Phụ Nữ Trong Kinh Thánh – Người Nữ Giao Tế

PHỤ NỮ TRONG KINH THÁNH – NGƯỜI NỮ GIAO TẾ

Mẫu người này thích hợp với các tương quan giữa những người trưởng thành với nhau, trong việc chia sẻ hỗ tương, việc cộng tác với tư cách là vợ chồng, là đồng nghiệp hoặc là thầy trò. Chúng ta có thể gặp thấy mẫu người này trong các bài Kinh Thánh trình thuật về những cặp vợ chồng. Điều đáng lưu ý là trong bài trình thuật St 2,18-25, Thiên Chúa dựng nên người đàn bà làm “một trợ tá tương xứng với con người”, một người bạn và cộng sự viên của A-đam. Đoạn này đưa ra nguyên lý hôn nhân, cho thấy cặp vợ chồng đầu tiên của loài người, nhưng lại không nói đến vấn đề sinh sản (đã đề cập ở 1,26-28), mà đặt trọng tâm ở vấn đề giao lưu, kết hợp – ít ra là cho phía A-đam.

Nhưng đoạn văn này lại quá khuynh nam, và tiếc rằng nó đã kéo theo nhiều điều thiệt thòi cho phụ nữ. Có lẽ vào thời bản văn được biên soạn, xã hội đã thấy cần lập ra một trật tự nào đó : người nữ ở cấp thứ, dưới quyền người nam ; có thể nhu cầu này chỉ ở tiềm thức (trình thuật có tính tầm nguyên). Trong Tân Ước, hậu quả của quan niệm này là các chương Ep 5 ; 1 Tm 2 ; 1 Cr 11.

Thật ra, không có nhiều bản văn Kinh Thánh nói về đàn bà với tư cách là vợ, tuy các bà thường được gọi là “vợ ông…”, và con gái trưởng thành mà chưa chồng thì không có chỗ đứng, không được kể đến trong xã hội.

Bà Xa-ra được Kinh Thánh tả rõ nét với tư cách là vợ hơn là mẹ : bà rất khôn lanh, biết ý chồng và biết làm cho chồng chiều ý mình ; gần như có thể coi bà là gương mặt tượng trưng cho người đàn bà điều khiển chồng. Với những người đàn bà này, ít khi có đối thoại hai chiều – mà đối thoại lại là chính yếu trong tương quan bạn đời của nhau (St 16 và 21). Điều đặc biệt là những người đàn bà điều khiển chồng hay bị dị nghị, như Hoàng Hậu I-dơ-ven (“Giê-da-ben”) trong 1 V 21. Trong câu chuyện bà An-na, đáng lý ra có thể có một tương quan hai chiều giữa ông En-ca-na và vợ vì ông yêu bà một cách vô vị lợi (đã có bà Pơ-nin-na để sinh con trai cho ông rồi). Nhưng bà An-na, như ta đã thấy trên, lại không thoả mãn nếu chỉ là người vợ được yêu. Có lẽ bà là mẫu người làm mẹ hơn, và cũng có lẽ vì ức chế xã hội không cho phép bà sống theo mẫu người phụ nữ giao tế.

Một người đàn bà hấp dẫn ở điểm này là bà A-vi-ga-gin, vợ ông Na-van, và sau khi chồng chết, đã trở thành vợ của Đa-vít (1 Sm 25). Bà duyên dáng, trung trực, khéo léo, vẫn giữ được nữ tính của mình trong một đời sống gia đình không có trao đổi song phương. Theo các chi tiết của câu truyện, bà rất giỏi về giao tế, có lẽ như người phụ nữ Sa-ma-ri của Tân Ước, đã trò chuyện với Đức Giê-su như người ngang hàng.

Những phụ nữ đức hạnh có giao tiếp với đàn ông không phải là chồng mình thì rất hiếm. Có Nữ Hoàng Sa-ba đến yết kiến Vua Sa-lô-môn (1 V 10), nhưng đây là một phụ nữ nước ngoài.

