The Platform (tựa Việt: Hố sâu đói khát) là câu chuyện xoay quanh nhân vật Goreng. Anh tự nguyện sống trong một nhà tù gọi là “Cái hố” có 333 tầng trong vòng 6 tháng nhằm lấy chứng chỉ mong muốn. Hằng ngày, một bàn tiệc lớn được hạ từ tầng 1 xuống dần các tầng tiếp theo, người ở tầng dưới ăn đồ thừa của người tầng trên. Sau một tháng, các phạm nhân được hoán đổi vị trí ngẫu nhiên cho nhau. Nếu không may mắn bị chuyển xuống tầng quá 50, họ sẽ không còn bất cứ thứ gì để ăn. Để sinh tồn, họ thậm chí phải chém giết, ăn thịt người bạn cùng phòng.
Khi rơi xuống tầng 202, đã có lúc tưởng chừng như Goreng sẽ bị phần con làm lu mờ lương tri, sẵn sàng ăn thịt người bạn cùng phòng lúc này đã chủ động treo cổ tự tử. Nhưng không, anh vẫn cố gắng nhịn đói từng ngày, có khi là ăn cuốn sách Don Quixote mình yêu thích để cầm cự. Cuối cùng, anh lại đưa ra quyết định táo bạo là vận chuyển thức ăn đến cho những người tầng dưới, lập lại trật tự của “Cái hố”. Khi đến tầng hầm cuối cùng của cái hố, Goreng gặp một đứa bé, anh ta đã mang em trở lại tầng trên cùng vì rằng cho dù trong bất cứ hoàn cảnh tăm tối, tội lỗi nào thì trẻ em luôn chính là tương lai, là điều giá trị nhất cần được bảo vệ[1].
Quý vị và các bạn thân mến!
The Plartform sở hữu cốt truyện khá độc đáo và tràn ngập những hình ảnh ẩn dụ, do vậy nội dung của tác phẩm điện ảnh này sẽ khơi gợi bên trong con người những thông điệp cũng như những cung bậc cảm xúc khác nhau. Xin được chia sẻ giá trị nội hàm của The Plartform với cái nhìn nhân bản Ki-tô hữu.
1- Con người đã hủy hoại, tàn phá Mẹ Thiên Nhiên
Dưới sự giám sát chặt chẽ của một viên quản lý, một bàn tiệc rất thịnh soạn được chuẩn bị một cách cẩn thận, chu đáo bởi những đầu bếp chuyên nghiệp. Cứ ngỡ bàn tiệc này được dành cho những người giàu có, sang trọng, nhưng không, chủ nhân của nó là những tù nhân, những người sống dưới đáy xã hội. Điều đáng tiếc là những tù nhân này đã phá vỡ nghệ thuật ẩm thực tinh tế của bàn tiệc bằng những bàn tay vố vập chụp lấy chụp để thức ăn và những cái mồm nhai ngấu nghiến.
Thiên Chúa đã chăm chỉ tạo dựng trời đất muôn vật trong 6 ngày để ban cho con người-một tạo vật thấp hèn có được một sự sống dồi dào và phong phú. Thế nhưng, với lòng tham lam ích kỷ, con người đã xúc phạm Mẹ Thiên Nhiên bằng những tàn phá, hủy diệt nặng nề.
2- Hãy yêu tha nhân như chính mình:
Về lý thuyết, chỗ thức ăn được hạ xuống có đủ cho tất cả nếu như mỗi người lấy vừa đủ phần của mình. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra vì người ở tầng trên chỉ nghĩ cho bản thân mình, vơ vét, tận hưởng hết sức có thể và không quan tâm đến sự đói khát cùng cực của người ở tầng dưới.
Kinh Thánh cũng kể lại câu chuyện ông nhà giàu và người nghèo Lazaro. Ông nhà giàu ngày nào cũng yến tiệc linh đình, thức ăn thừa mứa nhưng không hề quan tâm đến Lazaro nghèo đói. Và đó là cái tội. Ông nhà giàu bị sa hỏa ngục vì tội tham lam ích kỷ. Cán cân tiêu dùng trong xã hội sẽ được cân bằng nếu con người biết quan tâm đến nhu cầu của nhau. Bằng ngược lại, nếu có người tiêu dùng phung phí thì cũng sẽ có người gặp khó khăn thiếu thốn.
3-Dấn thân mang Tin Mừng:
Để lập lại trật tự của Cái Hố, Goreng đã từng ra sức khuyên nhủ các tù nhân phải cùng chia sẻ miếng ăn để tất cả đều được sống sót, nhưng vô hiệu, cuối cùng anh ta phải leo lên bàn tiệc và xuống từng tầng để vận động các bạn tù biết nhường nhịn thức ăn cho nhau.
Cũng vậy, công cuộc rao giảng Tin Mừng sẽ không hiệu quả nếu chúng ta chỉ biết rao giảng lý thuyết suông. Muốn hạt giống Tin Mừng được nảy nở trong mọi hoàn cảnh của xã hội, người tín hữu phải biết dấn thân bằng chính cuộc sống là gương sáng của mình.
4-Yêu là cho đi chính mình:
Để cứu Goreng khỏi chết vì đói, Miharu đã tự sát với mong muốn dùng chính xác thịt của mình nuôi sống anh ta. Những câu Kinh Thánh về việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể vang lên trong phân cảnh này như diễn tả sâu sắc về ý nghĩa cao nhất của tình yêu đó là phải cho đi chính bản thân mình.
6-Hãy trở nên như trẻ thơ:
Đứa bé trong cái kết là biểu tượng của niềm hy vọng, của ánh sáng thiện lương. Và giá như, mỗi con người đều giữ cho mình tâm hồn thuần khiết như trẻ thơ, thì cuộc đời này đã không có nhiều bất công, oan trái, sự phân hóa giữa giàu và nghèo, giữa tầng trên và tầng dưới đã không rõ rệt như thế. Và Chúa cũng đã nói: Hãy trở nên như trẻ thơ vì “Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng”. ( Mt19,14)
5-Kho tàng con ở đâu thì lòng con cũng ở đó:
Sau một tháng, các phạm nhân được hoán đổi vị trí ngẫu nhiên cho nhau, họ có thể được lên tầng trên và cũng có thể phải xuống tầng rất sâu của cái hố. Điều đặc biệt là họ không mang theo bất cứ một thứ gì ngoài chính bản thân mình.
Cũng vậy, cuộc sống vô thường, nay còn mai mất, không ai có thể biết trước được ngày mai, nhưng cho dù ở bất cứ hoàn cảnh sống nào thì điều làm nên giá trị của một con người chính là phẩm chất đạo đức, ý thức vươn đến điều thiện, sự quan tâm và chia sẻ. Đây chính là “kho tàng”, là của cải duy nhất mà chúng ta có thể mang theo vì đó chính là cõi lòng của mình vậy.
Lạy Chúa, cơn đại dịch Covid hiện tại chẳng khác nào cái “Hố sâu đói khát” mà nhân loại đang phải đối diện. Xin cho chúng con biết lướt thắng sự tham lam, ích kỷ, đừng chỉ biết vơ vét cho bản thân, đừng chỉ nghĩ đến sự thoải mái cho riêng mình nhưng hãy chung tay vì cộng đồng, san sẻ cho người khó khăn để cùng nhau vượt qua “ hố sâu đói khát” do thảm họa dịch bệnh gây ra. Amen.
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org