Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,
Trong sách Huấn Ca, tác giả miêu tả ngôn sứ Êlia với vẻ oai dũng phi thường. Ông xuất hiện như một vị thần rực lửa. Lời ông nói tựa đuốc cháy bừng bừng. Sứ mạng của ông là đến để chỉnh đốn lại sự hưng thịnh của các chi họ Giacóp. Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân và số người hiềm ghét ông đã giảm bớt. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời và ba lần khiến lửa từ trời đổ xuống. Êlia thật là người đầy quyền lực và vinh quang hiển hách. Ông chấn chỉnh vua chúa và sửa trị người quyền thế. Sau đó ông được chiếc xe ngựa đỏ như lửa kéo đi giữa cơn lốc lửa. (x. Hc 48, 1-4.9-10).
Đất nước Do Thái là một trong những quốc gia bị đế quốc Rôma cai trị khắc nghiệt khiến đời sống người dân rất khổ cực. Bên ngoài, thế lực ngoại giáo nói bảo hộ nhưng thực tế là để chế ngự lòng yêu nước, yêu dân tộc. Bên trong là những thủ lãnh có thế giá nhưng phần lớn là hạng xu thời nịnh thế. Các ngôn sứ bị vắng tiếng và bị chính quyền Do Thái khai trừ. Vì thế người dân luôn thiết tha cầu mong ngôn sứ Êlia trở lại. Sau đó, Thiên Chúa cho ông Gioan Tẩy Giả đến. Ông là một con người thánh thiện và sống khắc khổ. Ông đã rao giảng kêu gọi đoàn dân sám hối dọn đường cho Chúa nhưng cũng bị từ chối và còn bị sát hại.
Do Thái là một dân tộc thích lý luận, họ đòi hỏi mọi cái phải rõ ràng chính xác. Họ am hiểu Kinh Thánh, rất giỏi về khoa học, đặc biệt là khoa thiên văn. Niềm tin của họ phải được chứng nghiệm, được xem tận mắt, sờ tận tay. Họ cẩn thận ghi chép và thuộc lòng những lời các ngôn sứ nhưng một thực tại lớn lao hiện diện trước mặt họ lại không thấy và không tin. Con Thiên Chúa đã đến trần gian, nơi làng quê Nagiarét nhỏ bé, nhưng ít người nhận ra. Bởi lẽ họ tin vào lịch sử hơn, tin vào sự tính toán khôn ngoan của khoa học.
Tư tưởng và thái độ của người Do Thái cũng là tư tưởng của mỗi người chúng ta. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã đến không mang dáng vẻ uy nghi quyền lực nhưng âm thầm khiêm tốn. Chúa không đến trong vinh hoa phú quý, giữa tiếng trống kèn, cờ hoa lộng lẫy. Người đến trong nơi tĩnh lặng, qua những con người bé nhỏ nghèo hèn bị xã hội khinh chê. Chúa đến trong yêu thương và tha thứ, trong chữa lành và kiếm tìm. Để nhận ra sự hiện diện của Con Thiên Chúa, chúng ta phải để cho lòng mình thoát khỏi sự điều khiển của tham lam dục vọng, phải cải thiện đời sống bằng những việc làm cụ thể “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). Còn với những quân nhân, người thu thuế thì đừng đòi hỏi điều gì quá mức đã ấn định, nhưng hãy bằng lòng với những gì mình được lãnh nhận.
Con Thiên Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại và trong tâm hồn mỗi chúng ta, nhất là những ai thành tâm thiện chí, thế nhưng có những lúc chúng ta coi Người như khách lạ bên đường. Ta sắm vai là những nhà thông thái đi tìm hiểu lẽ khôn ngoan, nhưng lại không đón nhận mầu nhiệm Nước Trời ẩn giấu nơi những điều tầm thường bé nhỏ. Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người mời gọi chúng ta bỏ đi cái nhìn theo kiểu loài người, biết mở trí lòng đón nhận sự hiện diện của Chúa nơi những người xung quanh, để lắng nghe những ưu sầu và lo lắng của họ, chia sẻ với những ai đang mang gánh nặng nề. Mầu nhiệm Nhập Thể mang đến cho nhân loại niềm vui sâu lắng, vượt trên sự tính toán và khôn ngoan của con người. Những ai thành tâm thiện chí, khiêm cung mở lòng ra với lời mời gọi yêu thương của Chúa thì mới lãnh nhận được.
Lạy Chúa, giống như người Do Thái xưa, chúng con cũng không dễ nhận ra Chúa trong nếp sống khó nghèo của Gioan Tẩy Giả, trong chân lý sự thật. Xin cho chúng con biết từ bỏ đam mê tội lỗi đang trói buộc khiến chúng con không nhận ra Chúa. Xin cho chúng con khiêm tốn lắng nghe lời Chúa mời gọi, thành tâm sám hối và kiên trì cầu nguyện, để chúng con lãnh được ân sủng của Chúa trong mùa hồng ân này. Amen
Nt. Anh Thư
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org