Có một người đàn ông tính cách rất keo kiệt. Ông chôn vàng ở một nơi bí mật trong vườn nhà. Hàng ngày, ông ra chỗ đó đào vàng lên và đếm xem có còn đủ hay không. Ngày nào ông cũng làm như vậy nên một tên trộm theo dõi và biết được chỗ chôn vàng. Một đêm nọ, tên trộm đến đào lấy hết vàng. Khi phát hiện vàng đã bị mất, ông đau khổ khóc lóc, bứt đầu bứt tai. Một người đi ngang qua nghe thấy tiếng khóc liền hỏi xem có chuyện gì. Ông gào lên: – Ôi vàng của tôi đâu rồi! Đứa nào đã ăn cướp! Người khách thấy thế liền nói: – Sao lại để vàng ở đấy? Sao không cất trong nhà để mà chi dùng có bảo đảm hơn không? Ông thét lên giận dữ: – Chi dùng ư! Tôi đâu có bao giờ đụng đến số vàng đó. Người khách liền nói: – Nếu thế thì anh giữ vàng làm gì, anh lấp luôn cái hố đi thì hơn.
Quý vị và các bạn thân mến,
Người đàn ông vì quá ham mê vàng mà trở thành kẻ nô lệ, phải đau khổ khi chúng bị đánh cắp. Tiền bạc vật chất có một giá trị nhất định, nó đáp ứng những nhu cầu cần thiết của con người. Tiền có thể giúp bạn biến ước mơ thành hiện thực, đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ai giàu có và nhiều tiền sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng nếu mù quáng chạy theo và nô lệ cho tiền bạc, chúng ta sẽ đánh mất nhiều điều ý nghĩa. Có những điều tuyệt vời trong cuộc đời mà ta không thể mua được bằng tiền bạc, đó là thời gian, tuổi trẻ và tình yêu thương.
Nhiều người trẻ đã dành cả tuổi thanh xuân làm việc kiếm tiền để rồi nhận ra rằng bản thân đã tiêu tốn thời gian cho mục tiêu không chính đáng. Một số người khác vì quá coi trọng đồng tiền mà bán rẻ lương tâm và nhân phẩm, đánh mất tình thân với mọi người. Tiền bạc có thể kiếm được nhưng nhân phẩm và tình thân thì phải vun trồng, giữ gìn. Tác giả sách Huấn Ca cho thấy những hệ lụy của tiền bạc ảnh hưởng đến con người “Thức đêm vì của cải làm hao mòn thân xác, bận tâm về nó sẽ mất giấc ngủ ngon. Bận tâm vì kế sinh nhai cũng không sao chợp mắt được, lâm cơn bệnh nặng là mất giấc ngủ ngon. Đã ham tiền không sao công chính được, chạy theo lợi lộc ắt sẽ lỗi lầm. Nó là cái bẫy cho ai say mê nó, hết mọi kẻ ngu si sẽ sa vào” (Hc 31,1-2.5-7).
Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ về sự ham mê tiền bạc, nó như con sâu đục khoét tâm hồn, làm mờ đôi mắt khiến con người đánh mất kho tàng quý giá là Nước trời. “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm cắp không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19-21).
Ở một góc nhìn khác, tiền bạc được xem là một thứ thần đối nghịch với Thiên Chúa. Bởi lẽ sự ham mê tiền bạc dễ làm cho người ta sinh ra thói kiêu căng bất tuân lời Chúa. Cuộc đời và những lỗi phạm của môn đệ Giuđa còn đó một bài học đắt giá với những ai để cho tiền bạc sai khiến (x. Mt 26,15).
Thiên Chúa luôn yêu thương ban cho con người từ cái ăn cái mặc cho đến lương thực thiêng liêng. Ngay cả chim muông hoa cỏ Người còn chăm sóc giữ gìn. Tự thân Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thiện hảo. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng loài người để được sống và chia sẻ sự khôn ngoan thiện hảo của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã mời gọi anh thanh niên giàu có bán hết tài sản của anh mà chia sẻ cho tha nhân và đi theo Chúa (x. Mt 10,21). Bỏ đi kho tàng mau hư nát để sở hữu kho tàng đích thực, bỏ đi sự bấp bênh để có được sự vĩnh cửu. Không có kho tàng nào chắc chắn cho bằng Nước Trời. Chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới thôi khắc khoải tìm kiếm như lời thánh Augustinô đã xác tín “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”. Thánh nhân cũng nói “Ai có nhiều của cải mà không có ơn nghĩa Chúa, ấy là kẻ nghèo nhất. Ai là kẻ bần cùng mà có ơn nghĩa Chúa, kẻ ấy có hết mọi sự”.
Lạy Chúa, trên bước đường theo Chúa, nhiều lần chúng con còn mải mê tìm kiếm của cải vật chất, xin cho chúng con can đảm từ bỏ sự quyến rũ của tiền bạc để chọn Chúa là cùng đích của cuộc đời. Amen.
Nt. Anh Thư
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org