Bước vào cuộc sống với biết bao mối tương giao thiết thân giữa người với người nhờ việc sử dụng ngôn từ, đặc biệt trong sứ vụ của người Kitô hữu thì việc sử dụng ngôn từ có ý nghĩa lại là điều cần thiết biết bao. Chiêm ngắm thánh giám mục Phêrô Kim Ngôn với những nét duyên thánh của lời nói, trong phút giây này, chúng ta được mời gọi nhìn lại mình xem “ngôn từ của chúng ta ra sao” để cho ngôn từ của chúng ta có thể cũng trở thành “lời vàng” (kim ngôn) đem lại nguồn sống cho mọi người.
Thánh Phêrô sinh khoảng năm 380 tại Imôla – Êmilia nước Ý. Hai chữ “kim ngôn” gắn liền với tên gọi của thánh nhân khiến chúng ta dễ dàng nhận thấy được nguồn ân phúc tuyệt diệu mà Thiên Chúa dành tặng cho ngài. Thế nhân biết nhiều về thánh Phêrô Kim Ngôn với biệt tài hùng biện, cùng những bước tiến dài và lạ lùng trên đường nhân đức kể từ khi ngài bắt đầu bước vào hàng giáo sĩ, giám mục Ravenna, năm 28 tuổi. Vị giám mục trẻ thánh thiện, nhiệt tâm chuyển trao ơn thánh Chúa để chữa trị, dẫn dắt, dưỡng nuôi, bảo vệ và chăm sóc phần rỗi đời đời cho dân Chúa. Khi giảng, người luôn tâm niệm rằng: “Phải giảng cho dân chúng bằng ngôn ngữ của dân chúng.”
Tâm tư của ngài đau buồn khi nghe tiếng người nghèo than khóc. Những nỗi khốn khổ của kiếp nhân sinh vẫn luôn có đó. Ngài đã cất lên tiếng nói trong phong cách “lời vàng” đầy tình bác ái vì ích lợi của những anh chị em ấy, cùng với các việc làm thiết thực. Tuy nhiên, đi liền với những trợ giúp vật chất bên ngoài, chúng ta cũng nhớ đến một lối nhỏ lành thánh được mẹ Têrêsa Calcutta gợi mở và nhắn nhủ: “Hãy mặc cho Chúa Kitô trần trụi bằng việc sống bác ái trong lời nói và bảo vệ thanh danh cho người khác.”[2]
Trong cách thức dùng lời ngắn gọn nhưng rất sâu sắc, thánh Phêrô Kim Ngôn luôn hết lòng nâng đỡ đức tin và kêu mời đoàn chiên loại bỏ những thói tục của dân ngoại cùng các nết xấu, việc thờ ngẫu tượng cùng lối sống giả tạo, mà thay vào đó là tâm tình kính mến Chúa, yêu thương tha nhân; là việc đón rước Thánh Thể Chúa – nguồn lương thực thần thiêng cho linh hồn. Trước sức mạnh những “lời vàng” của giám mục Phêrô, ước mong cho chúng ta cảm nghiệm được hấp lực hối thúc sự đổi thay tận căn nơi mỗi người, khiến chúng ta luôn cân nhắc, chọn lựa những “lời vàng” phù hợp trong từng khoảnh khắc của ngày sống. Vì thật ra, với lời nói, chúng ta có thể diễn đạt một phần cái thiêng liêng… Lời nói diễn đạt những ý tưởng và ý tưởng diễn đạt sức mạnh thiêng liêng. Do vậy, hãy để cho những lời nói của ta tương ứng với cái được diễn đạt. Những lời ấy không thể lạnh lùng, thiếu cảm xúc và cũng không nên truyền đạt cái ác.[3]
Thánh Phêrô Kim Ngôn đã nhiệt tâm rao giảng, hiện nay người ta còn giữ lại được khoảng 180 bài giảng của ngài, với lời lẽ đơn sơ nhưng đầy nhiệt huyết. Sau khi cai quản Giáo phận Ravenna trong 18 năm, thánh giám mục được Chúa gọi về năm 450. Năm 1729, ngài được Đức Thánh cha Bênêđictô XIII đặt làm Tiến sĩ Hội thánh.
Những năm tháng trên đường lữ hành trần thế, thánh giám mục Phêrô Kim Ngôn đã để lại một tấm gương sống động và ngời sáng. Soi mình vào tấm gương này, chúng ta hãy cố gắng không để cho những lời nói bất cẩn, vô tâm, vô nghĩa xuất hiện trong mỗi ngày sống. Vì “ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân.”[4] Dõi nhìn cuộc đời của thánh Phêrô Kim Ngôn, chúng ta vừa thao thức đưa những nét đẹp thuần khiết từ lời nói của ngài vào nhịp sống hiện đại; vừa lưu ý đến những bước tiến điên cuồng của thế giới, đôi lúc ngăn cản chúng ta chăm chú lắng nghe điều người khác đang nói. Giữa chừng, chúng ta đã ngắt lời và muốn nói ngược lại điều họ chưa trình bày xong. Chắc hẳn, chúng ta đánh mất khả năng lắng nghe rồi. [5] Như thánh Phêrô Kim Ngôn đã nghe tiếng Chúa, đã nghe tiếng người nghèo và người đau yếu… ước mong cho hạt giống mà thánh nhân đã gieo trồng sẽ trổ sinh nơi tâm hồn nhiều người…
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa là Đấng mà thánh Phêrô Kim Ngôn trọn đời kiếm tìm. Xin ban cho chúng con Ngôi Lời thông minh thượng trí, để chúng con được thánh hóa xác hồn cùng tư tưởng, hành động và đặc biệt là lời nói sao cho đẹp lòng Chúa. Xin cũng thương giúp chúng con nhận ra rằng: Lời nói chứa đựng những điều lớn lao; bằng lời nói, chúng con sẽ kiến tạo tình yêu, sự hiệp nhất mà không phải là sự hận thù và chia rẽ.[6]
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org
[1] Tiểu sử x. Theo vết chân Người (Chân dung các thánh nhân).
http://conggiao.info/thanh-phero-chrysologo-giam-muc-tien-si-hoi-thanh-4…
[2] Mẹ Têrêsa Calcutta, Y Phan CMC, 1001 danh ngôn các thánh, Nxb Tôn Giáo, tr.167.
[3] Lev Tolstoy, Suy niệm mỗi ngày, tr.217-218.
[4] Gc 3,2
[5] Thông điệp Fratelli Tutti, số 55
[6] Lev Tolstoy, Suy niệm mỗi ngày, tr.268