Trong Cựu Ước nói chung, người đàn bà nào có việc ra khỏi nhà là bị nghi kỵ ngay, coi như có thể trở thành lẳng lơ, ngoại tình (Cn 5-7 ; x. thêm Hc 9 ; 25 ; 42 ; nhưng cũng có Hc 26 ; 36 ; Cn 31). Đàn bà xã giao luôn luôn là một vấn đề cho đàn ông, nên có rất nhiều hình ảnh tiêu cực. Những bức chân dung “người đàn bà xa lạ” hay gái điếm rất linh động, với nhiều chi tiết : như thể các tác giả lấy làm thích thú khi mô tả họ trước khi kết án ! Hậu quả rất xấu cho người nữ nào muốn cộng tác với người nam, vì đâu phải phụ nữ nào cũng lẳng lơ ! Trầm trọng hơn nữa là chính các ông ngôn sứ đã chọn hình ảnh người đàn bà bỏ nhà ra đi để làm biểu tượng cho Ít-ra-en mang tội chối bỏ Thiên Chúa. Đầu tiên là ngôn sứ Hô-sê (1-3), rồi đến I-sai-a, Giê-rê-mi-a và nhất là Ê-dê-ki-en (16).

Thiên Chúa là người chồng trung tín luôn luôn tha thứ người vợ là Ít-ra-en, và nếu Người có làm cho Ít-ra-en đau khổ thì cũng chỉ là để cho thấy Người yêu nó biết bao. Ẩn dụ lạ lùng và cảm động này (nhất là Hs 2) có một khía cạnh làm hại cho người nữ khá nhiều, vì tương quan Thiên Chúa – Ít-ra-en luôn theo sơ đồ Thiên Chúa = người chồng ; Ít-ra-en = người vợ. Có bao giờ chúng ta thấy trình bày Ít-ra-en như người chồng phản bội vợ, và Thiên Chúa như người vợ trung thành tha thứ cho người chồng thất tín đâu ! Luôn luôn kẻ có tội là người đàn bà – mà từ Ít-ra-en lại là giống đực trong nguyên ngữ Híp-ri ! (x. Hc 25,24). Và Tân Ước vẫn giữ lại cách suy nghĩ với những hình ảnh của thời ấy : Đức Giê-su là Tân Lang, Giáo Hội là Tân Nương. Thật ra, Rm 5,12 đã sửa lại : “Vì một người duy nhất (anthropos) mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian” ; vậy là tội chung của cả hai.

Trong Tân Ước, có hai gương mặt : người phụ nữ Sa-ma-ri và cô Ma-ri-a Mác-đa-la.

Người phụ nữ Sa-ma-ri cần có một người trưởng thành  – và ở trường hợp này, là người đàn ông- để thành đạt với tư cách là con người. Cuộc gặp gỡ giữa cô với Đức Giê-su là một sự trao đổi người với người, trong đó các vấn đề thần học chỉ được đề cập một khi đã bắt đầu có tương quan. Có thể nói dường như Đức Giê-su lấy làm thích thú nói chuyện với người phụ nữ vui vẻ, nhanh nhẹn, thông minh này. Có nhà chú giải lưu ý rằng hình ảnh gặp gỡ nhau bên một cái giếng gợi nhớ nhiều cuộc tình duyên trong Cựu Ước. Thật ra, Đức Giê-su khéo léo chuyển câu chuyện giữa hai người theo một hướng mới : “Chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4,18). Tương giao nam-nữ cũng như mẹ-con phải đi vào một mẫu hoàn toàn mới là tình thầy – môn đệ. Cuối câu truyện, người đàn bà được được soi sáng bởi những điều cô đã khám phá nơi Đức Giê-su, Đấng đã cư xử với cô như với một người đàng hoàng và chấp nhận con người của cô : cô nhận ra “Người là ngôn sứ” (c.19). Nhờ đó, cô sẽ có thể đem tất cả năng lực của mình hướng ngoại, hướng tha nhân, tung Tin Mừng cho những người cùng ở trong thành với cô.

Gương mặt thứ hai có thể là cô Ma-ri-a Mác-đa-la. Nói ‘có thể’ vì thật ra, nếu chỉ dựa vào Tin Mừng thì chúng ta biết rất ít về cô. Tên cô luôn đứng đầu tên các nữ môn đệ, cho thấy cô có một vị trí quan trọng, nhưng không nêu lên một nét đặc thù nào của con người cô. Cô đã đuợc Đức Giê-su chữa lành khỏi một căn bệnh nặng hoặc khỏi những cơn rối loạn tâm thần, do một phép lạ ly kỳ (Mc 16,9 ; Lc 8,2). Nhưng chúng ta không biết cô lúc đó mấy tuổi, ngoại hình ra sao, có những năng khiếu nào. Mặc dù truyền thống đã cố gắng thu gom lại nhiều “Ma-ri-a”, chúng ta không thể đồng hoá cô với Ma-ri-a Bê-tha-ni-a, hoặc với người đàn bà tội lỗi trong Lc (nghĩa là không có bằng chứng nào nói rằng cô là một “cô gái hoàn lương”), cũng không đồng hoá được với người phụ nữ đã xức dầu cho Đức Giê-su trước ngày khổ nạn. Cô thuộc nhóm người đi theo Chúa ở Ga-li-lê, có mặt khi Chúa chịu đóng đinh, và là một trong những phụ nữ đầu tiên được thấy Chúa Phục Sinh. Bài trình thuật của thánh Gio-an về buổi gặp gỡ giữa cô và Chúa Phục Sinh gợi nhắc tình thân mật giữa hai người, qua hai lời rất đơn giản : “Ma-ri-a !” và “Ráp-bu-ni !” Những gì tiếp theo sau phụ hoạ đoạn Đức Giê-su gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri. Nơi cô, lòng khát khao được đến gần Chúa cách trực tiếp cũng được Đức Giê-su chuyển sang một hướng mới là tương quan chứng nhân, được lồng vào tình thầy – môn đệ. Như người phụ nữ Sa-ma-ri, cô sẽ đi chia sẻ tin vui với người khác.

