Từ nơi hoang địa xa xôi
Gioan xuất hiện kêu mời ăn năn
Hố sâu san lấp cho bằng
Đồi cao bạt xuống dọn đường Chúa đi
Cứu dân khỏi kiếp đọa đầy
Đấng Thiên Sai đến đất trời giao duyên.
Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,
Thuở xưa, dân Do Thái đã trải qua hàng ngàn năm cơ cực sống kiếp lưu đày trên phần đất của dân ngoại. Mang thân phận nô lệ, họ phải cúi đầu gánh chịu những luật lệ hà khắc của đế quốc. Đoàn dân cảm thấy bơ vơ lạc lõng, thánh điện của Chúa thì bị thù địch giày xéo. Vì thế họ thiết tha khẩn cầu Đấng Mêsia mau trở lại “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63,19b). Trước khi Đấng Mêsia đến, Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ đến để nhắc nhở đoàn dân dọn đường chuẩn bị tâm hồn.
Theo truyền thống tại Palestine thời Chúa Giêsu thì ngôn sứ Êlia đã được rước về trời trên chuyến xe bằng lửa nhưng ông sẽ trở lại chỉnh đốn mọi sự. Khi đất nước bị đế quốc Rôma chiếm đóng, thế lực ngoại giáo nói là bảo hộ nhưng thực tế là chế ngự lòng yêu nước của người dân. Trong khi đó những người có thế giá trong dân toàn là hạng xu thời, mua quan bán tước. Các ngôn sứ vắng tiếng vì bị chính quyền Do Thái khai trừ. Điều này làm cho người dân càng mong mỏi ngôn sứ Êlia trở lại. Họ thấy lời nói và việc làm của Đức Giêsu nên đã nhầm tưởng Ngài là ngôn sứ Êlia đã trở lại.
Trong lịch sử cứu độ, ông Gioan được xem là nhân vật đầu tiên của Tân ước, là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ với Giao ước mới. Gioan là một con người thánh thiện, sống khắc khổ, ông có vai trò đặc biệt quan trọng, là vị tiền hô đến trước để dọn đường cho Chúa, ông chính là ‘phông nền’ làm nổi bật chân dung của Đấng Mêsia. Sau khi hoàn thành sứ mạng, ông liền lui vào bóng tối để cho ánh sáng Đức Giêsu xuất hiện (x. Ga 3,30). Thế nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện dân chúng lại không nhận ra Người. Họ cầu mong một Đấng Mêsia theo nghĩa trần gian. Đấng ấy phải có đầy sức mạnh, đánh đông dẹp tây thu phục thiên hạ bá tánh. Khi đối diện với một Đức Giêsu nghèo hèn khiêm tốn, một con người quảng đại yêu thương người nghèo thì họ không tin nhận.
Ngôn sứ Êlia, Gioan Tẩy giả và Đấng Mêsia đã đến nhưng người Do Thái vẫn tiếp tục mong chờ Đấng Mêsia theo khuôn mẫu của họ. Quả thật Chúa không đến trong vinh hoa phú quý, trong tiếng trống kèn, cờ hoa lộng lẫy. Chúa đến trong tâm hồn nơi thinh lặng, trong những con người với dáng vẻ nghèo hèn, những người bị xã hội khinh chê ruồng bỏ. Chúa đến trong yêu thương và tha thứ, trong chữa lành và kiếm tìm. Để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta phải có thái độ khiêm tốn lắng nghe, phải từ bỏ lối suy nghĩ ích kỷ, cái nhìn hạn hẹp, cục bộ, bỏ những ảo ảnh vinh hoa phú quý của hưởng thụ vật chất.
Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi trở thành một Gioan, người dọn đường, giới thiệu Chúa cho người khác. Làm thế nào để trong cung cách sống, qua thái độ phục vụ, chúng ta diễn tả được dung mạo của Thiên Chúa thánh thiện và khôn ngoan, hiền hậu và khiêm nhường. Muốn vậy, chúng ta phải bám chặt vào cái neo của cầu nguyện, nó đặt chúng ta trở lại vào bàn tay của Thiên Chúa (x. Gaudete Et Exsultate 113). Cần phải có cuộc thanh luyện nội tâm, thinh lặng làm cho lòng mình trống rỗng để lắng nghe tiếng Chúa và làm cho Lời Chúa vang vọng đến tâm hồn người khác. Trong cầu nguyện, chúng ta đón nhận được ân sủng Chúa làm tan chảy tính tự phụ và tạo nên trái tim hiền lành (x. Sđd 116).
Lạy Chúa, giữa hoang mạc của cuộc sống, xin chúng con biết để cho cái tôi ích kỷ lắng xuống, để khiêm tốn nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ, người yếu thế đang gánh chịu bất công thua thiệt. Xin cho chúng con biết từ bỏ đam mê tội lỗi, để tâm hồn thênh thang mở lối cho Chúa ngự vào, và để chúng con lãnh nhận được ân sủng của Chúa trong mùa hồng phúc này. Amen.
Phương Anh
Trích nguồn: vietnamese.rvasia.org