Chuyện kể về một gia đình nghèo có ba người: cha, mẹ và con trai. Người cha hằng ngày đi làm thuê còn người mẹ thì lo việc bếp núc, trồng mấy luống rau và chăm sóc đứa con. Một buổi trưa hè nắng nóng, người mẹ trên đường từ chợ về nhà chợt nhặt được một trái cam ai đó bỏ lại bên đường. Nghĩ ngay đến đứa con ngoan ngoãn chẳng mấy khi được ăn trái cam thơm ngon, bà liền lau sạch trái cam và cất vào túi.
– Bước chân vào nhà, bà gọi: “Con trai ngoan của mẹ, nhìn xem mẹ cho con gì đây này!”
– Đang học bài, cậu bé ngước đôi mắt trong veo nhìn trái cam như một báu vật: “Ôi, trái cam ngon quá, con cám ơn mẹ”.
Người mẹ vô cùng cảm động, thầm cảm ơn ai đó đã vô tình đánh rớt trái cam để bà có được niềm vui khi dành trái cam ngon ngọt cho con mình.
Cậu bé cầm trái cam vàng tươi với mùi hương dìu dịu, cậu thầm cảm ơn mẹ đã dành cho mình trái cam thật ngon. Cậu muốn ăn, nhưng lại nghĩ đến Ba của mình giờ này đang vất vả làm việc. Cậu nắn nót viết lên tờ giấy tập dòng chữ: “Ba ơi, con yêu ba lắm. Chắc ba đi làm về mệt lắm! Ba ăn trái cam này cho đỡ mệt, nghe ba”. Viết xong cậu mở trang giấy, gói trái cam rồi rón rén đặt ở góc tủ, nơi mỗi khi đi làm về ba sẽ cởi áo khoác và cất nón tại đó.
Tối hôm ấy, người cha trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Cởi áo khoác ngoài và đặt nón xuống, tay ông bỗng chạm phải một vật gì tròn tròn được gói trong tờ giấy vở. Mắt ông nhòa lệ khi đọc những nét chữ ngây thơ của đứa con yêu quý. Nhìn xuống bếp, thấy vợ đang lúi húi công việc, ông thấy thương người phụ nữ nhỏ bé, suốt ngày bận rộn để chăm sóc cho hai bố con mà không bao giờ phàn nàn kêu ca. Nhẹ nhàng đến bên cạnh và choàng tay ôm vợ, ông ghé tai nói nhỏ:
-“Cám ơn em, cha con anh cám ơn em và tặng em món quà này”.
Và ông đưa trái cam cho vợ. Người vợ bật khóc khi nhận ra đây chính là trái cam mình đã yêu thương trao cho cậu con trai vào buổi sáng này.
Quý vị và các bạn thân mến,
Lòng quan tâm của con người dành cho nhau có khả năng làm xảy ra những phép lạ kỳ diệu. Trong câu chuyện cảm động mà chúng ta vừa nghe, chỉ có một trái cam mà cả ba thành viên trong gia đình nghèo đều nhận được trọn vẹn cả một trái cam. Tại sao kỳ lạ vậy? Phép toán chia của một trái cam cho ba người, nếu được chia đồng đều thì mỗi người chỉ được một phần ba trái cam mà thôi. Đằng này, một trái cam chia cho ba người mà mỗi người lại được một trái cam? Phải chăng bài toán đã có kết quả sai? Chắc chắn không phải như vậy! Vì sự quan tâm dành cho đứa con nhỏ mà người mẹ để dành quả cam lại cho con mình. Đứa bé ấy cũng nghĩ đến nỗi vất vả của cha mình mà trao gửi quả cam ấy cho cha. Và đến lượt người cha, cũng lưu tâm đến người vợ của mình nên lại mang quả cam ấy trao tặng lại cho vợ với tất cả yêu thương. Lòng quan tâm đã khiến một phép lạ xảy ra khi đôi vợ chồng và đứa con nhỏ đều nhận được trọn vẹn quả cam gói ghém tấm lòng mà họ dành cho nhau.
Trong tháng Mười này, với tràng chuỗi Mân côi trong tay, chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria – mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về lòng quan tâm đến nhu cầu của tha nhân. Lòng quan tâm tinh tế của Mẹ đã thể hiện rõ trong tiệc cưới Cana, khi Mẹ cùng Chúa Giêsu đến chung vui với gia đình đôi vợ chồng trẻ. Không ai trong bữa tiệc ấy, kể cả thân chủ và những người quản gia phát hiện rằng rượu đã hết. Vậy mà Mẹ Maria lại nhận ra điều đó và không cần ai nhờ vả, Mẹ đã chủ động đến nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Không chỉ quan tâm đến việc tìm cách giải quyết khó khăn cho gia chủ trong ngày vui trọng đại này, Mẹ còn quan tâm cả đến cách thức thực hiện và kết quả của sự việc. Cho nên, sau khi trình bày tình trạng khó khăn của gia chủ với Chúa Giêsu, Mẹ lập tức đi dặn dò các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. (Ga 2, 3-5). Nhờ lòng quan tâm hết sức tinh tế và sự nhiệt tình trợ giúp của Mẹ mà phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu đã được thực hiện ở tiệc cưới Cana. Điều đó thắp lên trong chúng ta niềm tin tưởng rằng nếu gia đình hay cộng đoàn của chúng ta có Mẹ Maria hiện diện thì chúng ta cũng có hy vọng Chúa sẽ thực hiện cho chúng ta những phép lạ tuyệt vời.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org