Chính với Ma-ri-a Mác-đa-la mà thường hay xuất hiện vấn nạn liên quan đến tính dục trong các mối tương quan giữa Đức Giê-su và phụ nữ. Chúng ta có thể bàn luận ở đây. Nhiều người đã bình luận, đã đi xa hơn những gì được viết trong Tân Ước. Đề tài tính dục nơi Đức Giê-su không bao giờ được nhắc đến trong Tân Ước, và nếu chúng ta “đọc giữa các hàng chữ” thì đây là một chuyện khó nghĩ, bởi khi chúng ta đặt câu hỏi cho bản văn thì chúng ta cũng đưa vào đó những tiền giả định của riêng cá nhân mình, và như thế, vô hình trung, đưa vô đó những lo âu của chúng ta. Nói cách tích cực, chúng ta có thể an tâm dựa trên dữ kiện căn bản sau đây : tính dục là một yếu tố cấu tạo nên bản tính nhân loại của chúng ta, là một thành phần cấu tạo con người và sự nghiệp của chúng ta. Chúng ta phải “thương lượng” với nó, coi nó vừa là bạn vừa là thù ; chúng ta không thể gạt nó qua một bên, nếu vậy, nó sẽ là một nguy cơ làm hại chúng ta. Ở điểm này, Đức Giê-su cũng đã phải sống như bất cứ ai trong chúng ta. Nhưng có người đặt vấn đề xa hơn : một người đàn ông thật sự phải trải qua kinh nghiệm giao hợp, và họ nghĩ rằng nếu Đức Giê-su là người thật, thì Chúa cũng đã trải qua kinh nghiệm này (x. trong phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giê-su”).

Quả thật Tân Ước không nói rõ ràng là Đức Giê-su không có lập gia đình, nhưng có những bằng chứng gián tiếp, cũng như chiều hướng giáo huấn của Người, cho phép chúng ta khẳng định điều đó. Đức Giê-su có sứ mạng đi rao giảng, rày đây mai đó, nên từ các bài trình thuật về Người, toát ra hai điểm rõ rệt. Một là không có chỗ nào ám chỉ một lối sống bê tha, dù dưới hình thức nào, trong nhóm người đi theo Chúa : nếu có chút gì khả nghi về mặt này thì các đối thủ của Chúa đã khai thác ngay. Trong Tin Mừng, chiến dịch vu khống nặng nề nhất để chống đối Chúa là nói rằng “Đây là tay ăn nhậu” (Mt 11,19). Kế đến là qua các bài trong Tin Mừng, không thấy có sự lang chạ cũng như không có sự dồn nén nơi Đức Giê-su. Các cuộc gặp gỡ của Người với phụ nữ luôn để lại một ấn tượng lành mạnh, có quân bình. Người có tình cảm gắn bó và nồng hậu như thấy được trong các chuyến đi thăm Bê-tha-ni-a. Phụ nữ có thu hút Người về mặt xác thịt hay không, và tới mức độ nào, chúng ta hoàn toàn không biết. Nhưng, qua chuyện người phụ nữ Sa-ma-ri và cô Ma-ri-a Mác-đa-la, chúng ta biết rằng đối với Đức Giê-su và những ai muốn đi theo Người, điều cốt yếu là mối giao hảo, là tình bạn, bên trong một cộng đoàn anh chị em. Về mặt này, Đức Giê-su tỏ ra thoải mái, rất tự do, không hề lúng túng. Người để cho phụ nữ đụng vào mình, tỏ lòng thương mến đối với Người (người đàn bà tội lỗi trong Lc 7,38 tt). Người có sức vượt lên trên mọi cấm kỵ liên quan đến tình trạng ô uế của phụ nữ (để cho người đàn bà băng huyết chạm đến Người : Lc 8,43-48), có khả năng quý chuộng tính hiếu học nơi một người nữ (cô Ma-ri-a ngồi dưới chân Người được Người bênh vực – Lc 10,39), ưa thích thấy một người phụ nữ biết tự mình suy nghĩ (người đàn bà Sa-ma-ri – Ga 4). Người còn có khả năng vượt lên trên ý kiến riêng của mình để làm theo lời thỉnh cầu của một phụ nữ (người đàn bà Xy-ri – Phê-ni-xi : Mc 7,24-30). Đặc biệt, với Đức Mẹ tại Ca-na, Người đã cư xử như một người đồng bạn : chính với sự gợi ý của Mẹ mà Người thực hiện dấu lạ đầu tiên, tuy lúc đó “giờ (Người) chưa đến” – Ga 2). Đức Giê-su cũng không ngần ngại chống lại hoặc chỉnh lại một bản lãnh mạnh mẽ (cô Mác-ta) ; và không có gì là lãng mạn nơi Người khi Người tỏ ra nhân hậu với một người đàn bà yếu đuối sa ngã (“Chị hãy đi, và đừng phạm tội nữa” – Ga 8,11). Người không bao giờ tìm cách khai thác hay chiếm hữu người khác, không bao giờ lợi dụng bất cứ ai trong các phụ nữ đi theo Người, để gợi ý họ chiều theo nhu cầu tình cảm của Người. Các đức tính này luôn làm cho người kia được giải toả.

