Chuyện kể rằng: Có một ông vua nọ tổ chức một bữa tiệc để khoản đãi các quan lại trong triều của mình. Ông hạ lệnh mời dự tiệc và lưu ý các thực khách là bữa tiệc sẽ không có rượu nên mỗi người đến dự tiệc hãy đem theo một cái chai nhỏ đựng phần rượu riêng của mình và đổ vào cái chum lớn ở giữa phòng tiệc. Rượu ở chum lớn đó sẽ được rót ra cho tất cả mọi người cùng thưởng thức.
Thời gian bữa tiệc được mở đã tới. Tuân lệnh nhà vua, mỗi thực khách đều đem theo cái chai nhỏ đựng phần rượu của mình đổ vào cái chum lớn được chỉ định.
Khai mạc bữa tiệc xong, nhà vua cho lính rót rượu từ trong chum vào ly của mọi người. Mỗi người nhận lấy ly rượu của mình và nâng ly, khi uống, mọi người đều nhận ra đây không phải là rượu mà chỉ là ly nước lã. Thế nhưng, không thực khách nào tỏ vẻ ngạc nhiên. Bởi lẽ đây chính là thứ nước mà mỗi người mang theo đổ vào chum. Vì nghĩ rằng chút rượu ít ỏi của mình mà đổ vào cái chum rượu lớn thì cũng chẳng thấm tháp gì nên mọi thực khách đều chỉ mang theo chai nước lã. Để rồi cuối cùng, họ cũng chỉ uống được nước lã chứ không phải rượu ngon.
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
“Gieo gì gặt nấy” là câu nói mà nhân gian vẫn thường nhắc nhớ nhau trên cửa miệng và nhắn nhủ chính mình trong sâu xa cõi lòng. Những thực khách trong câu chuyện bên trên mặc dù đã được căn dặn đem rượu đổ vào chum, nhưng họ đã âm thầm đem theo chai nước lã và giả vờ như đó là rượu để đổ vào chum đựng rượu. Họ thản nhiên cho rằng nếu mọi người đều đổ rượu vào đó thì chút nước lã của mình pha vào sẽ chẳng ảnh hưởng gì mà mình còn tiết kiệm được chút rượu. Thế nhưng, không phải chỉ một người, vài người mà tất cả mọi người đều có suy nghĩ và hành vi dối trá đó. Không góp rượu thì làm sao có rượu mà uống? Kết quả là tất cả mọi người đều phải nhận lãnh hậu quả của chính mình đó là chỉ được uống nước lã, thứ nước mà họ đã đóng góp. Tình huống dở khóc dở cười này cũng nhắc chúng ta nhớ rằng hành vi và lối sống của một cá nhân có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống chung của cả tập thể. Nếu trong một tập thể, mọi người đều sống giả dối, lừa lọc nhau thì điều mà mọi người nhận được cũng chỉ là sự giả dối, thiếu chân thành.
Nhân nào, quả nấy cũng là điều mà Chúa Giêsu thường đề cập đến trong các giáo huấn của Người. Trên bình diện cá nhân, bản chất bên trong của một con người ra sao sẽ được bộc lộ ra bên ngoài nơi những hành vi, và cách ứng xử của người đó. Chúa Giêsu giải thích điều này qua những hình ảnh ẩn dụ: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác” (Lc 6, 43-45).
Trên bình diện cộng đồng, trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta đối xử với tha nhân như thế nào thì cũng sẽ được nhận lại những điều tương xứng như vậy. Về điều này, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy; đừng xét đoán, thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán; đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án; hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha; hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại, vì đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho chúng ta bằng đấu ấy (Lc 6, 38).
Trong những phút cầu nguyện này, chúng ta duyệt xét lại đời sống của mình dưới ánh sáng Lời Chúa để thấy được mình thường gieo những gì và gặt lại được những gì trong đời mình. Có những lúc chúng ta gieo sự cần mẫn, nhẫn nại đã gặt được thành công, có nhiều lúc chúng ta gieo tình thương cũng gặt lại được tình thương mến. Tuy nhiên, cũng có những lúc chúng ta gieo chân thành nhưng lại gặt sự lừa dối, gieo hy vọng lại gặt được thất vọng, gieo niềm tin nhưng lại gặt sự phản bội. Như vậy, đâu phải lúc nào cũng gieo nhân nào thì gặp quả nấy? Chúng ta cũng đừng lấy làm lạ trước những điều xem ra nghịch lý này của luật nhân quả, bởi vì chính Chúa Giêsu cũng đã trải qua những kinh nghiệm cay đắng, phũ phàng như vậy khi Người luôn làm những điều tốt đẹp cho con người nhưng lại nhận được sự khước từ, kết án và cái chết.
Ước gì giữa những nghịch lý của luật nhân quả, chúng ta vẫn luôn kiên tâm bền chí theo đuổi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và nhẫn nại gieo những hạt giống thánh thiện, tốt lành cho đời.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin ban ơn giúp chúng con biết chuyên chăm gieo những hạt giống của sự thật, công bình và bác ái để có thể gặt hái được hoa trái của hoan lạc và bình an. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTG Chợ Quán
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org