Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!
Có hai con chim gáy rất thân với nhau. Hết tha thẩn xuống đồng lượm từng hạt lúa, chúng lại bay lên ngọn tre râm ran tiếng gù. Cứ tha hồ mà dồn dập, mà khoan thai có khi nhẹ nhàng như lời tình tự. Bỗng chẳng may một anh bị con người bẫy được đem về nuôi. Anh kia liền đi tìm bạn mới.
Mặc dù được chăm sóc chu đáo, nhưng bị giam hãm trong lồng phần thì nhớ da diết cánh đồng quê, phần thì nhớ bạn, chim cất lên những tiếng ai oán não nùng. Nghe tiếng than của bạn, anh chim gáy ở ngoài cũng tìm đến thăm.Thấy bạn mình được ở trong chiếc lồng son, có thức ăn nước uống đầy đủ, anh ta ganh tị bảo:
– Tưởng khổ cực lắm, hoá ra phúc đức ông cha bảy đời để lại mới có được kẻ nâng niu chiều chuộng còn than vãn nỗi gì.
Anh chim trong lồng nghẹn ngào không thốt nên lời.
Thấy thế anh chim ở ngoài nảy ra ý định: Mình muốn vào đó, nhưng có cả hai thì thức ăn sẽ ít đi, chi bằng tìm kế cho nó bay ra để ta vào tha hồ mà chén. Nghĩ vậy anh ta liền dùng lời ngon ngọt dụ dỗ:
– Muốn thoát thân thì nhịn ăn, giả vờ chết. Chủ sẽ bắt ra xem thử, lúc ấy nhanh chân mà tẩu thoát.
Quả thật bằng cách đó anh chim nọ được vùng vẫy nơi trời cao và say sưa cất giọng trầm bổng. Còn anh chim ở ngoài lại cứ quanh quẩn bên chiếc lồng, tất nhiên được vào trong dễ dàng.
Được no nê nhưng anh ta mới nhận ra sự cô độc, tù túng. Từ đó, chim càng lười biếng không cất nổi tiếng gáy. Người chủ thấy thế cũng chẳng còn săm soi, chăm sóc như ngày xưa nữa. Nhiều hôm phải nhịn đói, nước mắt lưng tròng, thân hình tiều tụy trông mà tội nghiệp, anh ta liền dở chiêu cũ nhưng có ai mà dại nữa. Lúc này, anh chim gáy nọ mới nhận ra rằng sống mà chỉ vì miếng ăn thì đó chỉ là kiếp sống thừa.
Quý vị và các bạn thân mến!
Nhà văn Maxim Gorky đã nói: “Chính trong lao động, và chỉ có trong lao động, con người mới trở nên vĩ đại và có niềm vui trọn vẹn”. Vì nhiệm vụ cao quý của con người chính là là lao động. Lao động một cách sáng tạo và thẳng thắn vì sự nghiệp chung chứ không phải để vinh thân phì da. Vì thế, những người lười biếng chỉ muốn hưởng thụ thì không thể nào có được sự tự tin và tìm thấy được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống của mình.
Chúng ta cần ăn để sống, nhưng không phải vì để bảo tồn sự sống mà lại chấp nhận “ăn” với bất cứ hình thức nào. Vì miếng ăn mà chú chim bên ngoài đã dùng lời ngon ngọt dụ dỗ chú chim trong lồng bay ra và lập kế để chui vào. Nghĩa là chú đã kiếm ăn bằng sự lừa dối. Cũng vậy, trong xã hội cũng nhiều người tán tận lương tâm, mua gian bán dối, lường gạt đồng loại cũng do chỉ biết sống vì miếng ăn. Lại có những người lợi dụng chức quyền mình đang nắm giữ kiếm miếng ăn là chính nguồn sống, là mồ hôi và nước mắt, là nỗi đau khổ của người khác. Ăn như thế chẳng khác gì loài cầm thú. Vì chỉ có loài cầm thú mới có thể ăn thịt đồng loại của mình rồi sau đó vẫn ung dung sống mà thôi.
Những người Biệt Phái và Pharisiêu luôn tự cho mình thuộc đẳng cấp cao trọng, danh giá, ăn trên ngồi trước trong xã hội lúc bấy giờ, nhưng họ luôn là đối tượng bị Chúa Giêsu chúc dữ và khiển trách vì lối sống giả hình, lười biếng vì “họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” . Vì thế, cho dù họ có xênh xang áo xống chức quyền trong con mắt người đời, nhưng đối với cái nhìn của Chúa Giêsu họ chỉ là những kẻ “giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”.
Như vậy rõ ràng sự công chính cũng như giá trị tự thân của một con người, ở đây chính là khả năng lao động, sự cống hiến cho xã hội, cái tâm năng của mình dành cho con người. chứ không hề tuỳ thuộc vào những giá trị vật chất mà họ đang được thụ hưởng.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica có viết: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Thân lạy Chúa, xin cho chúng con biết tôn sợ Thiên Chúa để kiếm sống theo đường lối lành ngay của Người. Nhờ thế chúng con xứng đáng an hưởng công quả do tay mình làm ra, đồng thời chúng con được hạnh phúc và sẽ gặp may. Amen.
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org