Một người kia biết mình sắp từ giã cõi thế, ông mơ thấy Thượng Đế đến gần, trong tay Ngài cầm một chiếc vali.
– Thượng Đế bảo: “Nầy con, đã đến lúc đi theo Ta rồi”.
– Ngạc nhiên, người ấy trả lời: “Bây giờ sao ? Mau quá vậy ? Con có bao nhiêu là dự định…”
– “Rất tiếc nhưng đã đến giờ đi rồi”.
– Người ấy hỏi: “Ngài có gì trong chiếc vali kia vậy ?”
– Thượng Đế trả lời: “Tất cả những gì thuộc về con”.
– “Ồ, những gì thuộc về con sao ? Ý Ngài muốn nói những đồ đạc, áo xống, tiền bạc của con ư ?”
– Thượng Đế trả lời: “Những cái đó đã không phải của con; chúng thuộc về trần gian”.
– Người ấy lại hỏi: “Có phải nó là ký ức của con không ?”
– Thượng Đế trả lời: “Ký ức đã không bao giờ thuộc về con; chúng thuộc vào thời gian”.
– “Vậy có phải là những tài năng của con ?”…
– “Tài năng đã không bao giờ là của con; chúng tùy thuộc vào những tình huống con gặp trong đời con phải giải quyết”.
– “Phải chăng là bạn bè và gia đình của con ?”…
– “Rất tiếc, họ đã không bao giờ là của con, họ thuộc về con đường mà con đã đi qua”.
– “Hay đó là thân xác con ?”…
– “Thân xác đã không bao giờ là của con, nó thuộc về cát bụi”.
– “Vậy đó là linh hồn của con chăng ?”…
– “Không đâu, linh hồn của con thuộc về Ta là Đấng đã tạo dựng nên con”.
Đầy hoang mang sợ hãi, ngươi ấy nhận chiếc vali từ tay Thượng Đế và mở nó ra, ông chỉ thấy nó trống trơn. Một giọt nước mắt lăn dài trên má, người ấy thốt lên: “Trời ơi, vậy là cuối cùng con đã chẳng có gì cả sao ?”…
– Thượng Đế trả lời: “Không đâu, con đã có được nhiều lắm chứ, nhưng nó không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, nó chính là tấm lòng vị tha của con. Mỗi khi con nói một lời tử tế, mỗi khi con làm một điều dễ thương, mỗi khi con nghẹn ngào trước một mảnh đời khốn khổ, Ta đều cất giữ tất cả vào làm hành lý cho con mang theo về cùng Ta…”
Quý vị và các bạn thân mến !
Trong sự lên ngôi của chủ nghĩa duy vật chất với những gì thực dụng, cụ thể mới có giá trị hiện hữu, chúng ta lao vào vòng xoáy của kim tiền một cách không mệt mõi. Thế nhưng, dù là bậc vua chúa, người giàu sang hay kẻ nghèo hèn thì khi chết không ai mang theo được bất cứ vật gì, cho dù khi còn sống họ có khư khư giữ lấy tiền bạc vật chất ấy từng giây từng phút. Khi chúng ta trở về tro bụi thì “địa vị” cũng thành bụi tro, bàn tay của chúng ta không nắm theo được một thứ của cải nào mà suốt đời chúng ta đã tốn biết bao vất vả khó nhọc để tìm kiếm chúng.
Trong thời buổi mà cái hình thức bên ngoài đóng vai trò quyết định cho sự thành đạt trong giao tiếp, trong công việc của một con người thì việc chăm sóc bản thân, trau chuốc cái hình thức bên ngoài sao cho nó đạt đến vẻ đẹp hoàn mỹ nhất là điều hầu hết con người thời nay quan tâm. Biết bao dịch vụ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ra đời để phục vụ nhu cầu chăm sóc bản thân ngày càng cao của con người. Thế nhưng khi trở về với cát bụi, thân thể này dẫu xinh đẹp tốt tươi đến bao nhiêu đi nữa cũng mục nát với thời gian. Phận bụi tro lại trở về bui tro!
Chúng ta cũng không thể phủ nhận sự cần thiết của mối quan hệ gia đình thân thuộc, bạn bè vì chính nhờ sự quan tâm giúp đỡ những lời an ủi động viên của họ mà chúng ta có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong đời sống của mình. Thế nhưng, nhạc sĩ Vũ Thành An cũng thốt lên rằng: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?” Khi về cõi vĩnh hằng, chỉ một mình ta đối diện với Đấng Tối Cao để trả lẽ với Ngài về cuộc sống trần gian của mình. Không một người thân nào có thể gánh vác hay chia sẻ trong sự lựa chọn cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ cho đời sống vĩnh hằng của linh hồn chúng ta khi thân xác đã rời chốn trọ trần gian.
Chúa Giêsu đã phán: “ Kho tàng con ở đâu thì lòng con ở đó.” Điều Thiên Chúa cần chính là tấm lòng sẻ chia và tình yêu thương của chúng ta đối với anh em đồng loại. Đó chính là tấm lòng vị tha khi chúng ta nói một lời tử tế, làm một điều dễ thương cho tha nhân. Đó là khi chúng ta biết nghẹn ngào, chạnh lòng trước một mảnh đời khốn khổ. Là sự hy sinh, kiên nhẫn với lỗi lầm, khuyết điểm của bạn bè, người thân. Là một trái tim biết lắng nghe cách chân thành nỗi niềm tâm sự của người khác. Là sự tha thứ khi bị xúc phạm. Là sự nhẫn nhịn khi bị hiểu lầm, nói xấu. Vậy nên, những thứ để cho đi không hoàn toàn phụ thuộc vào vật chất hay tài năng của chúng ta. Có vật chất để sẻ chia, để đỡ nâng là điều rất tốt lành và đáng khích lệ nhưng không có tiền không có nghĩa là ta không có gì để cho, vì không có ai nghèo đến mức không có gì để cho đi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng thực hành bác ái trong Mùa Chay không chỉ là chia sẻ của cải, nhưng còn là cho đi tình yêu của chúng con bằng tất cả những hồng ân mà Chúa ban trên toàn bộ con người và cuộc sống của con. Amen.
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org