Các nữ môn đệ của Đức Giê-su là một hiện tượng cách mạng lớn trong cuộc đời công khai của Người (Lc 8,1-3 ; Mc 15,40-41 ; Lc 10,38-42). Thánh Phao-lô đôi khi cũng nói về phụ nữ, cũng dùng những động từ, danh từ như “đồng bạn”, “cộng sự viên”, mà thánh nhân thường dùng để chỉ các người đàn ông cũng như nói về chính mình (x, Pl 4,3 ; Rm 16,1.3.7.12.15).

Có lẽ chính Đức Giê-su cũng đã kinh nghiệm sống mô hình “người đồng bạn”. Người đã vui nhận tình bạn của những thanh niên, nam như nữ, và có một vài bạn chí thiết trong một tập thể rộng hơn. Các sách nhất lãm ghi lại tên của ba người bạn đặc biệt của Người : Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an – và theo Ga 11,15  thì “ Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta cùng hai em cô là Ma-ri-a và La-da-rô”. Rõ ràng Đức Giê-su cần đến tình thân thương này, ví dụ khi đi vào vườn ô-liu đêm hấp hối. Với người phụ nữ Sa-ma-ri, chính Chúa đi bước trước để gợi chuyện. Chúa cần cô ấy giúp cho một việc, và Chúa đã mở miệng xin. Việc xin nước uống chắc chắn còn tượng trưng cho niềm khao khát được gặp gỡ con người ở bình diện tinh thần và tình người nữa.

M. Amélie Nguyễn Thị Sang, CND
Trích nguồn: https://dongducba.net

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jennifer Dines, CND. How to read the Bible as women (Đọc Kinh Thánh với tư cách là phụ nữ : như thế nào?). Liên tu sĩ Anh Quốc 1996.

2. R. de Vaux, OP. Institutions de l’Ancien Testament (famille – femmes – veuves – enfants – succession – héritage) Cơ cấu (Ít-ra-en) thời Cựu Ước. Paris 1960

3. Th. Maertens. La promotion de la femme dans la Bible (Bước thăng tiến của phụ nữ trong Kinh Thánh). Edition Casterman 1967

4. A. Jaubert. Les femmes dans l’Ecriture (Phụ nữ trong Kinh Thánh)Vie chrétienne, Ed. du Cerf 1992

5. Brépols. Dictionnaire encyclopédique de la Bible Femme (Từ điển bách khoa môn Kinh Thánh / Phụ nữ). 1987

6. J. Laplace, SJ. Người nữ và cuộc đời thánh hiến (Tài liệu chủ đạo cho phần IV.B)Chemins de la foi. Ed. du Châlet 1964

7. A.M. Pelletier. Le Cantique des cantiques (Sách Diễm Ca). trong Cahiers Evangile, số 85 Ed. du Cerf 1993

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube