Trong sách Hạt Giống Tâm Hồn có câu chuyện như sau:
Một người nọ mắc phải một chứng bệnh lạ, dù đã cầu cứu khắp nơi nhưng không điều trị được. Thế rồi, ông gặp được một nhà hiền triết và nhận lời khuyên rằng:
-Tôi biết một người có thể trị được bệnh cho ông, nhưng ông cần đi ca hát khắp nơi thì mới mong tìm gặp được người đó.
Nghe lời. ông đi chu du khắp nơi, mang theo một cây đàn. Đến đâu ông cũng ôm đàn ca hát. Đã mười năm trôi qua, ông vẫn sống khỏe mạnh và trở thành một người hát rong nổi tiếng, Những bài hát của ông giúp nhiều người sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Ngày nọ, có một người qua đường hỏi tại sao ông say sưa ca hát như vậy, Ông trả lời:
-Tôi hát để tìm ra vị bác sĩ có thể trị được bệnh của tôi. Hơn hai mươi năm rồi mà người đó vẫn chưa xuất hiện. Bệnh của tôi không biết rồi sẽ ra sao nữa.
Người này liền nói: – Thật là trùng hợp, tôi cũng là bác sĩ đây.
Thế là anh tiến hành kiểm tra sức khỏe cho ông. Kiểm tra xong ông nói:
-Ồ, sức khỏe của ông hiện đang rất tốt, chẳng có dấu hiệu bệnh tật gì cả.
Nghe vậy ông vui sướng hét lên:
-Chẳng lẽ nhà hiền triết đã lừa tôi? Tôi hết bệnh rồi ư? Vậy là không cần hát nữa, không cần tìm bác sĩ nữa !
Ngày hôm sau, người đàn ông bỗng lăn ra chết.
Quý vị và các bạn thân mến !
Thượng Đế đã đặt để bản chất con người là một hữu thể xã hội vì thế chúng ta chỉ tìm được giá trị thực của cuộc sống khi biết đặt nó trong mối liên hệ với người khác. Một nhà tư tưởng đã nói: “Chia sẻ cũng đồng nghĩa với cuộc sống. Khi bạn không còn muốn cho ai điều gì nữa cũng có nghĩa là cuộc đời bạn không còn gì đáng để sống”. Vì thế, khi chúng ta không còn muốn chia sẻ, không quan tâm đến những giá trị hàm chứa chiều kích xã hội, cuộc sống của chúng ta sẽ thiếu vắng tình yêu và nó sẽ trở nên như một khu vườn không có ánh nắng. Tất cả sẽ úa tàn, buồn héo và chết đi như người đàn ông trong câu chuyện vì không còn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Hoặc nếu có sống thì cũng chỉ là sự tồn tại vì sống có ý nghĩa mới là cuộc sống thực sự.
Giống như người đàn ông trong câu chuyện nêu trên, thánh Gioan Maria Vianney mà giáo hội mừng kính hôm nay cũng “mắc phải một chứng bệnh lạ” đó là Ngài tối dạ hơn rất nhiều so với bạn học cùng trang lứa. Ngài học mãi chẳng nhớ và thường xuyên trượt mỗi khi bề trên khảo hạch. Chuyện kể rằng: Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không. Nhưng Vianney không thể trả lời câu nào. Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!”. Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao ?” Vâng! Chính vì xem việc “được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn là hạnh phúc cho một vi linh mục” mà thánh Vianney đã tạo nên động lực sống và thúc đẩy mình vượt qua hạn chế của bản thân. Thánh nhân đã vượt thoát cái tôi bé nhỏ để hướng đến những tha thể ngoài mình bằng tấm lòng tận tụy hy sinh của một mục tử. Ngài như chôn mình trong tòa giải tội, nổ lực canh tân họ đạo, đưa nhiều linh hồn khô khan nguội lạnh trở về với Chúa, và đó cũng là tinh thần sống không thể thiếu của một người ý thức sứ mạng loan báo Tin Mừng trong đời sống của mình.
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, nhờ lời cầu bầu của thánh Vianney, xin cho chúng con biết noi gương thánh nhân để sống yêu thương và phục vụ Chúa trong mọi người vì “hạnh phúc nhận về là khi biết cho đi” . Amen.
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org