Phút cầu nguyện: Người trẻ học cách vượt qua đau khổ – buồn phiền

Khi cuộc sống đong đầy khổ đau, gian nan thử thách cùng những điều không vừa ý, nếu chúng ta yếu nhược, chán nản, thất vọng và tự nhốt mình vào trong một góc tối u uẩn bi quan nào đó, thì chắc chắn những sự khốn khó ấy sẽ tạo nên vết thương lòng rất khó chữa trị, khiến ta bị kéo ghì lại ở phía sau và đánh mất bao niềm vui, hy vọng ở phía trước; nhưng nếu chúng ta mạnh mẽ, can đảm đón nhận… thì điều này thật ý nghĩa, bởi nó giúp ta đủ sức vượt qua tất cả và chiếm giữ được an bình nội tâm để nhận ra rằng: “Vì đau khổ cần thiết cho ta nên Chúa mới phải quay mặt đi mà gửi đau khổ đến. Ngài vốn ngại bắt ta uống nước mắt, nhưng Ngài biết đó là phương thế duy nhất để chuẩn bị cho ta hiểu biết Ngài, để ta nên thánh, và nên Con Chúa Trời.”[1] Và rồi, trong bất cứ thời khắc nào, nếu bạn cảm thấy bị tổn thương vì đau khổ, thì mời bạn cùng tôi – chúng ta hãy chiêm ngắm và cùng với thánh Giám mục Tiến sĩ Phêrô Đamianô cầu nguyện để thấm đượm cách ngài vượt qua bất hạnh ưu sầu, cùng ngài chúng ta cũng vẽ được những họa tiết tuyệt vời cho bức tranh đời mình thêm linh thánh, sinh động và ý nghĩa.

[2]Phêrô Đamianô chào đời khoảng năm 1007 tại Ravenna, nước Ý. Sống trong vòng tay bao bọc, chở che của mẹ cha chưa được bao lâu, thì cảnh tang thương ập xuống khiến cậu bé ấy thành trẻ mồ côi. Sau nỗi đau này, mặc dù được một người anh nhận nuôi nhưng cậu phải sống trong nỗi bất hạnh dai dẳng, trong sự thiếu đói cả thể xác lẫn tinh thần. May mắn thay, một khúc ngoặt mới, một cơ hội mới đã mở ra cho Phêrô Đamianô, khi một người anh khác quan tâm, yêu thương và nâng đỡ. Vượt qua những nỗi đau trước đây và hướng nhìn tới tương lai phía trước, với tố chất thông minh chăm chỉ nỗ lực học hành, Phêrô Đamianô đã thành công trên con đường tri thức trở thành một giáo sư danh tiếng. Nhưng rồi, ánh hào quang nơi thế trần lại không đủ hấp lực, bởi ngài muốn thuộc trọn về Chúa trong nếp sống đan tu và muốn tiến bước trên đường nhân đức, sống đời khiêm nhu, thánh thiện, sùng kính Mẹ Maria, thành tâm sám hối, mời gọi mọi người hoán cải mà kết hiệp với Chúa.

Tuy nhiên, từ đan viện, Phêrô Đamianô lại được gọi làm Giám mục và Hồng y. Suốt quãng đời còn lại của mình, Phêrô Đamianô được sai giữ những nhiệm vụ quan trọng giúp cho Đức Thánh cha. Năm 1072, Phêrô Đamianô qua đời. Đến năm 1828, Phêrô Đamianô được tôn phong làm Tiến sĩ Hội Thánh vì ngài là nhà vô địch trong việc bảo vệ chân lý và kiến tạo hòa bình.

Ngắm nhìn cuộc đời của thánh Phêrô Đamianô, chúng ta vừa thấy nổi bật lên bao nét đẹp tinh tế, ấn tượng vốn đã vượt ra khỏi những ràng buộc, tác động của khổ đau; vừa tìm thấy lời an ủi có sức thuyết phục làm dịu đi nỗi cay đắng của tâm hồn vì bao nỗi khổ đau ngài gánh chịu. Thánh Phêrô Đamianô đã chia sẻ rằng: “Phải ca ngợi chương trình của Thiên Chúa; Người cho roi vọt trong một thời gian là để cho những kẻ thuộc về Người thoát khỏi hình phạt đời đời; Người hạ xuống là để nâng lên. Người cắt xén là để chữa lành, Người triệt hạ là để nâng cao… Vậy, bạn hãy làm cho tâm trí mạnh mẽ để kiên nhẫn chịu đựng và hãy vững lòng mong đợi niềm vui sau khi đã buồn phiền.”[3]

Như thế, cùng với thánh Phêrô Đamianô, chúng ta ý thức hơn trong sự cần thiết phải thắng vượt những nỗi đau riêng; hơn nữa chúng ta biết lưu tâm đến nỗi đau của tha nhân và tìm cho mình một phương thức trợ giúp hiệu quả. Đức Thánh cha Phanxicô đã nhắn nhủ người trẻ một cách đặc biệt: Bạn không chỉ biết khóc cho mình, mà còn biết khóc khi nhìn thấy một đứa trẻ bị đói, bị dính vào ma túy hay bụi đời, vô gia cư, bị xã hội bỏ rơi, bạo hành hay bị khai thác như một nô lệ, để thương cảm, để diễn tả lòng thương xót và trắc ẩn với tất cả những bạn trẻ kém may mắn hơn mình. Nếu thấy nước mắt mình không trào ra được, các bạn hãy xin Chúa ban cho mình ơn biết khóc trước những khổ đau của tha nhân. Một khi có thể khóc, các bạn sẽ có thể giúp đỡ người khác với cả tấm lòng…[4]

Lạy Chúa, trong tình yêu và sự quan phòng nhiệm màu của Chúa, thánh Phêrô Đamianô đã đứng vững trước mọi khổ đau trong đời. Nhờ lời thánh nhân chuyển cầu, nguyện Chúa thương gìn giữ chúng con, để chúng con không bị rơi vào những khoảnh khắc mà tất cả các năng lực tuổi trẻ, những ước mơ và lòng hăng hái có thể tàn lụi vì chúng con bị cám dỗ chựng lại nơi chính mình, nơi các vấn đề, các cảm giác tổn thương và những dằn vặt của mình[5] Nhưng qua những khoảnh khắc đó, chúng con trưởng thành hơn trong nhận thức và chấp nhận khổ đau để dự phần vào cuộc khổ nạn của Chúa.

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P    

Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org


[1] Y Phan, CMC, 1001 danh ngôn các thánh, Nxb Tôn giáo, tr. 40.

[2]http://www.simonhoadalat.com/suyniem/saints/Thang2/Ngay21.htm và Susan Helen Wallace, Fsp. Các Thánh dành cho bạn trẻ, ngày 21 tháng 02. http://tinmung.net/CAC-THANH/CacThanhINDEX.htm

[3] Trích thư của thánh Phêrô Đamianô – Giám mục. Bài đọc 2, BĐKS ngày 21 tháng 02.

[4] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 76.

[5] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 166.

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube