Một câu chuyện kể rằng:
Có một đệ tử tu với một vị Thầy ở trên núi. Đệ tử này sau một thời gian tu tập, cảm thấy mình đã đủ công lực để đi truyền Đạo nên xin thầy cho xuống núi. Thầy hỏi đệ tử: Con định đi đâu? Người đệ tử trả lời muốn đi đến một vùng đất mà dân cư ở đó rất dữ tợn để truyền đạo cho họ. Thầy cảm thấy lo cho đệ tử. Ông nói với đệ tử rằng thầy có ba câu hỏi, nếu con trả lời được thì thầy sẽ để con đi, bằng không thì con nên ở lại. Câu hỏi thứ nhất là nếu con đi đến vùng đất đó mà người dân ở đó không đón tiếp con, họ nhục mạ và nói xấu con, con sẽ làm gì? Đệ tử trả lời: Con sẽ yêu thương họ vì họ vẫn nhân từ với con, họ chưa đánh con. Vậy nếu họ đánh con thì sao? Câu hỏi thứ hai của Thầy. Đệ tử đáp: Con vẫn yêu thương họ vì họ vẫn nhân từ với con. Họ mới chỉ đánh con chứ họ chưa giết con. Câu hỏi cuối cùng của thầy là: Vậy nếu họ giết con, con sẽ làm gì? Con vẫn sẽ yêu thương họ vì họ vẫn rất nhân từ với con. Họ giết con ngay khi trái tim con tràn đầy tình yêu thương. Ai rồi cũng phải chết, nếu con được chết khi đang tràn ngập tình yêu thương trong tâm hồn thì còn gì hơn nữa? Đệ tử trả lời thầy một cách dứt khoát. Thầy đưa mắt nhân từ nhìn đệ tử và nói: Với tất cả phúc lành của Thầy, con hãy đi bất cứ đâu đem cái Đạo yêu thương chia sẻ cho mọi người.
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,
Chúng ta đang sống trong niềm vui mừng Chúa sống lại vì Đức Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng lớn lao cho mỗi người chúng ta. Nhưng niềm vui ấy không ai được giữ riêng cho mình, như lần đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh Madalena được sai đi báo tin mừng cho những người môn đệ đang lo buồn và sợ hãi. Bà mang niềm vui ấy trong những bước chân vội vã, khập khiễng vào buổi sáng tinh mơ để trở về gặp các tông đồ. Hay khi hiện ra với các Tông đồ, Đấng Phục Sinh đã trao sứ vụ cho ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20,21). “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Niềm vui Phục Sinh chính là niềm vui gặp được Đức Kitô như trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết những dòng đầu tiên như sau: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những ai gặp gỡ Đức Giê-su. Những ai để cho Người cứu độ, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi cô đơn. Niềm vui luôn phát sinh và luôn tái sinh cùng với Đức Giê-su Ki-tô”, để rồi niềm vui ấy luôn thúc đẩy chúng ta lên đường và tiếp tục chia sẻ Chúa Kitô Phục Sinh cho người khác trong mọi hoàn cảnh.
Trong bài đọc Lời Chúa hôm nay, cũng giúp chúng ta sống lại tinh thần truyền giáo của các tín hữu tiên khởi sau khi gặp được Đức Kitô Phục Sinh. Niềm vui Phục Sinh đan xen giữa cơn bách hại đạo, buộc các tín hữu phải tản mác khắp nơi. Trong hoàn cảnh bi thương, đầy sợ hãi ấy tưởng chừng như sẽ dập tắt ngọn lửa đức tin vừa được nhen nhóm trong lòng các tín hữu và ngăn chặn bước chân các tín hữu đem niềm vui Phục Sinh đến cho mọi người. Những việc Chúa làm thật kỳ diệu trong khi chạy trốn các tín hữu đã tận dụng cơ hội ngay trong lúc khó khăn nhất để rao truyền tin vui Phục sinh đến tận cùng thế giới. Và chính niềm vui Phục Sinh giúp cho tinh thần họ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, không có gì có thể cản trở các tín hữu tiên khởi trên con đường loan báo Tin Mừng. Các tín hữu tiên khởi đã loan báo Tin Mừng Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh dù thuận tiện hay không thuận tiện, dù bị ngăn cấm và bắt bớ, và càng bị bắt bớ và càng bị ngăn cấm thì Tin Mừng càng được chia sẻ mạnh mẽ hơn.
Như nội dung câu chuyện trên, người đệ tử đã nhận ra bài học chân lý của việc truyền giáo không phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế hay điều kiện phụ thuộc nhưng yếu tố quan trọng quyết định phải xuất phát từ động lực của người truyền giáo, đó chính là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đồng loại giúp người môn đệ truyền giáo vượt qua được những rào cản khó khăn mà xã hội mang lại. Truyền giáo đơn giản là truyền Đạo, đạo là đạo của tình yêu thương. Đạo của chúng ta do chính Chúa Giêsu sáng lập. Chúa Giêsu chính là hiện thân tình yêu Thiên Chúa giữa cuộc đời.
Ngài đã đến để rao giảng tình thương của Thiên Chúa cho hết mọi người. Nếu như trong câu chuyện trên vẫn chỉ là cuộc trao đổi của thầy và trò chứ chưa diễn ra trong thực tế, thì câu chuyện của Thầy Giêsu thực sự đã xảy ra trong lịch sử. Ngài đã bị nhục mạ, bị vu khống, bị kết án cách bất công nhưng Ngài vẫn yêu thương họ. Khi bị người ta đánh đòn, bắt Ngài chịu đội mão gai và vác thập giá, Ngài vẫn yêu thương họ. Và khi họ đóng đinh Ngài vào thập giá để giết Ngài, Ngài cũng vẫn yêu thương họ. Vì thế mà những lời của Ngài có một sức nặng. Nó không phải là lý thuyết suông mà là kinh nghiệm sống.
Chúng ta đang sống trong năm mục vụ “Hội Thánh Việt Nam cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Ước gì niềm vui Phục Sinh thúc đẩy chúng ta hăng say lên đường như Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích mỗi người chúng ta hãy can đảm bước ra vùng an toàn của bản thân để dấn thân vào “những vùng ngoại biên”, không chỉ là những nơi địa lý bị lãng quên, mà còn là những góc khuất của tâm hồn, nơi trú ngụ của đau khổ, bị bỏ rơi và tuyệt vọng.
Lạy Chúa, xin cho niềm vui Phục Sinh lớn mãi trong tâm hồn mỗi chúng con, để niềm vui ấy giúp chúng con chiến thắng được nỗi sợ hãi đang bủa vây chúng con và như các tín hữu tiên khởi chúng con biết tận dụng mọi cơ hội dù thuận tiện hay không thuận tiện để nhiệt tâm chia sẻ Chúa Phục Sinh cho mọi người. Amen.
Bích Liễu
Trích nguồn: vietnamese.rvasia.org