửa dinh thự để khách có thể viếng thăm nơi cư ngụ của các vị Giáo Hoàng trước đây tại nơi này. Du khách cũng có thể viếng phòng làm việc của ĐGH Biển Đức XVI, trên bàn còn cuốn từ điển thần học bằng tiếng Đức, cuốn niên giám Tòa Thánh màu đỏ và vài cuốn sách.
Nhưng không có du khách nào được viếng hồ tắm nhỏ trong dinh Giáo Hoàng: khi Đức Gioan Phaolô II mới được bầu làm Giáo Hoàng, các tín hữu Công Giáo Canada gốc Ba Lan đã tặng cho ngài hồ tắm này. Hồi đó ngài mới 58 tuổi và các bác sĩ khuyên ngài chịu khó chơi thể thao, vì thế ngài cũng chơi quần vợt và sử dụng hồ tắm.
Việc xây hồ tắm này hồi đó bị dư luận xì xèo, vì cho là phí phạm tiền của Tòa Thánh, nhưng Đức Gioan Phaolô II trả lời thẳng: ”Một hồ tắm khiêm nhượng này vẫn ít tốn kém hơn nhiều so với phí tổn tổ chức thêm một mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng”. Ngài ám chỉ đến sự kiện ĐGH Gioan Phaolô I qua đời sau 33 ngày làm Giáo Hoàng và Tòa Thánh bị tốn phí nhiều sau hai mật nghị bầu Giáo Hoàng sát nhau. Hồ tắm này trở thành nơi tập luyện rất tốt cho việc chỉnh hình chân phải của ngài sau khi gặp nạn.
Tại Castel Gandolfo, ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã viết nhiều văn kiện, và trong thập niên 1990, ngài cũng cho tổ chức cả các cuộc hội thảo triết học và chính ngài cũng tham dự. Cả ĐGH Biển Đức XVI cũng biến Castel Gandolfo thành nơi làm việc kỳ hè, và cho tổ chức các cuộc gặp gỡ của các cựu sinh viên của ngài và ngài đích thân tham dự.
Bài viết của G. Trần Đức Anh OP
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va