Một người phụ nữ mù lòa đang chậm chạp lần bước trên một con đường nhỏ. Một tay bà vịn cái nón lá cũ đang đội trên đầu, tay còn lại thì huơ huơ cây gậy để dò đường. Chợt, cây gậy của bà va phải một vật gì đó khá mạnh, khiến bà lảo đảo té nhào. Ngay lập tức, bà nghe một tiếng quát lớn:
– “Ai đó? Bộ đui hay sao mà va vào người ta thế này?”
Nghe giọng nói, bà cụ đoán đây là một cô gái trẻ tuổi hơn mình nên vừa lồm cồm bò dậy, bà vừa rối rít:
– “Xin lỗi cô, tôi xin lỗi. Tôi bị mù nên không nhìn thấy cô! Thật lòng xin lỗi vì đã va vào người cô!”
Dứt lời xin lỗi, bà cụ chờ đợi thêm những câu nói trách móc nữa, nhưng chỉ thấy một sự im lặng. Thì ra, cô gái ấy cũng bị mù và cũng đang lần mò trên đường để xin ăn. Cô hối hận vì sự nóng nảy và vô phép của mình đối với bà cụ mù, nhưng lại không muốn nói với bà là mình cũng bị mù, nên cô chỉ im lặng. Bà cụ hết sức ngạc nhiên và sau vài giây nghe ngóng, bà lại lên tiếng:
– “Cô có sao không vậy? Tôi mù thật nên không thể xem cô bị làm sao không. Nếu cô không bị hề hấn gì thì cho tôi xin lỗi nhé! Giờ tôi phải đi đây”.
Nói xong, bà cụ mù lòa lại tiếp tục huơ huơ cây gậy và bước đi. Bà đi được vài bước thì nghe tiếng cô gái gọi lại:
– “Bà ơi, con có một cái bánh, con muốn cho bà ăn lót dạ”.
Bà cụ nghe vậy thì mừng rỡ vô cùng. Chắc cô gái ấy đã tha thứ cho bà rồi nên giọng nói không còn gắt gỏng nữa, và lại còn cho bà cả cái bánh.
Bà cụ quay người lại, chìa chiếc nón cũ kỹ ra chờ đợi. Ngay lúc đó, một nhánh cây khô rơi vào chiếc nón của bà. Nghĩ là cô bé đã để cái bánh vào nón, bà cụ đưa tay vào cầm lấy, và nhận ra đó chỉ là một nhánh cây khô. Bà buồn bã quay đi, nghĩ rằng vì còn giận nên cô gái đã gạt mình như vậy. Còn cô gái mù thì vẫn chìa chiếc bánh trong tay chờ bà cụ cầm lấy. Khi nhận ra bước chân của bà đã đi xa, cô thất vọng và buồn bã nhủ lòng: Có lẽ bà không tha thứ cho mình nên đã không thèm nhận chiếc bánh.
Quý vị và các bạn thân mến,
Cả hai nhân vật trong câu chuyện bên trên đều có chung cảnh ngộ mù lòa. Tuy nhiên, chỉ có bà cụ can đảm thú nhận sự mù lòa của mình và cầu xin sự tha thứ, còn cô gái thì lại e ngại, không dám thú nhận khuyết tật của mình. Cả bà cụ và cô gái đều muốn bày tỏ thiện chí tha thứ và đón nhận sự thứ tha cho nhau qua ước muốn cho và nhận một chiếc bánh. Thế nhưng lời thú nhận hoàn cảnh mù lòa còn giữ lại của cô gái và nhánh cây khô vô tình đã gây nên một sự hiểu lầm đáng tiếc khiến họ không còn có thể gặp được nhau.
Theo kinh nghiệm sống hằng ngày, việc thú nhận những khuyết điểm và thiếu sót của bản thân thường khiến người ta cảm thấy không thoải mái và trở nên tự ti, yếm thế. Có nhiều người tốt bụng sẵn sàng thông cảm, bao dung và nâng đỡ người khác khi biết được những yếu điểm của họ, nhưng cũng có lắm kẻ không tốt cứ thích cười cợt, mỉa mai và lợi dụng những yếu điểm của người khác để tư lợi cho bản thân. Do vậy, mà người ta thường tiếp xúc với nhau theo kiểu “tốt khoe, xấu che” chứ không ai thích “vạch áo cho người xem lưng”. Điều đó đưa người ta đến thái độ sống ảo tưởng về chính mình và thiếu chân thành với người khác.
Đức tin, cậy, mến Kitô giáo giúp chúng ta can đảm sống thành thật với Chúa, với chính mình và tha nhân. Chúng ta không che giấu những tội lỗi và yếu đuối, bất toàn của mình trước mặt Chúa, vì Người thấu suốt mọi sự bí ẩn của chúng ta (Mt 6, 4). Thành thật đến với Chúa, bao cõi lòng tan vỡ sẽ được Người chữa khỏi, những vết thương trong cuộc đời sẽ được Người băng bó cho lành (Tv 147, 3). Chúng ta cũng không tự ti và mặc cảm với chính mình hay người khác về những thiếu sót và khiếm khuyết của bản thân, nhưng xem đó là phương tiện hữu ích giúp chúng ta biết sống khiêm tốn hơn và dễ dàng mở lòng ra hơn với tha nhân.
Lạy Chúa, đối với Chúa, tất cả chúng con đều là những thụ tạo xinh đẹp và tốt lành của Chúa. Xin ban ơn giúp chúng con biết gạn đục những điều chưa hay, chưa tốt hơn bản thân và khơi trong những nét đẹp mà Chúa đã mặc lấy và tiền định cho chúng con từ thuở đời đời. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org