Thứ năm Tuần XVII thường niên Năm A

Lời Chúa: Lc 11: 5-13

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: “Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy”. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: “Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

Suy niệm

Cuộc sống hôm nay có nhiều thứ cho con người lựa chọn nên họ dễ dàng từ bỏ những gì khó khăn, không mang lại kết quả trước mắt. Thái độ thực dụng này có thể thấy cả trong đời sống cầu nguyện khi các tín hữu muốn Chúa thực hiện một cách mau chóng những gì họ cầu xin và theo cách thức họ nghĩ. Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta cần kiên trì hơn trong cầu nguyện với trọn tâm tình vì tấm lòng cần tương xứng với của cho.

Điểm mới lạ trong Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay, là thử thách và kiên trì rất gần gũi với đời thường. Qua hình ảnh người hàng xóm có bạn đến trong đêm khuya: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”.

Chúa Giêsu khởi đi từ chính kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày nơi mỗi người: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?”. Vâng! đó là một sự thật hiển nhiên trong tình yêu cha con. Qua đó, chúng ta thấy được lời cầu xin của người thụ ân và của ban tặng của Đấng thi ân, có lẽ, cũng phần nào tương xứng với nhau. Quy chiếu vào kinh nghiệm đó, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Chúa Giêsu không ngừng lặp lại lời mời gọi: “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn ban ơn cho những ai kêu cầu Ngài. Như Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9). Chúa Giêsu minh họa điều Ngài nói qua câu chuyện người bạn quấy rầy, trong câu chuyện này có ba nhân vật: người đi lỡ đường, người bạn và người hàng xóm đã lên giường ngủ. Tương quan giữa ba nhân vật đáng kính phục, vì diễn tả nét đẹp của tình bạn và tình làng nghĩa xóm khi biết tương trợ lẫn nhau.

Vậy nếu: “Các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên Trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11, 13). Chúa ban Thánh Thần tức là ban sức mạnh của Ngài, chúng ta có được Chúa nghĩa là có tất cả. Tuy nhiên để có được điều này người xin cần có sự quảng đại trong nguyện cầu, cụ thể siêng năng tham dự Thánh Lễ với lòng sốt mến, thực tâm dâng những hy sinh, hãm mình, làm việc lành phúc đức,… và Thiên Chúa là Đấng sẽ không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta. Ngài rộng lòng ban ơn cho những ai chạy đến kêu xin Ngài.

Một đề tài mà Chúa Giêsu đưa ra rất thú vị, đề tài này làm cho người nghe phải suy nghĩ. Một đàng theo luật Do thái, là không được phép từ chối khách bộ hành khi họ gặp phải vấn nạn về cái đói cái khát, hay nói cách khác là sự hiếu khách. Apraham đã từng mời ba vị khách lỡ đường nghỉ dưới gốc cây để ông dọn bữa mời họ. Một đàng theo tập tục Palestin, khi trong nhà đã tắt đèn thì hiểu rằng họ không còn tiếp khách, hơn nữa khó khăn của chủ nhà là những thành viên trong gia đình đã ngủ, việc trỗi dậy lấy bánh sẽ đánh động cả nhà khi họ đã yên giấc.

Chúa Giêsu gợi lên mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là tương quan cha con. Khi con cái xin cha điều gì thì người cha sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ: “Ai trong anh em là một người cha mà khi con mình xin cá lại cho nó con rắn…” (Lc 11, 11). Nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện thì Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta. Thiên Chúa sẽ ban ơn theo cách của Ngài, nghĩa là theo ý Chúa chứ không theo ý chúng ta. Chúa ban cho chúng ta theo ý Chúa thì chắc chắn điều đó đẹp lòng Chúa và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, vấn đề là chúng ta có nhận ra hay không? Nếu Chúa ban theo ý chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ dễ kiêu căng, tự phụ để rồi ơn cứu độ của Chúa sẽ không đến với chúng ta.

Trong khi những thính giả của Chúa Giêsu đang chọn lựa đáp án nào cho hợp luật nhất thì chính Chúa Giêsu đã có đáp án làm họ ngỡ ngàng: “Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó”. Một đáp án ra khỏi luật lệ, tập tục. Nhưng không dừng ở đó, Chúa Giêsu tiếp tục nhất sâu vào chủ đề: “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Kiên trì là một đức tính quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống. Trong cầu nguyện cũng thế, cầu nguyện cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để thể hiện sự ý thức giá trị của điều mình xin. Nhưng trong thực tế, có những người vẫn cầu nguyện hoài mà sao không thấy Chúa nhận lời, phải chăng Chúa Giêsu đã dối gạt chúng ta khi nói: cứ xin thì sẽ được? Cắc chắn không phải, Chúa Giêsu làm sao gạt chúng ta. Nhưng sở dĩ, chúng ta cầu nguyện mà chưa được là do hai nguyên nhân. Thật ra khi chúng ta cầu nguyện thì Thiên Chúa đã nhậm lời. Nhưng vì lợi ích của chúng ta nên Ngài còn trì hoãn và chưa để nó thành sự. Hai là chúng ta chưa đủ kiên trì trước sự trì hoãn của Chúa

Bài học dụ ngôn này là không phải là ép buộc Thiên Chúa, nhưng là kiên trì trong cầu nguyện, trong thực hành đạo. Đức tin của người Công giáo phải đạt tới tầm mức rằng: Lời thỉnh cầu với mục đích ngay lành, hẳn là không phải lúc nào cũng suông sẻ, thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản lòng, buông suôi. Nhưng ở đây muốn cố võ cho sự chuyên chăm cầu nguyện, bởi Thiên Chúa biết rõ những gì chúng ta cần thiết và biết rõ lúc nào thì Ngài ban thương cho ta.

                                                                                                                

                                                                                                                  Huệ Minh

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube