Trong Tông huấn Đức Kitô đang sống, khi nói về các nẻo đường phục vụ của người trẻ, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói với các bạn trẻ: Trên hết, bằng cách này hay cách khác, các con hãy chiến đấu cho thiện ích chung, hãy phục vụ người nghèo, hãy là những tác nhân chính của cuộc cách mạng yêu thương và phục vụ, có khả năng đề kháng các căn bệnh của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân thiển cận… Một trong các mẫu gương thánh thiện mà người trẻ có thể chiêm ngắm và học theo để có thể thi hành lời mời gọi của Đức Thánh cha đó là gương thánh Alphongsô Ligôri. Chúng ta chiêm ngắm ngài và cùng với ngài chúng ta cầu nguyện.
Thánh Alphongsô Ligôri sinh năm 1696, tại một nơi gần thành Napôli, nước Ý, trong một gia đình quý tộc. Thánh nhân đạt được học vị tiến sĩ cả về luật đời lẫn luật đạo năm mười bảy tuổi và đã trở thành một luật sư danh tiếng. Khi tham gia vào môi trường luật, Alphongsô bất mãn trước những bất công xảy ra trong hệ thống pháp luật; vừa lúc ấy Alphongsô được nghe tiếng Chúa kêu mời, chàng quyết định bỏ nghề luật sư để theo Chúa làm linh mục phục vụ Chúa và Giáo hội. Alphongsô Ligôri đã gia nhập hội dòng Diễn Giảng (do thánh Philipphê Nêri thành lập vào năm 1564), và sau đó Alphongsô được thụ phong linh mục năm ba mươi tuổi (1726).
Khi làm linh mục, cha Alphongsô đã chăm lo đào tạo các thừa sai nhằm gởi đi phục vụ các bệnh nhân và giảng dạy về Chúa cho giới bình dân. Ngài dành rất nhiều thời gian giảng dạy và quan tâm chăm lo cho những người nghèo trong các vùng quê miền Napôli, vì ngài nhận thấy nơi đây sự thiếu thốn lớn trong vấn đề đạo đức. Đó chính là nguồn cảm hứng và ơn đoàn sủng dẫn đưa ngài tới việc thành lập Dòng Chúa Cứu Thế – một hội dòng mới vào năm 1732 – nhằm mục đích truyền giáo cho các dân miền quê, đặc biệt là cho giới bình dân. Năm 1749, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIV phê chuẩn luật dòng mới này. Tuy có các khó khăn buổi đầu, nhưng hội dòng đã nhanh chóng phát triển.
Cha Alphongsô đã làm cho cuộc sống dồi dào phong phú do nguồn ân sủng Chúa ban. Ngài viết rất nhiều sách về thần học luân lý và đạo đức. Các tác phẩm phải kể đến đó là: Viếng Mình Thánh Chúa (1745), Vinh quang của Đức Maria (1750), Phương pháp lớn là cầu nguyện (1759), Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô và Thần học luân lý (1753-1755). Các tác phẩm trọn bộ khác của ngài đã được dịch sang tiếng Pháp (1834-1842).
Cha Alphongsô cũng đã chu toàn rất nhiều trách vụ trong vai trò mục tử và vai trò vị sáng lập một dòng tu mới có đoàn sủng phù hợp với nhu cầu của Giáo hội lúc bấy giờ. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIV nhận biết rằng cha Alphongsô sẽ giúp ích thật nhiều cho Giáo hội nên ngài đã chỉ định cha Alphongsô làm giám mục Giáo phận Agatha phục vụ người Goth. Cha khiêm tốn vâng lời mặc dù trước đó cha đã từ chối.
Lãnh nhận sứ mạng giám mục, Đức cha Alphongsô đã cử nhiều nhà giảng thuyết đến làm việc trong giáo phận của ngài để chia sẻ với mọi người về đức tin Công giáo và tình yêu hải hà của Thiên Chúa. Vào thời đó, Giáo hội xuất hiện hai phái: một phái chủ trương lạc quan tôn giáo và một phái chủ trương nhiệm nhặt. Đức cha Alphongsô đã xây dựng một hệ thống thần học luân lý được mệnh danh là “thuyết trung dung,” dựa trên nguyên tắc lòng nhân từ vô biên của Chúa ở giữa hai thái cực nhiệm nhặt và thả lỏng này. Qua công trình của nhà luân lý quân bình, thánh Alphongsô đã đặc biệt có công trong việc giải phóng các giáo hữu đương thời khỏi chủ trương quá nhiệm nhặt của phái Jansênis này.
Thánh Alphongsô Ligôri nổi tiếng về lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và lòng sùng kính thật đặc biệt đối với Đức Mẹ Maria. Ngài qua đời năm 1787, hưởng thọ 91 tuổi. Năm 1839, Đức Thánh cha Grêgôriô XVI tôn phong Giám mục Alphongsô Ligôri lên bậc hiển thánh. Năm 1871 Đức Thánh cha Piô IX tôn tặng ngài tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh.
Chiêm ngắm và cùng với thánh Alphongsô Ligôri cầu nguyện, người trẻ chúng ta học hỏi nơi thánh nhân về sự thánh thiện và sự nhiệt tâm trên các nẻo đường phục vụ của ngài: dấn thân phục vụ người nghèo, sống tinh thần trung dung, nhiệt tâm rao giảng về Chúa, mời gọi mọi người hoán cải trở về với Chúa trong Bí tích Giải tội.
Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban cho Giáo hội đặc biệt là cho người trẻ chúng con những khuôn mẫu thánh thiện luôn luôn mới của đời sống Kitô hữu. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh giám mục Alphongsô mà nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, bằng cách trung thành rao giảng và phục vụ Bí tích Thánh Thể, để mai sau chúng con được Chúa ân thưởng cùng với thánh nhân. Amen
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org