Trên internet có câu chuyện như sau:
Danh họa Albrecht được sinh ra là con thứ ba của một gia đình có mười tám người con. Cha của chúng là thợ kim hoàn. Ông tha thiết muốn Albrecht cũng trở thành thợ kim hoàn giống như ông. Tuy nhiên, Albrecht thích môn hội họa. Vì thế khi trưởng thành, cậu rời nhà và gặp một thanh niên khác cũng muốn học để trở thành họa sĩ. Họ trở thành đôi bạn thân và mướn một căn nhà tranh nhỏ ở chung để đi học, vì họ không có nhiều tiền.
Chẳng bao lâu, Albrecht và người bạn nhận thấy rằng họ không thể kiếm đủ tiền cho cả hai người vừa đi học vừa mua thực phẩm, quần áo và tiền mướn nhà. Do đó, người bạn nói với Albrecht:
– Này, tôi đã nhận một công việc trong nhà hàng. Tôi sẽ làm việc nhiều giờ và kiếm tiền để cho cả hai chúng ta đủ sống. Bạn hãy tiếp tục học để trở thành một họa sĩ. Bạn còn trẻ hơn tôi và vẽ giỏi hơn tôi xa. Sau khi bạn học thành tài, sẽ điến phiên bạn nuôi tôi để tôi có cơ hội đi học lại.
Người bạn của Albrecht làm việc nhiều giờ trong công việc rửa chén, hầu bàn, và dọn dẹp sau bữa ăn để kiếm tiền nuôi Albrecht ăn học. Albrecht cố gắng miệt mài học và chẳng bao lâu anh đã trở thành một họa sĩ tài danh. Sau khi công thành danh toại và đã có tiền, Albrecht nói với bạn:
– Bây giờ đến phiên tôi nuôi bạn, bạn có thể đi học trở lại để trở thành họa sĩ như ước mơ.
Người bạn từ bỏ công việc trong nhà hàng và bắt đầu học nghệ thuật vẽ tranh. Tuy nhiên, người bạn đã làm việc quá lâu với đôi bàn tay thường tiếp xúc với nước đến nỗi chúng không còn lanh lợi, mềm mại. Bàn tay của người bạn trở nên nhức nhối sưng phồng và cứng ngắc. Cậu ta cố gắng hết sức để trở thành họa sĩ, nhưng sau cùng người bạn nhận thấy rằng mình không thể nào thành công.
Albrecht quyết định cậu sẽ luôn luôn làm việc để chăm sóc cho người bạn, người đã làm việc siêng năng quá lâu vì cậu. Một ngày kia, khi trở về nhà, cậu thấy người bạn đang qùy gối cầu nguyện một mình. Đôi bàn tay nhăn nheo đan vào nhau trong tư thế cầu nguyện. Albrecht nghĩ: “Mình không thể nào làm cho đôi tay của bạn mình khá hơn được. Tuy nhiên, mình sẽ vẽ đôi bàn tay tiều tụy, gân guốc như mình thấy bây giờ, để cho mọi người thấy được bạn mình đã làm việc vì mình như thế nào.”
Và bức tranh “Đôi bàn tay nguyện cầu” được ra đời từ đó.
Quý vị và các bạn thân mến!
Khi nhìn ngắm bức tranh vẽ đôi bàn tay, chắp lại với nhau trong tư thế cầu nguyện hoặc bản sao chạm trỗ bằng gỗ của họa sĩ vĩ đại Albrecht Durer, người ta dễ dàng cầu nguyện với Chúa. Tác phẩm có được một nội lực kỳ diệu, đó là vì nó được thực hiện trong tâm tình biết ơn sâu xa của danh họa Albrecht dành cho đôi bàn tay tiều tụy, gân guốc của người bạn, đã vì mình mà làm việc cực nhọc như thế nào.
Thật là bất hạnh và buồn chán nếu cuộc đời chúng ta gặp phải quá nhiều những người sống vô ơn – những người không bao giờ biết đến những điều tốt mà những người chung quanh đã làm cho mình , dù là những việc xem ra rất đổi thường. Thành công trong đời sống của một con người là một tổng thể của những sự giúp đỡ của mọi người dù lớn hay nhỏ. Đôi tay của Albrecht Durer đã trở nên mềm mại, tài hoa trong những nét vẽ, há chẳng phải nhờ đôi tay chỉ biết làm những việc tầm thường như rửa chén, hầu bàn, quét dọn của người bạn mình hay sao?
Trong đời sống hiện đại, khi mà kết quả của mọi giá trị đều mang tính cộng đồng cao thì lòng biết ơn như một bằng chứng về một thái độ sống trưởng thành, một nhân cách đẹp. Như danh họa đã ghi ơn người bạn của mình bằng cách vẽ đôi bàn tay của anh ta với hết tâm tình yêu thương và trân trọng, chúng ta cũng cần ghi nhận công ơn của những người xung quanh và thể hiện lòng biết ơn đó một cách cụ thể và chân thành.
Hãy quý trọng công khó của nhau và bày tỏ sự thương quý đó bằng những lời nói ngọt ngào, những cử chỉ tế nhị để những người quanh ta cảm thấy hạnh phúc, thỏa nguyện vì những gì họ cho điđược ghi nhận một cách trân trọng như không phải là vô ích. Cho dù việc làm đó là chính trách nhiệm của họ đối với chúng ta đi nữa. Điều đó sẽ làm cho họ thấy sung sướng và xúc động, họ sẽ còn hăng say phục vụ ta nhiều hơn nếu có cơ hội.
Lạy Chúa, cả cuộc đời chúng con luôn là khúc ca tạ ơn Chúa vì đã lãnh nhận biết bao hồng ân Chúa. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và Thiện Hảo, những lời tạ ơn hay một thái độ sống vô ơn từ một tạo vật mọn hèn như chúng con quả thật không hề góp phần làm tăng hay giảm giá trị tự thân cao cả một cách tuyệt đối của Ngài, Nhưng khi thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, chúng con thực sự được ơn Cứu Độ, như lời kinh nguyện rằng: “ Vì những lời ta ơn của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa nhưng đem lại cho chúng con ơn Cứu Độ muôn đời. Amen.”
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org